X

500 bài văn mẫu lớp 11

Nghị luận bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương năm 2023


Nghị luận bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương năm 2023

Bài văn Nghị luận bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.

Nghị luận bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương năm 2023 - Văn mẫu lớp 11

Đề bài: Nghị luận bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

Bài văn mẫu

    Hồ Xuân Hương là một hiện tượng lạ, độc đáo trong văn học Việt Nam, những vần thơ bà viết về phụ nữ rất lạ và táo bạo thể hiện những khao khát hết sức nhân bản của con người. Bài thơ Tự tình II đã nói lên nỗi lòng của người phụ nữ trong cảnh lấy chồng chung, đồng thời cũng bộc lộ khát vọng bứt phá, tự do hết sức mãnh liệt.

    Bài thơ mở đầu bằng lời bộc bạch đầy u sầu:

    Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    Trơ cái hồng nhan với nước non.

    Trong đêm khuya thanh vắng, không gian càng trở nên tĩnh mịch hơn, nỗi khắc khoải ngóng đợi chồng trở về lại càng mãnh liệt hơn. Nhưng càng mong lại càng không thấy. Tiếng trống như thúc giục, như làm cho nỗi buồn chồn, lo lắng càng sâu đậm hơn. Đồng thời tiếng trống ấy cũng là sự thông báo về thời gian tâm trạng của người phụ nữ. Nỗi khắc khoải, thảng thốt của người đàn bà. Tâm trạng đơn côi ấy đã được Hồ Xuân Hương khắc họa rõ nét chỉ qua duy nhất một từ “trơ”. Trơ được đảo lên đầu câu, trơ ở đây chính là nỗi niềm cô đơn, trơ trọi, người con gái ấy trơ “cái hồng nhan” với trời với nước một cách buồn tủi, bẽ bàng. Không chỉ vậy hồng nhan kết hợp với từ cái lại khiến cho nó thêm phần rẻ rung, mỉa mai và tội nghiệp. Người phụ nữ cô đơn lặng lẽ đếm thời gian trôi và ý thức sâu sắc hơn nỗi bất hạnh, sự bẽ bàng, tủi hổ của bản thân.

    Vậy, họ phải làm gì, phải bằng cách nào mới có thể thoát khỏi tâm trạng sầu muộn tột cùng ấy. Có lẽ cách đơn giản nhất chính là tìm đến với rượu, để giúp con người ta quên đi thực tại phũ phàng:

    Chén rượu đưa hương say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

    Nhưng thực tại lại trớ trêu hơn, tìm đến rượu tưởng say, tưởng quên được nhưng càng uống người phụ nữ lại càng tỉnh ra, càng nhận rõ hơn sự cô đơn của mình. Đau đớn hơn nàng nhìn vầng trăng đã xế, nghĩ đến thân phận mình đã lớn tuổi mà hạnh phúc vẫn chưa trọn vẹn, nhân duyên vẫn “khuyết chưa tròn”. Tình cảnh của Hồ Xuân Hương không phải là hiện tượng cá biết, ta bắt gặp nàng Kiều cũng có nỗi niềm tương tự: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

    Đôi mắt Hồ Xuân Hương tiếp tục hướng ra ngoại cảnh, có lẽ bài đang tìm kiếm sự sẻ chia, mong muốn bày tỏ nỗi lòng mình:

    Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

    Hai động từ “xiên” “đâm” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh trạng thái, sự chuyển biến của thiên nhiên nhưng đây đồng thời cũng chính là tâm trạng của con người. Thiên nhiên cũng mang trong mình nỗi niềm phẫn uất của con người, cỏ cây không mềm yếu mà mạnh mẽ xiên ngang mặt đất; đá cũng tự gọt mình, trở nên rắn chắc hơn để đâm toạc đám mây. Tất cả các sinh vật đều cố gắng, gồng mình vươn lên không chấp nhận những cản trở để vươn tới ánh sáng, vươn tới hạnh phúc. Câu thơ phản ánh nỗi phẫn uất đến tận cùng của Hồ Xuân Hương nhưng đồng thời cũng thể hiện sự phản kháng, muốn bứt phá, chối bỏ những luật lệ phong kiến hà khắc để được sống và có một hạnh phúc thực sự cho riêng mình. Câu thơ thể hiện nét tính cách mạnh mẽ, táo bạo của Hồ Xuân Hương.

    Khép lại bài thơ, Hồ Xuân Hương viết:

    Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

    Mảnh tình san sẻ tí con con.

    Đọc hai câu thơ ta cảm nhận thấy rõ nỗi chán ngán đến tột cùng của Hồ Xuân Hương. Vậy nàng đang ngao ngán điều gì? Nỗi chán ngán của nàng chính là “xuân đi xuân lại lại” , nghĩa là thời gian trôi đi, hết mùa xuân này đến mùa xuân khác, cũng đồng nghĩa với việc tuổi thanh xuân trôi qua mà hạnh phúc người con gái vẫn chưa được tròn vẹn, niềm mong ngóng hạnh phúc dường như ngày một bị thời gian đẩy ra xa hơn. Câu thơ cuối ngắt nhịp 2/2/3 cho thấy tình cảm vốn mong manh, bé nhỏ này lại bị chia năm sẻ bảy, chỉ còn lại tý con con. Câu thơ đầy chán ngán, xót thương, oán thán, tủi hờn. Cũng bởi vậy mà, đã có lần phẫn uất, Hồ Xuân Hương đã lớn tiếng chửi cái kiếp lấy chồng chung: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Hạnh phúc luôn bé nhỏ như chiếc chăn hẹp với khao khát yêu thương to lớn của con người.

    Bài thơ cho thấy tài năng nghệ thuật độc đáo của Bà chúa thơ nôm đó là nghệ thuật sử dụng từ ngữ, các động từ mạnh (xiên, đâm), đảo ngữ, dùng những từ ngữ mới lạ độc đáo (trơ cái hồng nhan). Ngoài ra nghệ thuật xây dựng hình ảnh đặc sặc cũng đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

    Qua bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được tâm trạng đầy tủi hơn, uất hận của Hồ Xuân Hương cho duyên phận hẩm hiu của mình. Đồng thời cũng thể hiện khát vọng vượt thoát và nhu cầu hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của bà. Tiếng thơ của Hồ Xuân Hương cũng là tiếng lòng của biết bao phụ nữ trong xã hội cũ.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 11 chọn lọc, hay khác: