Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) - Kết nối tri thức
Haylamdo soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) - Kết nối tri thức
Trong các tác phẩm văn học, đời sống hiện lên một cách phong phú, nhiều chiều, nhiều khía cạnh. Những vấn đề mà người cầm bút đặt ra trong tác phẩm có thể cũng là những điều được công chúng quan tâm. Do vậy, khi tiếp nhận tác phẩm văn học cũng là lúc người đọc tiếp cận quan điểm của nhà văn, đổi thoại với nhà văn về các vẫn đề đời sống được đề cập. Trong phần Nói và nghe của bài học này, em sẽ thực hành thảo luận về những vấn để đời sống mà tác phẩm gợi ra với những độc giả khác có cùng mối quan tâm.
1. Trước khi thảo luận
- Ở bài này, có thể tổ chức thảo luận theo 2 vòng.
+ Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm.
+ Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.
- Để chuẩn bị cho thảo luận ở vòng 1, cần chia lớp thành các nhóm và phân công người chủ trì, thư kí cho mỗi nhóm; đồng thời phân công người chủ trì và thư kí cho thảo luận trong phạm vi lớp ở vòng 2.
- Các nhóm cần thống nhất lựa chọn vấn đề thảo luận dựa trên nội dung những tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc; trước hết là những tác phẩm vừa được học trong bài 5, sau đó có thể mở rộng tìm thêm đề tài từ các tác phẩm ngoài phạm vi bài 5, lựa chọn một vấn để đời sống được gợi ra từ tác phẩm mà nhiều người quan tâm.
Một số đề tài gợi ý:
+ Vẻ đẹp của tình yêu (Rô-mê-ô và Giu-li-ét).
+ Danh dự và bổn phận của mỗi người (Lơ Xít).
+ Cách ứng xử của con người trước những tai họa, mất mát, nghịch cảnh (Bí ẩn của làn nước)..
- Mỗi người cần nắm nội dung khái quát và các chi tiết trong tác phẩm có liên quan đến vấn đề được lựa chọn, suy nghĩ về vấn đề và ghi lại ý kiến của mình để chuẩn bị tham gia thảo luận.
2. Thảo luận
- Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm. Mỗi thành viên phát biểu ý kiến theo chỉ định của người chủ trì. Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận. Sau khi kết thúc thảo luận trong nhóm, mỗi nhóm cử đại diện tham gia thảo luận ở vòng 2.
- Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.
+ Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất và giới thiệu trước lớp, mời đại diện các nhóm tham gia thảo luận.
+ Đại diện mỗi nhóm trình bày ý kiến dựa trên kết quả thảo luận nhóm đã thực hiện ở vòng 1. Khi đại diện của mỗi nhóm phát biểu, các thành viên trong lớp lắng nghe, ghi chép nội dung ý kiến; dự kiến các ý kiến hoặc câu hỏi để tham gia thảo luận.
+ Sau khi đại diện các nhóm phát biểu hết một lượt, dưới sự điều hành của người chủ trì, các thành viên trong lớp nêu ý kiến góp ý hoặc đặt câu hỏi cho bất kì đại diện của nhóm nào; đại diện các nhóm trao đổi, trả lời.
+ Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận thành biên bản.
+ Kết thúc cuộc thảo luận, người chủ trì tổng kết các nội dung chính đã thảo luận; khẳng định ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề đáng quan tâm trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học; cảm ơn sự đóng góp của các thành viên tham gia.
* Bài nói tham khảo:
Em chào cô và các bạn, em tên là Nguyễn Văn A. Hôm nay, em sẽ trao đổi về vẻ đẹp của tình yêu.
Tình yêu là vấn đề của muôn đời. Từ xa xưa đến mai sau, có lẽ nhịp đập của trái tim con người vẫn cứ bồi hồi, xao xuyến, khắc khoải, thao thức… như thế trước tiếng gọi của tình yêu. Nhưng quan niệm và cách ứng xử trong tình yêu thì chắc chắn sẽ có những đổi thay theo từng thời đại.
Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, có khá nhiều điều cần phải bàn luận, suy ngẫm về tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ với tình yêu. So với các thế hệ trước, con người hiện đại đã có được sự bình đẳng, tự do trong tình yêu. Họ không còn phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; cũng không bị trói buộc bởi các hủ tục xã hội khắt khe như thời xưa. Hầu hết mọi người được tự do lựa chọn và có thể chủ động trong việc kiếm tìm hạnh phúc.
Chúng ta không còn phải chứng kiến nỗi đau khổ của lứa đôi yêu nhau tha thiết mà không được nên vợ nên chồng chỉ vì sự cách biệt về tài sản, đẳng cấp. Người phụ nữ cũng không còn phải nếm trải nỗi khổ vì thân phận lệ thuộc “Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”; hoặc “Em thương anh cũng muốn kết nghĩa giao hoà - Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời”…Thậm chí, sau khi kết hôn, nếu tình yêu không còn, họ có thể chia tay và đi tìm hạnh phúc mới mà không phải gánh chịu “búa rìu dư luận” nghiệt ngã như thời xưa “Nứa trôi sông không dập thì gãy - Gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia…”. Nhưng cũng chính môi trường của cuộc sống hiện đại đã làm nảy sinh không ít quan niệm lệch lạc và nhiều hiện tượng chưa đẹp trong tình yêu.
Hình như chuyện đến và đi trong tình yêu có chiều hướng ngày càng dễ dãi và không hiếm bạn trẻ thay đổi người yêu như thay áo. Nhiều bạn yêu theo trào lưu: lớp mình, trường mình có các đôi cặp kè thì mình cũng thế cho khỏi tụt hậu. Có người coi việc chinh phục được đối tượng là một chiến tích, càng nhiều chiến công càng tự hào về tài chinh chiến của mình! Có người biến tình yêu thành phương tiện để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc. Không ít đôi bạn trẻ dễ dàng sống thử cuộc sống vợ chồng trước hôn nhân. Kết quả là những tình cảm giống như tình yêu ấy thường nhanh chóng tan vỡ, để lại nỗi chán chường, thất vọng và có khi là nỗi hận thù.
Tình yêu sẽ trở thành nguồn sức mạnh kì diệu giúp mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường đời. Tôi nhớ những câu ca xưa:
Muối ba năm muối vẫn còn mặn,
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay.
Đôi ta tình nặng nghĩa dày,
Có xa nhau đi nữa ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Tôi nhớ mãi câu chuyện có thật về một chàng trai miền biển, đến bệnh viện chăm sóc người thân, tình cờ gập một cô gái mang bệnh hiểm nghèo và đem lòng yêu thương cô. Anh đã vượt qua sự phản đối của gia đình, sự mặc cảm của cô gái để trở thành người bạn đời thuỷ chung, ân cần. Hai người đã nên vợ nên chồng và họ hạnh phúc bất chấp những nhọc nhằn, gian khó của cuộc sống đời thường.
Chắc hẳn mỗi chúng ta còn nhớ “cảnh ngộ” của chàng trai trong bài thơ “Tôi yêu em” của Pu-skin: tâm hồn bị giằng xé bởi bao cảm xúc trái ngược của mối tình đơn phương, khi lặng lẽ, âm thầm, lúc hậm hực ghen tuông, lúc chân thành đằm thắm… Vậy mà chàng trai ấy đã tự nguyện giã từ vì tôn trọng sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn người con gái mình yêu thương. Anh từ biệt cô với lời chúc phúc Cầu em được người tình như tôi đã yêu em. Trong cuộc sống, cũng có bao nhiêu đôi lứa không nên duyên chồng vợ vẫn có thể là bạn hoặc vẫn nhớ về nhau với những kỉ niệm tốt lành. Họ đã vượt lên nỗi đau khổ, thất vọng của riêng mình mà không làm tổn thương người khác, không xúc phạm tình yêu.
Mỗi một thời đại có thể thêm và bớt đi những tiêu chí định giá con người và cuộc sống. Nhưng riêng với tình yêu, có lẽ chuẩn giá trị vẫn là một hằng số không đổi. Con đường đến với tình yêu muôn màu muôn vẻ và tình yêu có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc; cũng có thể khiến ta đau khổ, xót xa, tiếc nuối. Thế nhưng tình cảm ấy mãi mãi là món quà vô giá của cuộc sống. Tất nhiên, tùy thuộc vào cách mỗi người trao và nhận nó. Với tôi, yêu là phải biết sống đẹp hơn.
3. Đánh giá
- Đánh giá ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề; chất lượng các ý kiến phát biểu.
- Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng kết hợp ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện hỗ trợ; cách tổ chức, điều hành buổi thảo luận.