Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 101 Tập 1 - Kết nối tri thức
Haylamdo sưu tầm và soạn bài Tri thức ngữ văn trang 101 Tập 1 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.
Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 101 Tập 1 - Kết nối tri thức
1. Truyện thơ và truyện thơ dân gian
- Truyện thơ thuộc loại hình tự sự, có cốt truyện, câu chuyện, nhân vật, lời kể,… nhưng lại được thể hiện dưới hình thức thơ. Với dung lượng tương đối lớn, truyện thơ có thể bao quát được nhiều sự kiện, con người, chi tiết cụ thể, sinh động của đời sống thường nhật. Cũng có một số truyện thơ còn lưu lại dấu ấn của sử thi nhưng ở đó cảm hứng thế sự vẫn nổi trội so với cảm hứng lịch sử hướng về những diễn biến lớn trong đời sống cộng đồng. Truyện thơ hiện diện trong nhiều nền văn học, có lịch sử lâu đời, phát triển thành một số dòng riêng theo sự chi phối của các điều kiện văn hóa, xã hội cụ thể.
- Truyện thơ dân gian do tầng lớp bình dân hoặc các trí thức sống gần gũi với tầng lớp bình dân sáng tác; lưu hành chủ yếu bằng con đường truyền miệng nhưng cũng có khi thông qua các văn bản viết. Truyện thơ dân gian khai thác đề tài từ nhiều nguồn khác nhau như truyện cổ, sự tích tôn giáo hay những câu chuyện đời thường. Kế thừa truyền thống của dân ca với sự kết hợp hài hòa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình, các truyện thơ dân gian đã thể hiện được một cách sinh động đời sống hiện thực và những tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhiều lớp người trong xã hội, nhất là những người lao động nghèo. Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian giản dị, chất phác, giàu hình ảnh, gắn liền với cách tư duy hình ảnh rất đặc trưng của những người sống hòa đồng, gắn bó với đất đai, muông thú, cỏ cây,…
- Do những điều kiện văn hóa, xã hội đặc thù, truyện thơ dân gian đặc biệt phát triển trong sinh hoạt văn hóa, văn học của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ngoài một số truyện thơ có nội dung gần nhau bởi sự kế thừa, mô phỏng trong bối cảnh giao lưu văn hóa, mỗi dân tộc lại có riêng những truyện thơ tinh túy, thể hiện được bản sắc của cộng đồng mình. Dân tộc Tày Nùng có: Nam Kim – Thị Đan; Trần Châu; Quảng Tân – Ngọc Lương; Kim Quế; Chuyện chim sáo; Vượt biển;… Dân tộc Thái có: Tiễn dặn người yêu; Chàng Lú – nàng Ủa; Khăm Panh;… Dân tộc Mường có: Út Lót – Hồ Liêu; Nàng Nga – Hai Mối; Nàng Ờm – chàng Bồng Hương;… Dân tộc Mông có: Tiếng hát làm dâu; Nhàng Dợ - Chà Tăng;… Dân tộc Chăm có: Hoàng tử Um Rup và cô gái chăn dê; Têva Mưnô;… Dân tộc Khơ-me có: Si Thạch; Tum Tiêu;…
2. Yếu tố tự sự trong thơ trữ tình
Thơ trữ tình không đặt trọng tâm vào việc kể một câu chuyện, có nhân vật, có tính cách, có bối cảnh không gian và thời gian với rất nhiều chi tiết cụ thể như truyện thơ, mà ưu tiên hàng đầu cho việc thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, thơ trữ tình không hề chối bỏ yếu tố tự sự, thậm chí, ở sáng tác của một số nhà thơ, yếu tố này khá đậm nét. Đọc một bài thơ có yếu tố tự sự, độc giả dễ nhận ra bóng dáng của một câu chuyện, một sự kiện với những đường nét cốt yếu của nó. Câu chuyện lúc này có tác dụng làm nền cho tiếng nói trữ tình và luôn chịu sự chi phối của mạch cảm xúc mà tác giả triển khai. Do vậy, các câu chuyện thường chỉ được “kể” ở mức độ vừa đủ để cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ trọn vẹn.