X

Soạn văn lớp 7 Kết nối tri thức

Viết bài văn thuyết minh về hội thi hát đối đáp (10 mẫu)


Câu hỏi:

Viết bài văn thuyết minh về hội thi hát đối đáp (10 mẫu)

Trả lời:

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 1

Dân tộc Việt Nam có một nền dân ca lâu đời và rất phong phú. Hát Quan Họ là một sản phẩm âm nhạc dân gian đặc sắc nhứt của Việt Nam, có thể so sánh ngang với tranh dân gian làng Hồ (Hà Bắc), nghệ thuật xòe Thái (Tây Bắc), nghệ thuật khảm trai làng Ngô Xá (Hà Tây), và Cũng như Hát Ghẹo, Quan Họ là loại hát giao duyên có nhiều giọng điệu. Do đó đòi hỏi người hát phải có sự tập luyện công phu về sự sáng tạo giai điệu mới.

Ngoài ra còn nhiều loại hát giao duyên như Hát Ghẹo Thanh Hóa, Hát Ghẹo Long Xuyên, Trống Quân Phú Thọ, Trống Quân Đức Bắc, Trống Quân Hữu Bổ, Hát Đúm Hải Dương.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay những hội thi hát đối đáp vẫn tồn tại và được nâng niu, giữ gìn. Trong tương lai, chắc hẳn nét văn hóa này tiếp tục đồng hành cùng con người, tạo nét riêng, nét đẹp văn hoá của xứ Kinh Bắc và cả dân tộc Việt Nam. 

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 2

Người Việt ta luôn tự hào là "Đất nước ngàn năm văn hiến" với sự giao thoa của nhiều nền văn hoá. Dân ca quan họ Bắc Ninh chính là một trong những loại hình nghệ thuật ấy, nó có sức lan tỏa mạnh mẽ lay động người nghe bằng những câu hát giao duyên dịu dàng mà đằm thắm ân tình xứ Bắc.

Dân ca quan họ là một làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Hồng thuộc miền Bắc nước ta, được hình thành từ rất lâu đời ở vùng Kinh Bắc xưa, chủ yếu là thuộc hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh với con sông Cầu chảy ngang. Theo các nhà nghiên cứu khoa học Quan họ có từ thế kỷ thứ XVII, được bắt nguồn từ tục kết chạ giữa bà con lối xóm.

Dân ca Quan họ là lối hát giao duyên giữa người nam và nữ, là hình thức trao đổi bày tỏ tâm tư, tình cảm giữa liền anh và liền chị.Họ dùng những câu hát ý nhị, giọng hát mượt mà sâu lắng để bộc lộ cảm xúc trong tâm hồn mình. Thông thường quan họ phổ biến lối hát đối đáp giữa trai và gái, có thể cùng một làng hoặc khác làng, cái khó là ở chỗ cùng một giai điệu nhưng người hát phải tự tìm lời phù hợp để đối qua đối lại, tạo thêm phần hấp dẫn và không bị nhàm chán, ấy là điểm đặc sắc mà không phải ai cũng hát được. Các đôi nam nữ cất lên những câu hát dạt dào cảm xúc, lắng đọng tâm tình, đó có thể là những câu hát được lấy từ lời thơ, lời ca dao trong sáng, ý nhị.Quan họ là thể loại nhạc trữ tình nên cách hát và luyến láy được trau chuốt rất kỹ càng, gồm nhiều kỹ thuật sao cho âm điệu vừa vang, rền lại vừa nền, nảy, nghe như rót mật vào tai, vô cùng ngọt ngào tình cảm, như dòng chảy mượt mà của con sông Cầu - "dòng sông Quan họ". Hát quan họ có ba hình thức phổ biến nhất là hát canh, hát phục vụ lễ hội và hát thi đấu giành giải, mỗi một thể loại đều có nét đặc sắc và dấu ấn riêng.

