Cô Tô - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Cô Tô - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Cô Tô Ngữ văn lớp 6, bài học tác giả - tác phẩm Cô Tô trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Cô Tô
Tóm tắt truyện: Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày thật trong trẻo, sáng sủa. Sau trận bão, cây cối trên đảo như thêm xanh mượt, nước biển lam biếc đậm đà hơn, cát lại vàng giòn hơn. Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sau trên đảo một cách thật đầy đủ. Sau trận bão, chân trời ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây, hết bụi. Mặt trời tròn trĩnh như quả trứng thiên nhiên hồng đầy đặn. Cuộc sống của con người lại trở về sự bình dị hằng ngày. Mọi người ra múc gầu nước giếng ngọt. Không khí của cảnh sinh hoạt thật vui tươi.
B. Tìm hiểu tác phẩm Cô Tô
1. Tác giả: Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nhà văn nổi tiếng, sở trường về viết tùy bút và kí
- Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa và sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện.
2. Tác phẩm
a) Xuất xứ: Bài văn Cô Tô là phần cuối của bài kí Cô Tô – tác phẩm ghi lại những ấn tượng về thiên nhiên, con người lao động ở vùng đảo Cô Tô mà nhà văn Nguyễn Tuân thu nhận được trong chuyến ra thăm đảo.
b) Bố cục: 3 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “ theo mùa sóng ở đây”: toàn cảnh Cô Tô với vẻ đẹp trong sáng sau khi trận bão đã đi qua.
- Phần 2: Tiếp theo đến “ là là nhịp cánh..” : Cảnh mặt trời mọc trên biển quan sát được từ đảo Cô Tô.
- Phần 3: Còn lại: Cảnh sinh hoạt buổi sáng sớm trên đảo bên một cái giếng nước ngọt và hình ảnh người lao động chuẩn bị ra khơi.
c) Thể loại: Kí
d) Phương thức biểu đạt: Miêu tả
e) Giá trị nội dung
Cảnh thiên nhiên và sinh hoạt của con người trên vùng đảo Cô Tô hiện lên thật trong sáng và tươi đẹp qua ngôn ngữ điêu luyện và sự miêu tả tinh tế, chính xác, giàu hình ảnh và cảm xúc của Nguyễn Tuân. Bài văn cho ta hiểu biết và yêu mến một vùng đất của Tổ quốc – quần đảo Cô Tô.
f) Giá trị nghệ thuật
- Miêu tả chính xác, tinh tế, giàu hình ảnh và cảm xúc
- Sử dụng biện phép so sánh, nhân hóa đặc sắc.
C. Sơ đồ tư duy Cô Tô
D. Đọc hiểu văn bản Cô Tô
1. Vẻ đẹp trong sáng của đảo Cô Tô sau trận bão đi qua
- Vị trí quan sát: từ trên điểm cao nơi đóng quân của bộ đội
- Để miêu tả vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi của đảo Cô Tô sau cơn bão, tác giả đã dùng hàng loạt tính từ chỉ màu sắc và ánh sáng như: trong trẻo, sáng sủa, trong sáng, xanh mượt, lam biếc, vàng giòn.
- Các hình ảnh miêu tả được chọn lọc để làm nổi bật cảnh sắc: bầu trời, nước biển, cây trên núi đảo, cát.
- Đoạn mở đầu tả bao quát cảnh quần đảo Cô Tô.
- Tác giả chọn một vài hình ảnh tiêu biểu như “ cây trên núi đảo thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà hơn hết cả mọi khi, cát lại vàng giòn.
=> Khung cảnh bao la và vẻ đẹp tươi sáng của vùng đảo Cô Tô.
2. Cảnh mặt trời mọc trên biển
- Cảnh mặt trời mọc trên biển là một bức tranh tuyệt đẹp, rực rỡ và tráng lệ.
- Cảnh mặt trời mọc được đặt trong một khung cảnh rộng lớn, bao la, và trong trẻo, tinh khôi “ Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi.
- Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh đặc sắc mặt trời “ tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng”
=> Tài năng miêu tả, quan sát và sử dụng ngôn ngữ hết điêu luyện tinh tế, chính xác của tác giả.
3. Cảnh sinh hoạt và lao động trong một buổi sáng trên biển
- Địa điểm: quanh cái giếng nước ngọt ở ria đảo, mở rộng ra là cảnh đoàn thuyền chuẩn bị ra khơi và những người dân chài gánh nước ngọt từ giếng xuống thuyền.
- Cảnh lao động sinh hoạt khẩn trương, tấp nập, lại thanh bình “Cái giếng nước ngọt đảo Thanh Luân sớm nay có không biết bao nhiêu là người đến gánh và múc”
- Vẻ thanh bình của cuộc sống còn thể hiện qua hình ảnh chị Châu Hòa Mãn địu con mà tác giả “ thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành”
=> Tác giả đã đan xen tả hình ảnh của cảnh và con người. Thể hiện sự am hiểu cuộc sống con người nơi đây.