Soạn bài Thực hành đọc: Cải ơi - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với soạn bài Thực hành đọc: Cải ơi trang 48, 49, 50, 51, 52, 53 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.
Soạn bài Thực hành đọc: Cải ơi - Kết nối tri thức
Nội dung chính:Văn bản kể về hành trình đi tìm con gái tên “Cải” của người cha Năm ròng rã suốt 10 năm trời. Tuy “Cải” chỉ là con riêng của vợ hai ông với người chồng trước, nhưng ông hết lòng yêu thương, bảo vệ con bé. Do làm mất cặp trâu nhà nuôi nên Cải bỏ nhà ra đi, người ta đồn đoán ông Năm đã hại chết con bé rồi đem giấu xác Cải ở một bãi đất trống. Vợ ông, hàng xóm láng giềng đều không tin tưởng ông. Quá đau đớn và thất vọng, ông Năm quyết định lên đường đi tìm Cải.
1. So sánh trật tự của các sự kiện trong câu chuyện và trong truyện kể (mạch truyện) và nhận xét về hiệu quả nghệ thuật của cách tổ chức truyện kể.
- Trật tự các sự kiện trong câu chuyện: Theo trật tự thời gian (hành trình đi tìm con Cải).
- Trật tự các sự kiện trong truyện kể: Đan xen giữa quá khứ và hiện tại.
=> Nhận xét hiệu quả nghệ thuật: Diễn tả chân thực hành trình đi tìm con Cải của ông Năm. Gây xúc động mạnh cho bạn đọc bởi tình cha sâu sắc, cùng lời văn mộc mạc nhưng chan chứa cảm xúc.
2. Đặc điểm của người kể chuyện trong truyện: ngôi kể, quan hệ và thái độ của người kể chuyện đối với các nhân vật.
- Ngôi kể: ngôi thứ ba – người kể chuyện toàn tri.
- Quan hệ: Người kể chuyện đã thay tác giả kể lại câu chuyện đi tìm con của ông Năm, qua đó thể hiện sâu sắc và cảm động tình cảm của ông dành cho đứa con riêng của vợ.
- Thái độ của người kể chuyện đối với các nhân vật: Thái độ thương cảm, xót xa.
3. Hệ thống điểm nhìn trong tác phẩm (người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn của mình hay của nhân vật, điểm nhìn bên trong hay bên ngoài chiếm ưu thế, từng điểm nhìn làm hé lộ những điều gì trong tâm lí nhân vật).
- Hệ thống điểm nhìn: Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn của mình, điểm nhìn bên trong chiếm ưu thế.
- Điểm nhìn người kể chuyện giúp nhà văn miêu tả chính xác, khách quan diễn biến hành động của nhân vật, kết hợp với điểm nhìn bên trong để miêu tả nội tâm, cảm xúc của nhân vật.
+ Ông Năm khắc khoải chờ mong tin con, buồn bã khi nhớ về con.
+ Thán lo lắng cho câu chuyện giữa mình với Diễm Thương.
+ Diễm Thương lạnh nhạt, không cảm xúc.
4. Chú ý sự cộng hưởng giữa lời của người kể chuyện và lời nhân vật trong truyện.
Lời của người kể chuyện và lời của nhân vật có sự cộng hưởng với nhau:
- Lời người kể chuyện trong việc miêu tả những cử chỉ ngoại hiện của ông Năm, Thán và Diễm Thương.
- Lời của nhân vật là những đoạn đối thoại, hoặc câu văn bộc lộ suy nghĩ của các nhân vật.
=> Tạo nên sức hấp dẫn cho truyện kể. Lối văn trần thuật giúp nhà văn kể chuyện một cách chân thực và hấp dẫn, làm cho người đọc hình dung ra được hành trình đi tìm con Cải của ông Năm.