Câu hỏi ôn tập bài Đi đường chọn lọc - Ngữ văn lớp 8


Câu hỏi ôn tập bài Đi đường chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Đi đường Ngữ văn lớp 8 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Đi đường này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 8 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 8.

Câu hỏi ôn tập bài Đi đường chọn lọc - Ngữ văn lớp 8

Câu hỏi: Bài thơ “Đi đường” có mấy lớp nghĩa?

Trả lời:

Bài thơ có 2 lớp nghĩa:

- Nghĩa hiển ngôn nói về việc đi đường núi cùng với đó là những thử thách, chông gai khi leo núi để lên đỉnh. Thành quả đó là chinh phục ngọn núi và thu mọi cảnh vật vào tầm mắt.

- Nghĩa hàm ngôn ngụ ý về con đường cách mạng, con đường đời sẽ gặp phải nhiều khó khăn, chông gai. Nhưng với sự quyết tâm, kiên trì cùng những nỗ lực rồi sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Sự nghiệp cách mạng nhất định thắng lợi.

→ Bài thơ đã gợi ra một chân lí: đường đời, đường cách mạng nhiều chông gai, thử thách, nhưng nếu quyết tâm vượt qua, con người nhất định sẽ đạt được những thắng lợi rực rỡ.

Câu hỏi: Bài thơ “Đi đường” thể hiện triết lý sâu xa nào?

Trả lời:

- Triết lý sâu xa: Từ việc đi đường, bài thơ mang đến một chân lí đường đời đó là vượt qua được gian lao sẽ đi được tới thành công

Câu hỏi: Bài thơ “Đi đường” thể hiện tinh thần gì của Bác?

Trả lời:

- Bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên và có niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp Cách mạng dân tộc của Bác.

Câu hỏi: Bài thơ “Đi đường” có phải chỉ đơn thuần tả cảnh, kể chuyện đi đường hay không? Vì sao?

Trả lời:

- Bài thơ không chỉ đơn thuần là tả cảnh, kể chuyện đi đường mà ẩn sau bên trong tác giả muốn nhắc đến đường đời của mỗi người, con đường Cách mạng của dân tộc Việt Nam: vượt qua gian lao thử thách sẽ đi đến thắng lợi vẻ vang.

Câu hỏi: Em hãy chỉ ra chất cổ điển và chất hiện đại trong bài thơ “Đi đường”.

Trả lời:

- Chất cổ điển: hình ảnh núi non trập trùng, bát ngát, mênh mông => tình yêu thiên nhiên tha thiết của Bác.

- Chất hiện đại: lòng yêu nước thương dân của vị lãnh tụ kính yêu suốt đời vì dân vì nước.

Câu hỏi: Chất thép và chất trữ tình trong bài thơ “Đi đường”.

Trả lời:

- Chất thép: đó là chất chiến đấu cách mạng, tinh thần chiến sĩ của nhân vật trữ tình được thể hiện trong bài thơ. Ấy là sự lạc quan ngay cả trong hoàn cảnh bị giải đi đày, dù có khó khăn vất vả nhưng vẫn vượt qua, và khi vượt qua được khó khăn thì ắt sẽ đến ngày thắng lợi; là sự quyết tâm giữ vững tinh thần để làm nên nghiệp lớn. Chất thép trong bài thể hiện ý chí, nghị lực phi thường của người chiến sĩ Cộng sản.

- Chât tình được thể hiện ở hình ảnh trong câu 3: Con người như sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ, ung dung giữa trời đất, ta không thấy ở đó bóng dáng của một người tù đang bị giam cầm trong thực tại mà chỉ thấy một tâm hồn tự do chiếm lĩnh. Nhân vật trữ tình có tình yêu to lớn dành cho thiên nhiên đất nước, dù trong hoàn cảnh đi đày nhưng vẫn có sự quan tâm đặc biệt, để ý đến cảnh sắc xung quanh: núi cao trập trùng, muôn trùng nước non.

Câu hỏi: Tư thế của người tù được miêu tả như thế nào trong bài thơ “Đi đường”?

Trả lời:

- Hình ảnh một con người hiên ngang đứng trên đỉnh núi cao với một tâm hồn phơi phới niềm vui, đó chính là niềm vui của người tù chiến sĩ đã trải qua những khó khăn, thử thách và luôn cố gắng vượt khó vươn lên phía trước.

Câu hỏi: Chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ “Đi đường”.

Trả lời:

- Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

- Kết cấu chặt chẽ

- Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt

- Hình ảnh sinh động, giàu ý nghĩa.

Câu hỏi: Nội dung chính của bài thơ “Đi đường” là gì?

Trả lời:

- Bài thơ khắc họa chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả: từ việc đi đường núi mà hiểu được đường đời: Vượt qua gian lao thử thách sẽ đi được tới thắng lợi vẻ vang

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 8 chọn lọc, hay khác: