Soạn bài Việt Bắc - Cánh diều
Haylamdo soạn bài Việt Bắc Ngữ văn lớp 12 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.
Soạn bài Việt Bắc - Cánh diều
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 117 sgk Ngữ văn 12 Tập 1):
- Xem lại các Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.
- Để đọc hiểu văn bản thơ trữ tình hiện đại, các em cần chú ý:
+ Đọc toàn bộ bài thơ, nhận diện các yếu tố hình thức của văn bản, từ nhan đề, đặc điểm thể loại, bố cục,... đến giọng điệu chung của bài thơ.
+ Xác định nhân vật trữ tình – người đang giãi bày, thổ lộ tình cảm trong thơ.
+ Phân tích hình ảnh, ngôn từ, biểu tượng, giọng điệu thơ, các yếu tố tượng trưng, siêu thực,... kết hợp liên tưởng, tưởng tượng, kết nối với hiểu biết của cá nhân để hình dung về thế giới tự nhiên, xã hội, con người trong văn bản thơ, qua đó, tìm hiểu những cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình.
- Đọc phần giới thiệu sau để hiểu về hoàn cảnh sáng tác của bài Việt Bắc:
Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi (tháng 5-1954), Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết (tháng 7-1954), hoà bình được lập lại ở miền Bắc. Tháng 10-1954, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và những người kháng chiến tạm biệt đồng bào vùng chiến khu Việt Bắc để trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc. Tác phẩm gồm 150 câu thơ lục bát.
Trả lời:
* Khi đọc hiểu văn bản thơ trữ tình hiện đại
- Các yếu tố hình thức của văn bản :
+ Nhan đề : Việt Bắc vốn là một địa danh, nơi đó gắn liền với cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở đất nước ta, là một vị trí chiến lược quan trọng, hình thành nên chiến khu Việt Bắc. Nhan đề như một sự hội tụ khắc sâu tình cảm thuỷ chung son sắc của nhà thơ đối với con người và cảnh sắc nơi đây.
+ Đặc điểm thể loại : Mang đậm chất trữ tình; Thể hiện rõ màu sắc cá nhân, được in đậm trong mọi khía cạnh của ngôn từ như vốn từ, các biện pháp tu từ hay ngữ điệu, giọng điệu.
+ Bố cục : 4 phần
Phần đầu (8 câu đầu) – cảm xúc cuộc chia tay.
Phần hai ( 12 câu tiếp) – lời người Việt Bắc.
Phần ba (Ta với mình….đèo De, núi Hồng) – lời người cách mạng.
Phần cuối ( còn lại) : Lời tâm tình của người ra đi và người ở lại.
+ Giọng điệu : Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, sâu lắng
- Nhân vật trữ tình : nhà thơ Tố Hữu tạo ra hai nhân vật trữ tình đó là người đi và người ở lại với cách gọi mình và ta, tạo ra một cuộc đối đáp đầy tình cảm lưu luyến, bịn rịn.
- Cảm xúc của nhân vật trữ tình: Tâm trạng: lưu luyến, bịn rịn giữa người đi – kẻ ở. Không khí ân tình của hồi tưởng, hoài niệm, của ước vọng và tin tưởng.
2. Đọc hiểu
*Nội dung chính: Bài thơ là những lời tâm tình, trò chuyện cùng ôn lại những kỉ niệm đẹp đẽ một thời đã qua giữa người dân Việt Bắc và những người chiến sĩ cách mạng, họ đã từng cùng nhau vượt qua bao gian khổ, khó khăn. Bài thơ thể hiện sự gắn bó không chỉ về con người mà còn là núi rừng Việt Bắc, những tình cảm và mối quan hệ gắn bó khăng khít, nghĩa tình sâu nặng, tình quân dân.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu hỏi (trang 118 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): “Mình”, “ta” trong bốn dòng thơ đầu là những ai ?
Trả lời:
Trong bốn dòng thơ đầu đại từ “mình” dùng để chỉ những người cán bộ, những người lính từng làm việc trên chiến khu Việt Bắc, còn đại từ “ta” dùng để chỉ những người dân Việt Bắc .
Câu hỏi (trang 118 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Người ở lại đang gợi nhắc những kỉ niệm nào ?
Trả lời:
- Người ở lại gợi nhắc những kỉ niệm về :
+ Không gian cội nguồn (núi, sông, mưa nguồn, suối lũ, mây mù, chiến khu, những nhà hắt hiu lau xám)
+ Ngày tháng cùng nhau làm việc, ăn uống (miếng cơm chấm muối, trám bùi, măng mai)
+ Tình dân quân thắm thiết, cùng chung lý tưởng (mối thù nặng vai, khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh).
Câu hỏi (trang 119 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Những kỉ niệm nào đã sống lại theo nỗi nhớ của nhân vật trữ tình ?
Trả lời:
- Kỉ niệm về thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc ( bản khói cùng sương ; rừng nứa bờ tre ; Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê)
- Kỉ niệm về cuộc sống của con người Việt Bắc (người mẹ địu con lễ rẫy bẻ từng bắp ngô; lớp học i tờ; tiếng mõ ; chày đêm )
- Kỉ niệm cùng nhau sẻ chia gian khó (chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng; ngày tháng cơ quan ; ca vang núi đèo)
Câu hỏi (trang 120 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Hãy tưởng tượng bức tranh thiên nhiên và con người trong đoạn thơ này.
Trả lời:
- Bức tranh thiên nhiên : thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng, thể hiện qua màu hoa chuối đỏ tươi đang nở rộ lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Một bức tranh thiên nhiên được vẽ lên bằng hoài niệm, nên lung linh ánh sáng, màu sắc và rộn rã âm thanh (tiếng ve, rừng phách).
- Bức tranh con người : Vẻ đẹp lao động, con người của vùng chiến khu lên núi làm nương, phát rẫy sản xuất ra nhiều lúa khoai cung cấp cho kháng chiến. Con người đẹp tự nhiên trong những công việc hằng ngày. Từ "chuốt" và hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay của con người lao động: cần mẫn, tỉ mẩn, khéo léo, tài hoa.
à bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc : cảnh và người đan cài vào nhau, tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên sống động.
Câu hỏi (trang 120 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Những địa danh lịch sử và không khí chiến đấu, chiến thắng đã được tái hiện thế nào qua những vần thơ lục bát này ?
Trả lời:
- Những địa danh lịch sử và không khí chiến đấu, chiến thắng đã được tái hiện một cách cụ thể, sinh động qua các biện pháp tu từ đặc sắc.
+ Câu hỏi tu từ, nhấn mạnh nỗi nhớ thường trực, sâu sắc gắn với địa danh Việt Bắc
+ Biện pháp liệt kê : Tên một loạt địa danh ở Việt Bắc, nhấn mạnh nỗi nhớ, tăng sức biểu cảm cho đoạn văn.
+ Các động từ mạnh : rầm rập, rung , bật thể hiện sức mạnh vô địch của đoàn quân, tạo không khí chiến trận.
+ Từ láy : điệp điệp, trùng trùng tạo khí thế mạnh mẽ không thể ngăn cản của đoàn quân.
+ Phép điệp từ : “nhớ” nhấn mạnh nỗi nhớ, cảm xúc của người ra đi vẫn luôn hướng về những năm tháng vất vả, gian lao ở quá khứ. Điệp từ “vui” thể hiện niềm vui to lớn, không khí chiến thắng vang rộn toàn dân, cả đất nước hân hoan hạnh phúc trước chiến thắng của dân tộc.
Câu hỏi (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Người ở lại muốn gửi tâm tư gì với người về ?
Trả lời:
Người ở lại muốn gửi tâm tư dù người về có trở về thủ đô nhưng đừng bao giờ quên đi khoảng thời gian gắn bó, trải qua bao gian khổ cùng nhau, hãy mãi khắc ghi hình ảnh con người và thiên nhiên Việt Bắc trong lòng. Núi rừng Việt Bắc đã cưu mang, che chở cho cán bộ cách mạng. Người ở lại gửi gắm một câu hỏi rằng, liệu bao giờ người ra đi sẽ quay lại Việt Bắc, đến bao giờ sẽ có ngày hội ngộ.
Câu hỏi (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Người về đã đáp lại những suy nghĩ của người ở lại thế nào ?
Trả lời:
Trước những tâm tư của người ở lại, người về đã đáp rằng cái nghĩa tình đó sẽ vẫn mãi còn, không bao giờ cạn: "Nhà cao chẳng khuất non xanh". Những người chiến sĩ vẫn mãi mang một lời thề sắc son với người dân Việt Bắc. Người ra đi đáp lại một lời hẹn ước, sẽ sớm ngày quay lại thôn hương, bao kỉ niệm tình cảm, yêu thương sẽ lại ùa về “Ngày mai về lại thôn hương...yêu thương lại về”. Tình nghĩa của người cán bộ về xuối đối với nhân dân Việt Bắc sâu đậm, không phai nhạt theo thời gian.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Dựa vào hình thức trình bày của văn bản và sự xuất hiện luân phiên của các từ xưng hô “mình” và “ta”, hãy xác định kết cấu của tác phẩm. Kết cấu đó gợi cho em liên tưởng đến thể loại nào của văn học dân gian?
Trả lời:
- Kết cấu của văn bản : kết cấu theo lối đối đáp, thể hiện qua sự thay đổi luân phiên các đại từ xưng hô “mình”-“ta”. Thông qua hình thức trình bày văn bản, chữ nghiên là lời của người ra đi – người cán bộ, người lính.
- Bài thơ kết cấu theo lối đối đáp quen thuộc của ca dao, dân ca
Câu 2 (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): "Mình", "ta" trong bài thơ này là những ai? Dựa vào yếu tố nào trong văn bản và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ để xác định điều đó?
Trả lời:
- Trường hợp 1 : đại từ “mình” dùng để chỉ những người cán bộ, những người lính từng làm việc trên chiến khu Việt Bắc, còn đại từ “ta” dùng để chỉ những người dân Việt Bắc. Thể hiện qua các từ ngữ “mình về”, “ mình đi”, “có nhớ” – ý chỉ người ra đi, người rời vùng núi để về thành thị.
+ Trường hợp 2 : “mình” chỉ người Việt Bắc, “ta” chỉ người cán bộ. Thể hiện qua câu “Ta về, mình có nhớ ta/ Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”
+ Trường hợp 3 : “mình” chỉ cả người cán bộ và người dân Việt Bắc. Như trong câu thơ : “Mình đi, mình có nhớ mình”, “mình đi, mình lại nhớ mình”
Câu 3 (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tâm trạng bao trùm của cả “mình” và “ta” trong đoạn trích là gì? Từ tâm trạng ấy, những kỉ niệm nào đã ùa về? (Ví dụ: kỉ niệm về thiên nhiên Việt Bắc,...).
Trả lời:
- Tâm trạng bao trùm là nỗi nhớ về những kỉ niệm một thời gắn bó sắt son, mặn nồng. Tâm trạng quyến luyến, không nỡ rời xa, trân trọng những kỉ niệm đẹp đẽ.
- Những kỉ niệm ùa về :
+ Kỉ niệm về thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc ( mưa nguồn suối lũ, mây mù, bản khói cùng sương ; rừng nứa bờ tre ; Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê, rừng xanh hoa chuối, ve kêu rừng phách đổ vàng,… )
+ Kỉ niệm về cuộc sống của con người Việt Bắc (người mẹ địu con lễ rẫy bẻ từng bắp ngô; lớp học i tờ; tiếng mõ ; chày đêm; đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng, nhớ người đan nón, cô em gái hái măng,… )
+ Kỉ niệm cùng nhau sẻ chia gian khó (miếng cơm chấm muối, chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng; ngày tháng cơ quan ; ca vang núi đèo,…)
Câu 4 (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Hình tượng thiên nhiên, con người và cuộc sống kháng chiến ở Việt Bắc đã được nhà thơ khắc hoạ qua những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ nào? Hãy giải thích sự độc đáo hoặc nét đặc sắc của một trong các yếu tố nghệ thuật đó.
Trả lời:
- Hình tượng thiên nhiên, con người và cuộc sống kháng chiến ở Việt Bắc đã được nhà thơ khắc hoạ qua :
+ Từ ngữ : Các động từ mạnh : rầm rập, rung , bật thể hiện sức mạnh vô địch của đoàn quân, tạo không khí chiến trận. Kết hợp từ láy : điệp điệp, trùng trùng tạo khí thế mạnh mẽ không thể ngăn cản của đoàn quân.
+ Hình ảnh : Thiên nhiên : rừng nứa bờ tre ; Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê, rừng xanh hoa chuối, ve kêu rừng phách. Con người : người mẹ địu con lễ rẫy bẻ từng bắp ngô; lớp học i tờ; dao gài thắt lưng, nhớ người đan nón, cô em gái hái măng
+ Biện pháp tu từ : So sánh, điệp từ, điệp cú pháp, liệt kê, nhân hóa
à Nét đặc sắc của biện pháp điệp từ kết hợp điệp cú pháp :
- Điệp cấu trúc : “mình đi, có nhớ…”; “Mình về, có nhớ…”. Tạo âm hưởng ngân vang, như một lời khắc khoải da diết, nhấn mạnh vào nỗi nhớ son sắt của người ra đi và người ở lại.
- Phép điệp từ : “nhớ” nhấn mạnh nỗi nhớ, cảm xúc của người ra đi vẫn luôn hướng về những năm tháng vất vả, gian lao ở quá khứ.
- Điệp từ “vui” thể hiện niềm vui to lớn, không khí chiến thắng vang rộn toàn dân, cả đất nước hân hoan hạnh phúc trước chiến thắng của dân tộc.
Câu 5 (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Việt Bắc là một bài thơ hiện đại nhưng lại thấm đẫm chất dân gian. Hãy chỉ ra các biểu hiện của tính dân gian, tính hiện đại trong đoạn trích.
Trả lời:
- Tính dân gian thể hiện qua :
+ Kết cấu : Bài thơ được kết cấu theo lối đối đáp thường thấy trong dân ca, ca dao.
+ Hình thức : Bài thơ được trình bày dưới hình thức câu lục bát – hình thức quen thuộc của ca dao.
+ Sử dụng từ ngữ : Đại từ nhân xưng “mình” - “ta” thường thấy trong ca dao
- Tính hiện đại thể hiện qua :
+ Lời thơ : đọc Việt Bắc ta không chỉ nhận thấy lời thơ bình lặng, da diết của ca dao, mà Việt Bắc là sự kết hợp giữa cái diết da của nỗi nhớ, cùng với sự hối hả, rộn ràng, thể hiện qua những câu hỏi dồn dập, nặng nghĩa, nặng tình.
+ Giọng điệu : giọng hùng ca, tình ca được khởi phát lên từ âm vang chiến thắng của dân tộc nên nhuốm hơi thở thời sự, mang không khí sử thi làm nên chất hiện đại cho bài thơ.
+ Ngắt nhịp : Ở một số câu thơ 8 chữ, Tố Hữu đã biến tấu cách ngắt nhịp của thể lục bát là 2/2/2/2 thành ngắt nhịp đôi 4/4. Chính điều đó làm cho nhịp thơ trở nên nhanh, khỏe, rộn ràng, xao động hơn : “Mười lăm năm ấy – thiết tha mặn nồng”; “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”
Câu 6 (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Em đọc được thông điệp gì từ đoạn trích Việt Bắc?
Trả lời:
Từ đoạn trích Việt Bắc em rút ra được thông điệp “uống nước nhớ nguồn” và tình cảm thủy chung, son sắt đáng ngưỡng mộ. Để có một đất nước hòa bình và được học tập, phát triển như hôm nay, là công ơn của cha ông đã hi sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cần sống biết ơn và luôn ghi nhớ những công ơn đấy. Bản thân mỗi chúng ta cần phải tích cực học tập, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cùng nhau phát triển đưa đất nước sáng vai cường quốc năm châu.
Câu 7 (trang 121 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Đoạn trích đem đến cho em những hiểu biết gì về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp?
Trả lời:
Qua đoạn trích của bài thơ Việt Bắc, hình ảnh con người Việt Nam hiện lên thật sáng ngời và cao cả ! Họ là những người chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó. Khi đất nước gặp chiến tranh và người dân luôn trong tình trạng thiếu thốn về vật chất. Tưởng chừng như sự thiếu thốn ấy sẽ khiến lòng dân chia rẽ, hỗn loạn cướp bóc, làm con người ta với bớt đi ý chí đánh đuổi quân thù, nhưng ngược lại, điều đó càng làm một dân tộc trở nên gắn kết hơn, họ chia ngọt sẻ bùi, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Qua bài thơ, hình ảnh con người Việt Nam hiện lên những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, đoàn kết, chăm chỉ, anh dũng và một lòng kiên cường bất khuất. Trước bất kì khó khăn, thử thách nào cũng không thể lay động sự quyết tâm và lòng yêu nước trong con người Việt Nam – một dân tộc anh hùng.