X

Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo

(30+ mẫu) Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách (siêu hay)


Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 30 bài Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

(30+ mẫu) Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách (siêu hay)

Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách - mẫu 1

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…Hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc ta, đến nay chúng ta vẫn tự hào vì được là con dân đất Việt. Lật từng trang sử hào hùng của dân tộc, chúng ta lại thấy cần có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.

Để tưởng nhớ và lưu truyền những sự kiện, chiến công và thành tựu to lớn… đó tới thế hệ mai sau, chúng ta đã ra sức tái hiện thông qua các thước phim, các câu chuyện, các cuốn sách… Và để ghi lại những sự kiện lịch sử chống giặc hào hùng Nhà xuất bản Hồng Đức và tác giả Đặng Việt Thủy đã cho ra đời cuốn sách “Việt Nam - những thời khắc lịch sử, những sự kiện trọng đại” được xuất bản năm 2018. Trên trang bìa của cuốn sách là hình ảnh của Bác Hồ và ngôi sao năm cánh - tượng trưng cho linh hồn dân tộc và các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lật từng trang sách, bạn đọc sẽ thấy được khí thế sôi sục của dân tộc ta qua những quyết định lịch sử trọng đại trong Cách mạng tháng Tám 1945. Một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại, có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc ta. Hội nghị toàn quốc Ban chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Đông Dương tiến hành và ra quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Nội dung văn kiện hạ lệnh Tổng khởi nghĩa đã ra đời vào đúng 23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945 do Ủy ban Khởi nghĩa ban bố.

Càng đọc càng thấy được sự quyết tâm và ý chí kiên cường chiến đấu để giành lại độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam qua các sự kiện lịch sử như: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chuyện về vua Bảo Đại thoái vị, Quốc khánh 2-9-1945 được bảo vệ ra sao; Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” và Lời kêu gọi của Bác Hồ; Hà Nội - mùa đông năm 1946; ngày ấy trẻ già, gái trai đều một lòng đánh giặc; Vì sao Điện Biên Phủ được cả quân ta và quân Pháp chọn làm điểm quyết chiến chiến lược.

Chiến dịch “Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại” cho thấy chiến thắng đã đập tan âm mưu quân sự cuối cùng của Pháp, buộc Pháp phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đúng như nhà thơ Tố Hữu nói:

Chín năm là một Điện Biên

Nên nhành hoa đỏ nên thiên sử vàng

Cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 - Trải qua ba chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, đặc biệt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc 21 năm trường kì chống Mỹ; mở ra kỉ nguyên độc lập tự do, thống nhất cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng và trí tuệ con người”.

Cuốn sách là một tài liệu thực sự hữu ích để bạn tìm hiểu thêm về các sự kiện lịch sử diễn ra qua từng giai đoạn từ năm 1945 đến nay. Sách được biên soạn công phu, khoa học, ngắn gọn, súc tích theo trình tự thời gian dễ theo dõi, dễ nhớ, giúp bạn đọc thêm yêu lịch sử Việt Nam và trân trọng những giá trị về độc lập tự do mà ông cha ta và các anh hùng đã hi sinh mang lại.

Dàn ý Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách

- Mở đầu: Giới thiệu được tên cuốn sách và lí do em giới thiệu cuốn sách với người nghe.

- Triển khai: Trình bày những thông tin quan trọng về cuốn sách (tác giả, năm xuất bản, nội dung của tác phẩm, một vài nét nổi bật về nghệ thuật, sự đón nhận của độc giả…)

- Kết luận: Nêu cảm nghĩ, đánh giá của em về cuốn sách, khích lệ người nghe tìm đọc.

Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách - mẫu 2

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…Hồ Chí Minh - Người là niềm tin, niềm hy vọng, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam; Người là tấm gương ngời sáng cho bao thế hệ phấn đấu rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức, Người vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam hôm nay và mai sau...

Suốt cả cuộc đời, người sống giữa lòng nhân dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, một cuộc đời đã trở thành huyền thoại. Và hôm nay, dù đã đi xa, hình ảnh Người vẫn mãi mãi tồn tại vĩnh hằng trong triệu triệu trái tim của người dân đất Việt.

Tính vui vẻ, hài hước, thích bông đùa là một nét tính cách giản dị còn hiện rõ mồn một trong trí óc của những người được vinh dự sống gần Người lúc bấy giờ. Đọc hồi kí những người từng hoạt động, công tác bên Bác, ta có thể gặp được hàng trăm mẩu chuyện nói lên điều đó của vị lãnh tụ kính yêu, vị cha già của dân tộc Việt Nam.

Tập sách mà em muốn trân trọng giới thiệu với các bạn ngày hôm nay đó chính là: “108 mẩu chuyện vui đời thường của Bác Hồ” của tác giả Trần Đương biên soạn, do nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành năm 2008 với 120 trang viết nhỏ gọn khổ 13x 20.5cm.

Bìa sách được sử dụng loại bìa mềm, trang trì rất hài hòa. Cuốn sách này được tuyển chọn và nằm trong tủ sách danh nhân Hồ Chí Minh. Dưới nhan đề tên sách là bức ảnh mô tả khung cảnh Bác Hồ đang nghỉ giải lao và ngồi nói chuyện với các anh em chiến sỹ. Sự phối màu trong bức ảnh và màu nền của bìa sách rất giản dị mà cũng rất đời thường khiến người đọc cầm cuốn sách trên tay cảm thấy rất gần gũi và ấm áp.

Cuốn sách là tập hợp 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ, những câu chuyện vui được xuất hiện trong những lần giải lao, những chuyến đi thực tế, những bài nói chuyện... với quần chúng, hay những trò chơi mà Bác tham dự. Những câu chuyện đó thường là sự hóm hỉnh, hài hước để vui đùa; đôi khi cũng là để nhắc nhở, để châm biếm, để giáo dục quần chúng, cán bộ đảng viên.

108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ phần nào đã khái quát được một con người lãnh tụ nhưng cũng rất quần chúng, gần gũi và nó xoá đi mọi khoảng cách giữa lãnh tụ với quần chúng. Hơn thế nữa nó phá đi cái bức bách, cái trịnh trọng không cần thiết, tạo rakhông khí giao hoà giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân.

Đọc tác phẩm của Bác Hồ, nghe kể chuyện về Bác Hồ, trong đó có những mẩu chuyện vui trong đời thường của Người, chúng ta có cảm tưởng: Người mãi mãi hiện diện trong cuộc sống của thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau

Đến với 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ chúng ta càng thêm hiểu biết về cuộc đời làm cách mạng gian khổ nhưng rất lạc quan của Người. Cuộc sống của Bác Hồ bao giờ cũng giản dị vui tươi. Bác làm từ việc lớn, như lãnh đạo cách mạng, đến việc bình thường nhất, như xây bột, giã gạo, vác gỗ... Mỗi khi Người xuất hiện ở đâu là ở đó rộn lên niềm vui và tiếng cười hồ hởi không dứt. 108 chuyện vui được sưu tầm trong quyển sách là những ứng xử đời thường của Người, qua đây ta thấy sự hóm hỉnh, tính hài hước ấy được thể hiện càng đa dạng, phong phú, để đùa vui, để nhắc nhở, để châm biếm, giáo dục và nhất là để phá đi cái trịnh trọng, cách bức không cần thiết giữa lãnh tụ với quần chúng.

Có thể nói, tiếng cười là hiện thân của sức sống, lòng yêu đời, trí thông minh, coi thường những thử thách gian nan của cuộc đời. Tiếng cười cũng là sự uốn nắn nhẹ nhàng đối với mọi cái gì còn tầm thường, thô kệch. Truyền thống lạc quan của dân tộc ta đã thấm sâu vào máu thịt, tâm hồn Hồ Chí Minh và được Người thể hiện ra một cách tự nhiên trong cuộc sống và trong ứng xử.

Đọc 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ các bạn sẽ thấy được tâm hồn lạc quan trong một nhân cách lớn của vị lãnh tụ kính yêu. Đằng sau những câu chuyện vui ấy còn là những bài học thâm thúy đầy ý nghĩa dành cho mọi người cùng suy ngẫm. Mong rằng đọc xong cuốn sách các bạn sẽ ngày càng yêu mến và kính trọng Bác nhiều hơn, để làm được điều đó chúng tahãy cố gắng học tập thật tốt, nghe lời thầy cô, bố mẹ, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy mãi xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ.

Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách - mẫu 3

“Kính chào Hậu phương – Chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi – Nhất định có ngày trở về Thủ đôi yêu quí của lòng tôi”

Tại Ngã Ba Đồng Lộc, ngày mùng 3.6.1972, anh lính trẻ Nguyễn Văn Thạc, khi ấy mới 9 tháng tuổi quân kết thúc cuốn nhật kí đời lính đầu tiên, và cũng là cuốn nhật kí cuối cùng của đời mình. Cuốn nhật kí mang tên “Chuyện đời” của anh, sau được biên tập và xuất bản mang tên “Mãi mãi tuổi hai mươi”.

“Mãi mãi tuổi hai mươi” được tác giả Đặng Vương Hưng giới thiệu và biên tập lại từ hàng trăm bức thư cùng cuốn nhật kí “Chuyện đời” dày 240 trang của Liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Thạc. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2005. Sách dày 319 trang bao gồm phần mở đầu là lời tựa của nhà thơ Đặng Vương Hưng, phần nội dung là nhật kí và thư từ do chính liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết. Khép lại cuốn sách là phần phụ lục, giới thiệu bài viết đạt giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc của anh cũng như dư luận xoay quanh cuốn sách.

Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội. Anh từng đạt giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Sau này, anh là sinh viên khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi tuổi trẻ đang đầy nhiệt huyết, tương lai đầy hứa hẹn mở ra ở những phương trời xa, Nguyễn Văn Thạc cùng những người bạn đồng trang lứa xếp lại bút nghiên, lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Anh nhập ngũ ngày 6.9.1971 và hi sinh ngày 30.7.1972 tại chiến trường Quảng Trị khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 năm tuổi đời.

Anh đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn nhật kí ngày 2.10.1971: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ...”.

Trong cuốn nhật kí, anh không chỉ tâm sự với chính mình, mà còn tâm sự với người bạn gái anh yêu quý – Như Anh. Có thể nói, cô là nguồn cảm hứng lớn đối với anh cả khi vui lẫn khi buồn, khi sung sức cũng như lúc mỏi mệt. Xuyên suốt 240 trang ghi chép, Nguyễn Văn Thạc kể lại những tháng ngày từ khi anh cùng đồng đội được đưa đi huấn luyện cấp tốc tại tỉnh Hà Bắc cũ, nay là Bắc Giang, cho tới khi đơn vị của anh cùng lên đoàn tàu quân sự, hành quân vào chiến trường, trên đường qua Hà Nội, qua Cửa Nam, những người lính trẻ còn kịp viết vội đôi dòng, những cánh thư bay ào ạt xuống đường. “Báo cho những người thân của chúng tôi rằng, chúng tôi đã xa Hà Nội lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.1972”.

Anh cùng đồng đội dừng chân tại Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh chưa đầy một tuần, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và con người nơi đây, bỏ lại đây 16 tập thơ quý giá để tiếp tục hành quân vào chiến trường, sắp tới Trường Sơn rồi. Và một ngày cuối tháng 5.1972, anh lính binh nhì phải tạm biệt cuốn nhật kí đầu tiên của đời lính với những trăn trở khi chưa kịp xem lại một lần, trăn trở “Nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này?”.

Cuốn nhật kí không chỉ ghi chép chặng đường hành quân, miêu tả cảnh sắc quê hương đất nước, thể hiện lí tưởng vì Tổ quốc của người thanh niên trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ mà còn đan xen cả tâm sự, suy nghĩ của một con người sâu sắc, yêu đời, lãng mạn, của một học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc.

Ngay khi đọc những trang đầu tiên của cuốn nhật kí, không chỉ tôi, mà tin rằng, tất cả độc giả đều thấy nghẹn ngào xúc động. Chiến tranh gian khổ và ác liệt, nhưng người lính trẻ không hề nao núng mà quyết tâm chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng, một ngày mai độc lập đúng như trong dự cảm của anh: “Hẹn đến ngày 30.4.1975 sẽ trả lời cho Như Anh câu hỏi: Hạnh phúc là gì?”. Anh không có cơ hội nhìn thấy ngày 30.4 rực rỡ và đáng tự hào ấy, nhưng những thế hệ sau này, trong đó có chúng ta, đang được tận hưởng hạnh phúc mà anh và các đồng đội đã hi sinh để đem lại.

Tôi chợt nhận ra rằng, tuổi trẻ nếu sống thu mình, nhàm chán, vô định thì cuộc đời sẽ thật vô nghĩa biết bao. Khi ta dám dấn thân, biết sống vì cộng đồng, làm đẹp cho đất nước, thì dù phải hi sinh công sức, mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu và sinh mạng, ta cũng không hối tiếc. Nhưng nghĩ thế nào, làm thế nào và sống thế nào, đó là câu hỏi dành cho tất cả chúng ta, dành cho tôi, dành cho các bạn!

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Chân trời sáng tạo hay khác: