Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ
Haylamdo sưu tầm các bài văn mẫu cực hay gồm 10 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn. Mời các bạn theo dõi:
- Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ (mẫu 1)
- Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ (mẫu 2)
- Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ (mẫu 3)
- Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ (mẫu 4)
- Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ (mẫu 5)
Top 10 mẫu Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ (Hay nhất)
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ "Gặp lá cơm nếp"
Đoạn văn tham khảo:
Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ - mẫu 1
Cha mẹ là người có công sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta nên người, vì thế dù có đi bất cứ nơi đâu thì chúng ta cũng luôn hướng về cha mẹ. Thanh Thảo đã khéo nói hộ chúng ta nỗi nhớ ấy thông qua bài thơ Gặp lá cơm nếp. Khi xa nhà, bỗng dưng gặp lá nếp mà nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương cứ thế ùa về. Nhớ về mẹ là nhớ món xôi của mẹ “bát xôi mùa gặt/ mùi xôi sao lạ lùng”. Mùi xôi của mẹ hay chính là vị quê hương quen thuộc luôn thường trực trong con “thơm suốt đường con”. Tình yêu mẹ, yêu quê hương đất nước không chỉ được thể hiện qua món xôi, qua mùi vị quê hương, tình yêu thương đó đã dâng trào bộc trực ra lời nói “ôi mùi vị quê hương/ con làm sao quên được/ mẹ già và đất nước/ chia đều nỗi nhớ thương”. Mẹ được đặt ngang với đất nước, được người con chia đều nỗi nhớ thương, qua đó chúng ta thấy được tình cảm sâu nặng của người con dành cho người mẹ già yêu quý của mình.
Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ - mẫu 2
Nhà thơ Thanh Thảo đã rất tinh tế khi khắc họa nỗi nhớ thương của người con qua bài thơ "Gặp lá cơm nếp". Hoàn cảnh của người con thật đặc biệt khi "xa nhà đã mấy năm" để lên đường, đi vào trận chiến. Trong giây phút gặp lá cơm nếp, nhìn hương khói bay ngang tầm mắt, con lại thèm bát xôi mẹ làm mùa gặt. Để rồi, tâm trí của con lại choáng ngợp hình bóng mẹ. Mẹ hiện lên với đôi bàn tay cần cù, đảm đang đã nuôi lớn con từ những bữa cơm. Theo dòng chảy nỗi nhớ mẹ, con lại dâng trào cảm xúc khi nghĩ tới "mùi vị quê hương" đã xây đắp tâm hồn con, lại thêm yêu mẹ như tình yêu với quê hương, đất nước. Tình yêu thương của con đối với mẹ cũng thiêng liêng, cao cả như tình yêu non sông Tổ quốc. Những câu thơ ngắn gọn, hình ảnh thơ giản dị đã gợi lên trong lòng người đọc bao cảm xúc lắng đọng. Nỗi nhớ thương của người con tới mẹ trong bài thơ sẽ mãi trở thành một biểu tượng đẹp về tình mẫu tử.
Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ - mẫu 3
Sau khi đọc xong bài thơ Gặp lá cơm nếp của Thanh Thảo, người đọc có thể thấy được tình yêu của người con đối với người mẹ. Đó là "nỗi nhớ thương", "làm sao quên được", là tiếng thảng thốt để phải kêu lên: "ôi mùi vị quê hương", hay ngay cả việc "thèm bát xôi mùa gặt". Người mẹ hiện lên với những hình ảnh giản dị, tảo tần: "nhặt lá về đun bếp", "thổi cơm nếp". Chỉ là những hình ảnh giản dị vậy thôi nhưng nó là hình ảnh gắn bó, quen thuộc với người con suốt thuở chưa "xa nhà đã mấy năm". Vì vậy mà người con càng nhớ thương mẹ nhiều hơn. "Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương" nhưng ta có thể thấy hình ảnh mẹ quen thuộc cũng như đất nước, mẹ già và đất nước ở đây như cũng đã hóa làm một, trở thành điều thiêng liêng nhất.
Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ - mẫu 4
Bài thơ "Gặp lá cơm nếp" của nhà thơ Thanh Thảo đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi nỗi nhớ thương của người con dành cho mẹ. Hình ảnh người lính "xa nhà đã nhiều năm", trên đường hành quân vô tình gặp lá cơm nếp đã nhớ tới hương vị của bát xôi mùa gặt. Thèm bát xôi mùa gặt, người con lại nhớ về người mẹ kính yêu. Trong kí ức của con, mẹ đảm đang, tần tảo "nhặt lá về đun" để làm nên những bữa cơm. Mẹ luôn là ánh sáng soi đường, đồng hành cùng con trên bước hành trình dài phía trước. Nhớ về mẹ, người lính thổn thức trong lòng hương vị quê hương. Nhớ về mẹ, con lại tha thiết, sâu lắng trong tình yêu chia đều "mẹ già và đất nước". Mẹ cũng như cội nguồn, đất nước, dân tộc, là nơi che chở và nuôi nấng con mỗi ngày. Việc sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh thơ gần gũi, nhà thơ Thanh Thảo đã giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc tình cảm của người lính dành cho mẹ. Và qua đó, nỗi nhớ thương của người con với mẹ càng thêm in sâu và để lại nhiều cảm xúc ấm áp trong tâm hồn bạn đọc. Từ nỗi nhớ thương người mẹ, người lính cũng bày tỏ tình cảm tha thiết với quê hương, đất nước.
Nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ - mẫu 5
Đọc bài thơ "Gặp lá cơm nếp", ta không khỏi xúc động trước nỗi nhớ thương của người lính dành cho mẹ. Nhà thơ Thanh Thảo đã hết sức khéo léo khi đặt nhân vật người con vào hoàn cảnh đặc biệt "xa nhà đã mấy năm". Trong buổi hành quân ra trận ấy, người con gặp lá cơm nếp rồi trong lòng lại thấy "thèm bát cơm mùa gặp". Nhớ về tới món ăn quen thuộc ấy, con lại bồi hồi nhớ về mẹ. Con nhớ tới đôi bàn tay đảm đang, chăm chút mỗi bữa cơm nếp hay bát xôi mùa gặt. Mẹ tần tảo nuôi con lớn lên mỗi ngày. Mẹ chăm chút cho bữa cơm gia đình ấm cúng. Hay đó còn là hình bóng mẹ cần cù, chịu thương chịu khó khi "nhặt lá về đun bếp". Mỗi giây phút nghĩ về mẹ, con lại nhớ thương "mùi vị quê hương", lại thêm "chia đều nỗi nhớ thương" giữa mẹ và đất nước. Tình yêu thương mẹ song hành với tình yêu đất nước. Mẹ là điểm tựa vững chắc để con hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ non sông đất nước. Bài thơ tuy được viết theo thể thơ năm chữ, ngôn ngữ bình dị nhưng đã khắc họa thành công tình cảm thiêng liêng của người con. Để rồi, tình cảm cùng nỗi nhớ thương với mẹ sẽ luôn sống mãi trong lòng bạn đọc.