Trang phục cũng là một điểm nổi bật trong nghệ thuật Dân ca Quan họ, các liền anh liền chị khoác lên mình những bộ quần áo rực rỡ sắc màu tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, quý phái của người con Kinh Bắc. Về phía nam, các liền anh khoác lên mình tấm áo dài mỏng thẫm màu, bên trong là áo trắng cùng quần lĩnh trắng, ống rộng, phẳng phiu, đầu đội khăn xếp, tay có thể cầm quạt hoặc cầm chiếc dù đen, càng tăng thêm vẻ đĩnh đạc, truyền thống đậm chất văn hóa vùng Kinh Bắc. Trang phục liền chị cầu kỳ và tỉ mỉ hơn các liền anh rất nhiều, các chị sẽ mặc những bộ áo mớ ba mớ bảy nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, xanh phối cùng với chiếc thắt lưng hoa đào, chít tóc bằng khăn mỏ quạ, đầu đội nón quai thao trắng, hoặc cầm ở tay, cho thêm phần duyên dáng, thướt tha.

Quan họ được xem là dòng nhạc dân ca trữ tình có nguồn giai điệu phong phú và đa dạng nhất ở Việt Nam, tính cho đến nay chúng ta còn lưu giữ được khoảng 300 bài quan họ có giai điệu khác nhau và được ghi chép thành các bản nhạc, ngoài ra còn có rất nhiều các giai điệu không được ký âm chính thức mà chỉ được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Làn điệu quan họ là những tiếng hát thân tình, ngọt ngào mềm mại, người hát luôn trong trạng thái say mê, vui thú, chăm chút thổi hồn vào tình câu chữ khiến cho âm hưởng của toàn bài luôn vang vọng và thấm đẫm vào tâm hồn những người thưởng thức, khiến ta phải trầm trồ, thán phục trước sức hút của thứ dân ca truyền thống, và cũng khá kén người nghe này.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh quả là một tài sản vô giá của dân tộc, nó cần nuôi dưỡng bảo tồn, phát huy và lưu truyền cho thế hệ trẻ mai sau.Mỗi chúng ta người con đất Việt cần phải biết trân trọng và thêm yêu những giá trị truyền thống tốt đẹp, để chúng được trường tồn với thời gian, không bị đi vào quên lãng, giữa nhịp sống hiện đại xô bồ.

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 3

Trong dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca: chèo của Thái Bình, Nam Định, chèo tàu của Hà Tây, hát dặm Nghệ An, Hà Tĩnh, ca trù, ca Huế, dân ca Nam Bộ vẫn lấp lánh một dòng dân ca riêng biệt, đặc sắc và độc đáo, tựa như:

“Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc

Chị Hai xinh, tang tình là chị Hai đứng”…

Đó là dân ca quan họ vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh.

Quan họ vừa như một làn điệu hội tụ "khí chất" của rất nhiều làn điệu dân ca: cái trong sáng, rộn ràng của chèo; cái thổn thức, mặn mà của hát dặm; cái khoan nhịp sâu lắng của ca trù; cái khoẻ khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam Bộ. Nhưng trên hết, quan họ mang "khí chất" của chính quan họ, là hồn của xứ sở quan họ, là "đặc sản" tinh thần của Kinh Bắc – Bắc Ninh.

Một trong những niềm tự hào của người Kinh Bắc là Hội Lim. Trong Hội Lim thứ "đặc sản" tuyệt vời nhất là những làn điệu quan họ. Những làn điệu dân ca quan họ trữ tình, mượt mà, da diết, ngọt ngào ấy được trình tấu bởi những liền anh, liền chị lịch lãm mà không kém phần duyên dáng. Cứ thế, dân ca quan họ đi vào lòng người và trở thành phần hồn, thành món ăn tinh thần của con người, thành nét văn hóa rất riêng của vùng đất kinh kì xưa.

Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ. Họ hát quan họ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luôn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.

Trang phục quan họ bao gồm trang phục của các liền anh và trang phục của các liền chị. Trong các lễ hội quan họ có cả những cuộc thi trang phục quan họ. Liền anh mặc áo dài năm thân, cô đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng điểm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp.

Trang phục liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy". Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa nhuộm. Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Áo dài năm thân của nữ, có cả khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Chất liệu để may áo đẹp nhất thời trước là the, lụa. Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán, áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hổ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm. Áo cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mồi gà. Yếm thường nhuộm màu đỏ (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên, xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hổ thủy (xanh biến). Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi giải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước con gái. Liền chị mặc váy sồi, váy lụa, đôi khi có người mặc váy kép với váy trong bằng lụa, vải màu, lương, the, đoạn; váy ngoài bằng the, lụa. Váy màu đen. Dép cong làm bằng da trâu thuộc theo phương pháp thủ công, mũi dép uốn cong như một lá chắn nhỏ, che dấu đầu các ngón chân. Ngoài áo, quần, thắt dép, người liền chị còn chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng tích.

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 4

Ai đã đến quê tôi miền Bắc sông Cầu vào mỗi độ Giêng Hai, được đắm mình trong không gian của lễ hội, chắc hẳn sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh thấp thoáng bên từng cổng làng, con ngõ nhỏ là những tà áo tứ thân, nón quai thao thướt tha, hoặc bắt gặp một ánh mắt lúng liếng trao gửi tình tứ, e thẹn của những anh hai, chị hai quê tôi giữa độ xuân thì. Những câu hát thực sự đã làm rung động trái tim bao người:“Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội/Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh”.

Có đi sâu vào tận cùng những mạch nguồn văn hóa mới hiểu hết cái hay, cái đẹp và sâu lắng của người quan họ. Bởi bao đời nay, người dân đôi dòng sông Cầu vẫn quan niệm, đã chơi quan họ thì phải “tinh mới tường”, tức là phải hiểu, phải chơi có lề có lối, thanh cao và phải hát bằng cả trái tim, giữ gìn được bản sắc truyền thống. Cũng bởi thế, người quan họ mới có câu: Xưa kia nam nữ trẻ già/Ai mà ca được ắt là hiển vinh/Ngẫm xem các giọng cho tinh/Ai mà ca được hiển vinh muôn đời.

Thế nhưng trong cái chung vẫn có nét riêng. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, liền anh, liền chị chỉ hát “chay” mà đã thể hiện được tâm sự, nỗi lòng, cái da diết, khôn nguôi, khắc khoải của người quan họ. Ở Bắc sông Cầu cũng có những làng quan họ cổ với sinh hoạt độc đáo đến mức có thể xem là “độc nhất vô nhị”. Như Thổ Hà – nơi duy nhất vẫn giữ được lối hát canh cổ truyền, nơi có cảnh hát đón bạn trên sông Cầu mà khắp vùng Kinh Bắc không đâu có được. Nghệ nhân ở làng này vẫn thuộc vanh vách mấy trăm bài đối đáp cổ.Hàng loạt các làng quan họ thuộc Bắc sông Cầu có tục kết chạ với các làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh (Nam sông Cầu): Làng Thổ Hà kết chạ với làng Diềm; làng Trung Đồng kết chạ với Thượng Đồng và Hạ Đồng; làng Nội Ninh kết chạ với làng Hàn, Diềm; làng Mai Vũ kết chạ với Chấp Bút; làng Hữu Nghi kết chạ với Cao Lôi; làng Tiên Lát kết chạ với Bịu Sim… Chính nhờ mối kết chạ này, các nghệ nhân quan họ từ hai phía có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt văn hoá. Dân ca ấy đã từ làng bước ra thế giới để trở thành di sản của nhân loại.

Bao đời nay, dân ca quan họ đã và đang được các liền anh, liền chị đôi bờ nuôi dưỡng, chắt chiu gìn giữ và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến hôm nay.

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 5

Quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là môn nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố như âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội với một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những "liền anh", "liền chị" hát quan họ và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc.

Hát quan họ là hình thức hát đối đáp giữa "bọn nam" và "bọn nữ". Một "bọn nữ" của làng này hát với một "bọn nam" của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. "Bọn hát" phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp thành một giọng để tạo ra một âm thanh thống nhất. Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là thể thơ và ca dao của Việt Nam, phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp với từ ngữ giàu tính ẩn dụ, trong sáng, mẫu mực. Đây là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca là thể hiện tình yêu lứa đôi. Lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi, ư hư, a ha v.v

Trong quan họ, trang phục của "liền anh" và "liền chị" có sự khác biệt. Trang phục của "liền chị" gồm nón ba tầm hoặc nón thúng quai thao, khăn vấn và khăn mỏ quạ, yếm, áo, váy, thắt lưng, dép. Trang phục của "liền anh" gồm khăn xếp, ô lục soạn, áo cánh bên trong và áo dài 5 thân bên ngoài, quần, dép.

Ủy ban UNESCO đã công nhận quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại dựa trên các giá trị văn hóa, giá trị lưu giữ tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, phong cách ứng xử văn hóa, ca từ và trang phục.

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 6

Dân ca Quan họ là loại hình văn hóa phi vật thể.Nội dung chính trong buổi hát Quan họ thường là khi hai bên nam – bọn Quan họ nam và nữ – bọn Quan họ nữ hát đối nhau. Đứng đầu mỗi bọn Quan họ là liền anh, bên nữ gọi là liền chị. Các câu hát có thể được chuẩn bị sẵn, nhưng ra đến khi đối đáp nhau thì thường dựa trên khả năng ứng biến của hai bên. Từ mồng 4 Tết âm lịch, trong gần ba tháng mùa xuân đầu năm, hội làng ở các làng Quan họ và các làng kế cận liên tiếp diễn ra. Suốt tháng 8 âm lịch lại là các hội lệ vào đám của các làng. Cho nên mùa xuân và mùa thu là mùa hội cũng là mùa ca hát Quan họ rộn rịp, tưng bừng làng trên, thôn dưới.

Trong hát quan họ trai thường mặc trang phục áo lụa, áo the, quần sớ, khăn xếp; nữ thì mặc mớ bảy mớ ba, áo tứ thân nhiều điều, nhiều tía, yếm xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, đeo khuyên vàng xà tích. Khi hát ngoài trời thì nam thường che ô còn nữ che nón thúng quai thao để tăng thêm vẻ lịch sự, duyên dáng.

Quan họ rất phong phú về làn điệu: la rằng, đường bạn kim loan, cây gạo, giã bạn, hừ la, la hới, tình tang, cái ả, lên núi, xuồng song, cái hồ, gió mát trăng thanh, tứ quý,… Một cuộc hát quan họ hay một canh hát bao giờ cũng có ba chặng. Chặng mở đầu thuộc về giọng lề lối, hát chừng mười bài giọng lề lối họ chuyển sang giọng sổng để vào chặng giữa, các bài ở chặng giữa là ở giọng vặt, chặng cuối là giọng giã bạn.

Giọng lề lối là giọng hát mở đầu, được diễn xướng với tốc độ chậm, nhiều luyến láy, nhiều tiếng đệm. Đôi lúc nhịp phách không rõ ràng, âm điệu thường ở âm khu thấp tầm cữ hẹp, ví dụ như các bài: Hừ la, Cây gạo, Tình tang, Cái ới cái ả… Giọng sổng là giọng chuyển tiếp từ giọng lề lối sang giọng vặt. Ngoài chức năng nối giữa hai phần nó còn là tiêu đề cho sự phát triển khá độc đáo của hát quan họ. Giọng sổng với tính chất khoan thai mực thước nên có ảnh hưởng tới những giai điệu tiếp theo ở giọng vặt.

Giọng vặt là các giọng thuộc phần chính của buổi ca hát. Có thể nói tính chất nghệ thuật của quan họ được thể hiện rõ ở giọng này. Âm nhạc ngắn gọn, bố cục chặt chẽ, tiết tấu linh hoạt chứ không đơn giản như giọng lề lối. Nội dung lời ca khá phong phú, số lượng bài bản tương đối nhiều. Ví dụ như các bài: Trống cơm, Qua cầu gió bay, Tương phùng – tương ngộ, Ngồi tựa mạn thuyền, 36 thứ chim…

Giọng giã bạn là giọng hát trước lúc chia tay. Số lượng bài bản ở giọng giã bạn không nhiều nhưng chất lượng nghệ thuật của các bài ở giọng này khá cao. Chủ đề chính của giọng này là tiễn biệt. Vì vậy giai điệu thường buồn, nhưng rất mặn nồng đắm say như tình cảm nhớ thương của các liền anh liền chị quan họ. Ví dụ như các bài: Người ở đừng về, Chuông vàng gác cửa tam quan, Kẻ bắc người nam, Chia rẽ đôi nơi, Con nhện giăng mùng…

Khi nghe hát quan họ, chúng ta thường có cảm nhận đặc biệt về loại hát dân ca này bởi tính chất âm nhạc trữ tình mượt mà đằm thắm. Họ mượn câu hát để bày tỏ tình yêu nhưng rất ý nhị, lời ca đầy chất thơ. Lối hát quan họ giàu tính kỹ thuật như: hát ngắt, lảy hạt (hay còn gọi là nhả hột), rung giọng, ngân nga, nhiều luyến láy. Ngoài ý thơ chính, lời ca của bài hát quan họ còn có nhiều từ phụ, tiếng đệm… tăng thêm vẻ ngọt ngào làm say đắm lòng người.

Vào canh quan họ, các Liền anh Liền chị ngồi trên tràng kỷ hoặc phản thành bọn nam riêng và bọn nữ riêng để hát đối đáp và bao giờ cũng phải hát bằng hệ thống giọng lề lối như Hừ La, La Rằng…, sau đó chuyển sang giọng Sổng, giọng Bỉ, giọng Vặt và cuối cùng là giọng Giã Bạn. Bao giờ, giữa canh quan họ, quan họ chủ nhà cũng mời cơm quan họ. Gọi là cơm quan họ, nhưng thực ra là cỗ ba tầng có đầy đủ các món ăn đặc sản của địa phương như giò, chả, nem, bóng, nấm… và bánh trái hoa quả.

Ai cũng nghĩ tiếng hát Quan họ là tiếng hát cầu duyên, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu may và có thể là cái cầu nối với đất trời, thần, phật để thỉnh cầu: cầu mưa, giải hạn, tiêu trùng… Chính tâm lý này đã tạo nên những thói quen, phong tục đẹp của làng xã, gia đình đối với những người ca hát Quan họ, đối với hoạt động ca Quan họ, do đó, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát triển Quan họ bền vững, lâu dài. Quan họ Bắc Ninh vốn là một đặc sản của người dân Kinh Bắc. Đời sống của người dân nơi đây gắn liền với những làn điệu quan họ. Nói đến quan họ là nói đến Bắc Ninh, cũng như nói về nơi khởi đầu của quan họ thì người ta nói đến Bắc Ninh.

Cùng với thời gian, quan họ Bắc Ninh không còn chỉ bó gọn là “quan họ làng” mà đã lan tỏa tới khắp mọi miền của tổ quốc, thậm chí còn bay qua biên giới tới bè bạn năm châu. Việc giới thiệu truyền bá cho dân ca quan họ là rất nên làm, bởi chúng ta đã biết và có ý thức đến việc bảo tồn lưu giữ vốn cổ của dân tộc. Chúng ta cũng đã biết dùng vốn cổ đó để làm niềm tự hào cho nghệ thuật nước nhà.

Trước kia, các liền anh liền chị quan họ chỉ được hát trong sinh hoạt của “quan họ làng”, còn nay, tiếng hát của họ đã được phát trên làn sóng đài phát thanh, trên làn sóng truyền hình – trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan họ không chỉ là các cuộc thi hát giữa các làng với nhau mà đã trở thành những cuộc thi hát dân ca tiêu biểu của đất Bắc, trở thành những làn điệu quen thuộc của người Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta cũng cần mạnh dạn nhìn nhận lại một số vấn đề về việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ.

 

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 7

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về và khi mùa thu tới, người dân 49 làng Quan họ gốc thuộc xứ Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), dù ở bất cứ nơi đâu cũng trở về quê hương để trẩy hội đình, hội chùa, những lễ hội hết sức độc đáo bởi đã gắn liền với trình diễn Quan họ tự bao đời nay.

Dân ca Quan họ là một hình thức hát giao duyên. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.

Theo quan niệm của người Quan họ, nghệ nhân là những ngưòi có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” điêu luyện, thuộc nhiều bài, nhiều “giọng” Quan họ. Họ chính là những bậc thầy dân gian thực hành việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền vốn di sản quý báu đó cho các thế hệ mai sau nên rất xứng đáng được tôn vinh.

Bởi vậy, lề lối sinh hoạt ca hát Quan họ cổ, những giọng hát cổ với kỹ thuật “vang, rền, nền, nẩy” vốn đã làm nên giá trị đặc sắc của dân ca Quan họ hiện đang lưu tồn trong trí óc và trái tim say nghề của các cụ “Liền anh, Liền chị” nay đã trạc tuổi 70 đến 90 rất cần được trao truyền và tiếp nối.

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 8

Từ khi còn trong nôi, lời ru của bà, của mẹ đẫm chất Quan họ đã thấm sâu vào hồn tôi để rồi mỗi ngày lớn lên, cái chất dân ca đằm say ấy nó lại càng ngấm vào từng mạch máu, hơi thở của tôi. Càng đi sâu vào những làn điệu, những câu ca Quan họ cổ, tôi càng mường tượng ra một không gian Quan họ xưa kia sao mà bao la, ngút ngát nhưng cũng gần gũi, bình dị làm sao. Ẩn chứa trong sự mộc mạc, dung dị của dân ca Quan họ là những nét thanh cao, kiêu sa đến ngưỡng mộ

Sau những giờ lao động vất vả, họ lại tụ họp bên nhau để ca hát, đặt lời, bẻ giọng những câu ca mới. Họ ca với nhau những canh Quan họ thâu đêm, rạng ngày; cho tàn canh mãn võ để vui dân, vui xóm, vui bầu, vui bạn. Và rồi lúc chia tay họ cứ mãi dùng dằng, dan díu mà chẳng nỡ dứt dây sao cho đành.

Ngoài những lúc thư nhàn cùng nhau sinh hoạt văn hóa Quan họ, họ lại gần gũi, động viên, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống khó khăn hàng ngày của mình. Điều đặc biệt quan trọng là họ thực hiện hết sức nghiêm cẩn những gì đã đề ra trong lối chơi Quan họ khi đã thành quy tắc. Người Quan họ luôn cẩn trọng trong trang phục, giao tiếp và mọi hành vi ứng xử của mình. Tất cả những gì mà quê hương Quan họ đã khởi nguồn và gìn giữ cho đến ngày nay thật xứng với thành quả mà họ đã gặt hái được.

Thật tự hào về nét văn hóa đặc sắc của quê hương và một niềm tin trong tôi cũng như người dân nơi đây chắc chắn sẽ không bao giờ phai: Dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ mãi mãi trường tồn và lan tỏa.

 

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 9

Trong nền văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, Dân ca Quan họ là một loại dân ca đặc sắc cả về âm nhạc và văn chương. Hát Quan họ là một lối hát đòi hỏi luyện tập công phu và có tính tập thể với những lề lối, quy định chặt chẽ, trở thành phong cách, được thực hiện nghiêm ngặt từ tổ chức đến hình thức diễn xướng. Lề lối của các bài hát Quan họ thường được hát ở nhịp độ chậm, bài bản, có nhiều tiếng đệm, lời phụ.

Nét đặc trưng của hát Quan họ chính là hát đối đáp giữa một bên là liền anh và một bên là liền chị trong không gian văn hoá Quan họ. Hình thức hát Quan họ cũng rất phong phú. Cần khẳng định, hát Quan họ là nét đẹp độc đáo trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người Kinh Bắc, không những thể hiện mối quan hệ ứng xử trong một cộng đồng làng xóm, mà còn là phương thức tương giao giữa các xã với nhau trên cơ sở lấy chữ “Lễ” làm trọng tâm, lấy chữ “Nghĩa” làm động lực trong mọi mối quan hệ giữa con người với nhau.

Người chơi Quan họ luôn thể hiện sự lịch lãm, nền nã, duyên dáng trong cách ăn mặc, lời nói, dáng đi. Khi hát Quan họ, nam thường mặc áo dài vải the năm thân, khăn xếp, che ô đen; nữ mặc áo mớ ba mớ bảy, cầm nón quai thao che nửa mặt, vừa ý tứ, vừa để âm thanh khi hát trở nên ấm hơn, vang hơn. Vừa hát người Quan họ vừa mời nhau và mời khách những miếng trầu têm cánh phượng, thấm đượm giá trị nhân văn.

Việc giữ gìn, bảo tồn văn hoá Quan họ đã được các cơ quan hữu quan quan tâm bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Việc tổ chức Hội Lim-ngày hội lớn nhất hằng năm của làng Quan họ diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng (âm lịch) là một hoạt động thường xuyên nhằm tôn vinh loại hình dân ca độc đáo này. Đến hẹn lại lên, các liền anh, liền chị đại diện cho 49 làng Quan họ cùng du khách bốn phương-những người yêu Quan họ lại hội tụ về đây thưởng ngoạn thi tài và thưởng thức văn hoá Quan họ.

Thuyết minh về hội thi hát đối đáp - mẫu 10

Quan họ Bắc Ninh là một hiện tượng văn hóa dân gian sống động tồn tại ngay trong cuộc sống của người dân Kinh Bắc, nó phục vụ cho chính đời sống tinh thần và tâm linh của họ hàng ngày, hàng giờ, góp phần vào sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng. Đó là một loại hình dân ca dân gian đặc trưng của vùng Kinh Bắc, có từ lâu đời. Quan họ có nguồn gốc sâu xa từ sinh hoạt giao duyên, hát đối đáp nam nữ từ thủa xa xưa mà hầu hết các dân tộc anh em với người Việt đều có. Nó tồn tại thường nhật nhưng tập trung nhất và thăng hoa trong sinh hoạt lễ hội của nhân dân.

Quan họ là sản phẩm sáng tạo của chính những người dân bản địa, những người lao động. Vì thế, lời ca Quan họ phản ánh cuộc sống, tinh thần, tình cảm của người dân. Nó chính là thể loại mang đặc trưng của một loại hình nghệ thuật dân gian. Bên cạnh đó, thể loại này đã bắt đầu tiến tới chuyên môn hóa trong sáng tạo và sinh hoạt nghệ thuật. Điều này thể hiện không chỉ ở kỹ thuật hát Quan họ mà còn là ở sự phân công sáng tác. Mặt khác, văn hóa ứng xử của người Quan họ cũng có những nét rất riêng, đó là cách nói ý nhị, mộc mạc, chân thành nhưng rất “bác học” thể hiện qua cách ví von, dùng từ ngữ bóng bẩy để diễn tả tâm tư tình cảm của mình.

Như vậy, xét về mặt nghệ thuật trong câu hát Quan họ, ta thấy nó “không thuần túy là nghệ thuật dân gian, cũng không hoàn toàn là nghệ thuật bác học mà là vạch nối giữa nghệ thuật dân gian và nghệ thuật bác học.

Ngày 30/9/2009, tại Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 tới ngày 2/10/2009), Quan họ đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, sau “Âm nhạc cung đình Việt Nam – Nhã nhạc”, “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” và cùng đợt với Ca trù. Việc được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng minh chứng những giá trị văn hóa quan trọng của Quan họ.

Xem thêm lời giải bài tập Soạn Văn 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết:

Câu 1:

Viết bài văn thuyết minh về trò chơi bịt mắt bắt dê.( 10 mẫu)

Xem lời giải »


Câu 2:

Viết bài văn thuyết minh về trò chơi ô ăn quan (10 mẫu).

Xem lời giải »


Câu 3:

Viết bài văn thuyết minh về hội thi thả diều (10 mẫu).

Xem lời giải »


Câu 4:

Viết bài văn thuyết minh về hội thi thổi cơm

Xem lời giải »


Câu 5:

Viết bài văn thuyết minh về trò chơi nhảy bao bố

Xem lời giải »