X

Soạn văn 9 Kết nối tri thức

Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng - Kết nối tri thức


Haylamdo soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng - Kết nối tri thức

Câu chuyện tưởng tượng là câu chuyện do người kể hư cấu (có thể dựa vào những điều có thật rồi tưởng tượng thêm cho thú vị). Phần Nói và nghe của bài học này sẽ hướng dẫn em cách kể một câu chuyện như vậy.

1. Trước khi nói

- Lựa chọn một câu chuyện tưởng tượng mà em muốn kể. Chuyện tưởng tượng không có sẵn trong sách vở hay trong thực tế mà do em nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình.

- Em có thể tham khảo một số đề tài gợi ý sau:

+ Việc em sống ở thế giới tương lai trong thế kỉ tiếp theo.

+ Em gặp gỡ một nhân vật văn học.

+ Cuộc trò chuyện của em với một sự vật (bàn ghế ở lớp học, chiếc máy tính, chiếc đồng hồ, cái cây trong sân trường,...).

+ Sáng tạo một kết thúc khác cho truyện ngắn đã đọc.

- Ghi chú ngắn gọn một số ý quan trọng không thể bỏ qua khi kể như: nhan để của câu chuyện tưởng tượng em muốn kể, bối cảnh diễn ra câu chuyện, nhân vật trong truyện (trang phục, ngoại hình, lời nói, hành động,...), hệ thống sự kiện,...

2. Trình bày bài nói

- Kể lại câu chuyện tưởng tượng một cách diễn cảm.

- Nhấn mạnh những chi tiết tưởng tượng về thời gian, không gian, nhân vật và sự kiện.

- Điều chỉnh giọng nói, sử dụng cử chỉ, điệu bộ và các phương tiện hỗ trợ một cách phù hợp để câu chuyện được kể thêm hấp dẫn, thuyết phục; lưu ý phân biệt rõ ngữ diệu của lời người kể chuyện và lời nhân vật.

* Bài nói tham khảo

Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em xin kể lại câu chuyện dựa theo trí tưởng tượng của em.

Thuở xa xưa, có một gia đình chỉ có hai mẹ con. Người mẹ xấp xỉ tuổi sáu mươi, còn người con gái chỉ độ chín mười tuổi. Nhà họ rất nghèo nhưng họ sống phúc đức nên được bà con lối xóm thương yêu, quý mến.

Một ngày nọ, sau buổi đi làm đồng về, người mẹ nhuốm bệnh nằm liệt giường. Bà con lối xóm đến thăm nom giúp đỡ tiền bạc, thuốc thang, chạy chữa cho bà nhưng bệnh tình của bà không thuyên giảm mà mỗi ngày mỗi nặng thêm. Hằng ngày, cô bé túc trực bên giường bệnh không rời mẹ một bước. Nhiều lúc, cô phải nhịn ăn nhường phần cho mẹ. Tuy vất vả thiếu thốn đủ đường nhưng cô bé không bao giờ than vãn một điều gì. Rồi một hôm mệt quá, cô bé thiếp đi lúc nào không biết.

Trong giấc chiêm bao, cô bé nghe một tiếng nói thì thầm bên tai:

- Cháu muốn cứu mẹ thì hãy vượt qua chín ngọn đồi ở phía tây. Đến đó có một ngôi nhà bên vệ đường. Cháu cứ vào nhà gõ cửa sẽ có người giúp cháu chữa khỏi bệnh cho mẹ.

Cô bé tỉnh dậy, mong trời mau sáng để thực hiện lời dặn của thần linh trong giấc chiêm bao. Trời vừa hửng sáng, cô bé vội chạy sang nhà hàng xóm nhờ trông hộ mẹ cho mình rồi tạm biệt mẹ già ra đi. Sau bảy ngày trèo đèo lội suối, vượt qua bao nhiêu rừng rậm, thác nghềnh, cô bé đã đến được ngôi nhà bên vệ đường. Vừa mới gõ cửa thì một bà cụ tóc trắng như cước, đôi mắt hiền từ phúc hậu tay chống gậy trúc bước ra, nói:

- Ta đợi cháu ở đây mấy ngày rồi. Ta rất quý tấm lòng hiếu thảo của cháu. Đây là một lọ thuốc thần, cháu hãy cầm lấy mang về chữa bệnh cho mẹ. Cháu chỉ cần cho mẹ uống một viên thôi, mẹ cháu sẽ khỏi. Số thuốc còn lại tùy cháu sử dụng.

- Bà ơi! Cháu cảm ơn bà nhiều lắm!

- Thôi, cháu hãy mau trở về. Mẹ cháu và dân làng đang mong đấy.

Nói xong, bà tiên và cả ngôi nhà biến mất. Cô bé vội vã lên đường trở về nhà. Sau khi chữa khỏi bệnh cho mẹ, cô bé còn dùng số thuốc còn lại cứu sống không biết bao nhiêu người nữa. Từ đó, cuộc sống của hai mẹ con họ thật đầm ấm, hạnh phúc. Họ sống trong tình thương yêu đùm bọc của dân làng.

Bài nói của em đến đây là kết thúc, rất mong nhận được sự góp ý, nhận xét của cô và các bạn trong lớp.

3. Sau khi nói

Người nghe

Người nói

Trao đổi về bài kể chuyện với tinh thần xây dựng và thái độ tôn trọng. Có thể tập trung vào một số nội dung sau:

• Diễn biến của câu chuyện.

• Những chi tiết tưởng tượng trong câu chuyện.

• Ý nghĩa của câu chuyện.

• Sự phù hợp của các yếu tố phi ngôn ngữ (điệu bộ, cử chỉ, nét mặt,...) với nội dung câu chuyện.

Lắng nghe, phản hồi những ý kiến của người nghe với thái độ tôn trọng và tinh thần cầu thị:

• Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng.

• Trả lời các câu hỏi, giải thích thêm về những sự kiện, chi tiết mà người nghe chưa rõ.

• Tự rút kinh nghiệm để hoàn thiện nội dung câu chuyện và nâng cao kĩ năng kể chuyện.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác: