Lời đối thoại và lời độc thoại
Câu hỏi:
Lời đối thoại và lời độc thoại
Trả lời:
- Lời đối thoại là lời các nhân vật trao đổi với nhau trong một cuộc hội thoại. Trong ngôn ngữ viết, lời đối thoại thường được đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép. Lời độc thoại là lời của nhân vật nói với chính mình hoặc nói với một người nào đó trong tưởng tượng. Độc thoại thường diễn tả suy nghĩ, tình cảm đang diễn ra trong nội tâm nhân vật. Nếu văn bản dẫn trực tiếp lời độc thoại thì lời độc thoại được đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép.
- Lời đối thoại và lời độc thoại đều góp phần thể hiện rõ thái độ, tình cảm, đặc điểm và tính cách nhân vật. Ví dụ, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thông qua màn đối thoại xưng danh với những lời lẽ cộc lốc của Mã Giám Sinh để khắc hoạ tính cách thô lỗ, cộc cằn của nhân vật này: “Hỏi tên rằng: Mã Giám Sinh / Hổi quê rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần”. Cũng trong Truyện Kiều, để tái hiện tâm trạng day dứt, buồn tủi của Thuý Kiều về thân phận của mình khi bị giam ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm: “Bên trời góc bể bơ vơ / Tấm son gột rửa bao giờ cho phai / Xót người tựa cửa hôm mai / Quạt nồng ấp lanh, những ai đó giờ?”.
Trong truyện thơ Nôm, lời độc thoại có thể bao hàm đối thoại với chính mình và thường được thể hiện qua việc miêu tả thiên nhiên với bút pháp tả cảnh ngụ tình nhằm bộc lộ thế giới nội tâm của nhân vật.