Điển cố, điển tích
Câu hỏi:
Điển cố, điển tích
Trả lời:
- Điển cố là những câu chữ trong sách đời trước được dẫn lại một cách súc tích. Ví dụ, trong câu thơ: “Sầu đong càng lắc càng đầy / Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.” (Nguyễn Du), điển cố (in đậm) được dẫn lại từ Kinh thi (ca dao cổ Trung Quốc): “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không trông thấy mặt lâu bằng ba mùa thu – ba năm). Câu thơ của Nguyễn Du đã mượn điển cố để diễn tả nỗi nhớ mong của Kim Trọng từ sau buổi gặp gỡ nàng Kiều.
- Điển tích là những câu chuyện trong sách đời trước được dẫn lại một cách cô đúc trong văn thơ. Ví dụ, trong câu: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” (Nguyễn Trãi), điển tích (in đậm) lấy ý từ một truyện xưa bên Trung Quốc: “Có một vị chỉ huy khéo dùng binh. Nhân có người dâng một vò rượu ngon, ông liền cho hoà vò rượu đó vào nước sông để mội người cùng uống khiến quân sĩ cảm động, đồng lòng đánh giặc.”. Câu văn của Nguyễn Trãi nói lên tình cảm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, trên dưới một lòng của nghĩa quân Lam Sơn.
Trong thực tế, việc phân biệt điển cố với điển tích không phải bao giờ cũng dễ dàng nên cũng có ý kiến đề nghị nhập hai khái niệm đó làm một.