Bộ đề thi Địa Lí lớp 6 Giữa kì 2 năm 2023 (4 đề)


Bộ đề thi Địa Lí lớp 6 Giữa kì 2 năm 2023 (4 đề)

Haylamdo biên soạn và sưu tầm Bộ đề thi Địa Lí lớp 6 Giữa kì 2 năm 2023 (4 đề) được tổng hợp chọn lọc từ đề thi môn Địa Lí 6 của các trường trên cả nước sẽ giúp học sinh có kế hoạch ôn luyện từ đó đạt điểm cao trong các bài thi Địa Lí lớp 6.

Bộ đề thi Địa Lí lớp 6 Giữa kì 2 năm 2023 (4 đề)

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2023

Môn: Địa Lí 6

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 1)

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Trong lớp vỏ Trái Đất, các nguyên tố hoá học thường chiếm một tỉ lệ

A. lớn và rất phân tán.

B. nhỏ và rất phân tán.

C. nhỏ và khá tập trung.

D. lớn và khá tập trung.

Câu 2 : Loại khoáng sản kim loại màu gồm:

A. đồng, chì, kẽm.

B. crôm, titan, mangan.

C. than đá, sắt, đồng.

D. apatit, đồng, vàng.

Câu 3 : Trong tầng đối lưu, trung bình cứ lên cao 100 m, thì nhiệt độ giảm đi:

A. 0,3°C.

B. 0,4°C.

C. 0,5°C.

D. 0,6°C.

Câu 4 : Các tầng cao của khí quyển có đặc điểm là:

A. tập trung phần lớn ô dôn.

B. không khí rất đặc.

C. nằm trên tầng đối lưu.

D. không khí cực loãng.

Câu 5 : Nhiệt độ không khí thay đổi:

A. Theo độ cao.

B. Gần biển hoặc xa biển.

C. Theo vĩ độ.

D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 6 : Giả sử có một ngày ở thành phố Hồ Chí Minh, người ta đo được nhiệt độ lúc 5 giờ được 25oC, lúc 13 giờ được 29oC và lúc 21 giờ được 27oC. Vậy nhiệt độ trung bình của ngày hôm đó là bao nhiêu?

A. 25oC.

B. 26oC.

C. 27oC.

D. 28oC.

Câu 7 : Loại gió thổi thường xuyên trong khu vực đới nóng là:

A. Tín phong.

B. gió Tây ôn đới.

C. gió phơn tây nam.

D. gió Đông cực.

Câu 8 : Các mùa trong năm thể hiện rất rõ là đặc điểm của đới khí hậu nào?

A. Hàn đới.

B. Nhiệt đới.

C. Cận nhiệt đới.

D. Ôn đới.

Câu 9 : Việt Nam nằm trong khu vực có lượng mưa trung bình năm là bao nhiêu?

A. Từ 201 - 500 mm.

B. Từ 501- l.000mm.

C. Từ 1.001 - 2.000 mm.

D. Trên 2.000 mm.

Câu 10 : Tại sao không khí có độ ẩm?

A. Do không khí chứa một lượng hơi nước nhất định.

B. Do không khí chứa nhiều mây.

C. Do càng lên cao nhiệt độ càng giảm.

D. Do mưa rơi xuyên qua không khí.

Tự luận

Câu 1 (2 điểm) : Nguyên nhân nào đã sinh ra gió? Kể tên và nêu đặc điểm cơ bản của các loại gió thổi thường xuyên trên Trái Đất?

Câu 2 (3 điểm) : Hãy cho biết giữa 2 khu vực xích đạo và khu vực chí tuyến, khu vực nào mưa ít, khu vực nào mưa nhiều và giải thích tình hình mưa của từng khu vực?

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Trong lớp vỏ Trái Đất, các nguyên tố hóa học tập trung với tỉ lệ nhỏ và phân tán.

Chọn : B

Câu 2 : Khoáng sản kim loại: Kim loại đen (sắt, Mangan,…); kim loại màu (đồng, chì, kẽm,...).

Chọn : A

Câu 3 : Đặc điểm tầng đối lưu: Giới hạn dưới 16km, không khí luôn chuyển động theo chiều thẳng đứng, là nơi sinh ra các hiện tượng khí tượng: mây mưa sấm chớp và nhiệt độ giảm dần theo độ cao, cứ lên cao 100m nhiệt độ giảm 0,6⁰C,…Đặc điểm tầng đối lưu: Giới hạn dưới 16km, không khí luôn chuyển động theo chiều thẳng đứng, là nơi sinh ra các hiện tượng khí tượng: mây mưa sấm chớp và nhiệt độ giảm dần theo độ cao, cứ lên cao 100m nhiệt độ giảm 0,6⁰C,…

Chọn : D

Câu 4 : Đặc điểm các tầng cao của khí quyển là: Có giới hạn từ 80km trở lên, không khí cực loãng và không có quan hệ trực tiếp với đời sống của con người.

Chọn : D

Câu 5 : Nhiệt độ không khí thay đổi theo vĩ độ, độ cao và tùy thuộc vào gần biển hay xa biển.

Chọn : D

Câu 6 : Tính nhiệt độ trung bình ngày = Tổng nhiệt độ các lần đo/Số lần đo.

Như vậy, nhiệt độ trung bình ngày của TP. Hồ Chí Minh là: Nhiệt độ TB = (25 + 29+27): 3 = 27oC.

Chọn : C

Câu 7 : Gió thổi thường xuyên ở đới nóng là gió Tín phong với tính chất khô và nóng.

Chọn : A

Câu 8 : Đặc điểm đới ôn hòa là lượng nhiệt nhận được trung bình, các mùa thể hiện rất rõ trong năm.

Chọn : D

Câu 9 : Việt Nam nằm trong khu vực có lượng mưa trung bình năm từ 1.001 - 2.000 mm.

Chọn : C

Câu 10 : Không khí có độ ẩm là do không khí chứa một lượng hơi nước nhất định.

Chọn : A

Tự luận

Câu 1 :

- Nguyên nhân sinh ra gió là do sự chênh lệch áp suất không khí giữa nơi áp cao và nơi áp thấp, không khí bị dồn từ nơi áp cao về áp thấp tạo ra gió. (1 điểm)

- Tín phong và gió Tây ôn đới là loại gió thổi thường xuyên trên Trái Đất

+ Tín phong là gió thổi từ các đai áp cao chí tuyến về áp thấp xích đạo. (0,5 điểm)

+ Gió Tây ôn đới là loại gió thổi từ các đai áp cao chí tuyến về các đai áp thấp khoảng vĩ độ 60o. (0,5 điểm)

Câu 2 :

- Khu vực xích đạo mưa nhiều, lượng mưa lớn (từ 1000- 2000mm) càng về phía hai chí tuyến lượng mưa càng giảm. (1 điểm)

- Ở hai bên xích đạo chịu nằm trong vùng khí áp thấp, nhiệt độ cao, khu vực chủ yếu là đại dương và rừng xích đạo ẩm ướt, nước bốc hơi mạnh. (1 điểm)

- Ở khu vực chí tuyến nằm trong vùng khí áp cao, tỉ lệ diện tích lục địa tương đối lớn nước bốc hơi chậm do vậy mưa ít. (1 điểm)

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2023

Môn: Địa Lí 6

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 2)

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Khoáng sản là gì?

A. Các loại đá do nhiều loại khoáng vật khác nhau kết hợp lại.

B. Các loại nham thạch ở trong lớp vỏ Trái Đất.

C. Những tích tụ tự nhiên của khoáng vật.

D. Khoáng vật và các loại đá có ích.

Câu 2 : Dựa vào tính chất và công dụng, khoáng sản được chia thành mấy nhóm?

A. 5 nhóm

B. 4 nhóm

C. 3 nhóm

D. 2 nhóm

Câu 3 : Dựa vào đặc tính của lớp khí, người ta chia khí quyển ra:

A. 4 tầng

B. 3 tầng

C. 5 tầng

D. 2 tầng

Câu 4 : Các tầng khí quyển lần lượt từ mặt đất lên là:

A. đối lưu, bình lưu, tầng cao của khí quyển.

B. bình lưu, tầng cao của khí quyển, đối lưu.

C. đối lưu, tầng cao của khí quyển, bình lưu.

D. bình lưu, đối lưu, tầng cao của khí quyển.

Câu 5 : Tại sao có sự khác biệt về nhiệt độ giữa đất và nước?

A. Do trên mặt đất có động thực vật sinh sống.

B. Do nước có nhiều thủy hảo sản cần nhiều không khí để hô hấp.

C. Do lượng nhiệt chiếu xuống đất và nước khác nhau.

D. Do đặc tính hấp thụ nhiệt của đất và nước khác nhau.

Câu 6 : Đặc điểm nào dưới đây không đúng khi nói về sự thay đổi của nhiệt độ?

A. Nhiệt độ không khí thay đổi theo độ cao.

B. Nhiệt độ không khí thay đổi theo vĩ độ.

C. Nhiệt độ không khí thay đổi theo màu đất.

D. Nhiệt độ không khí thay đổi tùy theo vị trí gần hay xa biển.

Câu 7 : Ở hai bên xích đạo, gió thổi một chiều quanh năm từ vĩ độ 300 Bắc và Nam về xích đạo là gió?

A. Gió Tín Phong.

B. Gió mùa đông Bắc.

C. Gió mùa đông Nam.

D. Gió Tây ôn đới.

Câu 8 : Ở miền Trung nước ta, vào mùa hè có gió khô nóng thổi vào, đó là gió:

A. Gió Nam.

B. Gió Đông Bắc.

C. Gió Tây Nam.

D. Gió Đông.

Câu 9 : Sự phân hóa khí hậu trên bề mặt Trái Đất phụ thuộc vào nhiều nhân tố nào?

A. Vị trí gần hay xa biển

B. Vĩ độ

C. Dòng biển

D. Địa hình

Câu 10 : Đặc điểm nào không đúng với khí hậu đới nóng?

A. Lượng mưa trung bình năm từ 1.000 - 2.000 mm.

B. Có gió Tín phong thổi thường xuyên.

C. Quanh năm nóng.

D. Có góc chiếu của ánh sáng mặt trời rất nhỏ.

Tự luận

Câu 1 (2 điểm) : Trình bày đặc điểm cấu tạo của lớp vỏ khí (lớp khí quyển)?

Câu 2 (3 điểm) : Nêu đặc điểm của khí hậu ôn đới? Gió thổi trong đới này chủ yếu là gió gì?

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Khoáng sản là những khoáng vật và đá có ích được con người khai thác và sử dụng.

Chọn : D

Câu 2 : Dựa vào tính chất và công dụng, khoáng sản được chia làm 3 nhóm, đó là khoáng sản năng lượng, kim loại và khoáng sản phi kim loại.

Chọn : C

Câu 3 : Dựa vào đặc tính của lớp khí người ta chia khí quyển thành 3 tầng, đó là tầng đối lưu, tầng bình lưu và các tầng cao của khí quyển.

Chọn : B

Câu 4 : Thứ tự các tầng khí quyển theo thứ tự sát mặt đất lên cao là tầng đối lưu, tầng bình lưu và trên cùng là các tầng cao của khí quyển.

Chọn : A

Câu 5 : Do đặc tính hấp thụ nhiệt của đất và nước khác nhau. Sự tăng, giảm nhiệt độ của mặt đất và mặt nước rất khác nhau.

Chọn : D

Câu 6 : Nhiệt độ không khí thay đổi theo vĩ độ; theo độ cao và theo vị trí gần hay xa biển.

Chọn : C

Câu 7 : Tín phong là gió thổi từ các đai áp cao chí tuyến (vĩ độ 300 Bắc và Nam) về áp thấp xích đạo.

Chọn : A

Câu 8 : Ở miền Trung nước ta, vào mùa hè có gió khô nóng thổi vào, đó là gió: Tây Nam (thổi theo hướng tây nam bị dãy Trường Sơn chắn) hay còn gọi là gió phơn.

Chọn : C

Câu 9 : Sự phân hóa khí hậu trên bề mặt Trái Đất phụ thuộc vào nhiều nhân tố trong đó quan trọng nhất là vĩ độ.

Chọn : B

Câu 10 : Đặc điểm đới nóng: Quanh năm có góc chiếu ánh sánh Mặt Trời tương đối lớn, thời gian chiếu sáng trong năm chênh lệch nhau ít và quanh năm nóng. Lương mưa trung bình năm khoảng từ 1000 – 2000mm và trên 2000mm, gió Tín phong là loại ció thổi thường xuyên ở đới nóng.

Chọn : D

Tự luận

Câu 1 :

* Khí quyển (lớp vỏ khí) là lớp không khí bao quanh Trái Đất. (0,5 điểm)

* Khí quyển có 3 tầng, đó là tầng đối lưu, tầng bình lưu và các tầng cao của khí quyển. (0,5 điểm)

- Tầng đối lưu (0 → 16km) (1 điểm)

+ Tập trung tới 90% không khí. Không khí chuyển động theo chiều thẳng đứng.

+ Nhiệt độ giảm dần khi lên cao: Trung bình cứ lên cao 100m thì nhiệt độ giảm 0,6o C.

+ Là nơi sinh ra các hiện tượng khí tượng: Mây mưa sấm chớp…

- Tầng bình lưu (16 → 80km): Lớp Ôzôn ngăn cản những tia bức xạ mặt trời có hại cho sinh vật và con người. (0,5 điểm)

- Các tầng cao của khí quyển (> 80km): Không khí cực loãng và không có quan hệ trực tiếp với đời sống của con người. (0,5 điểm)

Câu 2 :

- Đặc điểm của khí hậu ôn đới:

+ Góc chiếu của ánh sáng mặt trời và thời gian chiếu sáng trong năm chênh nhau nhiều. (0,5 điểm)

+ Lượng nhiệt trung bình. Các mùa thể hiện rất rõ trong năm. (0,5 điểm)

+ Lượng mưa trong năm dao động từ 500mm đến 1.000mm. (0,5 điểm)

- Gió thường xuyên thổi trong khu vực này là gió Tây ôn đới. (0,5 điểm)

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2023

Môn: Địa Lí 6

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 3)

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Mỏ nội sinh gồm có các mỏ:

A. Đồng

B. Than đá

C. Đá vôi

D. Apatit

Câu 2 : Loại khoáng sản nào dùng làm nhiên liệu cho công nghiệp năng lượng, nguyên liệu cho công nghiệp hoá chất?

A. Kim loại.

B. Vật liệu xây dựng.

C. Phi kim loại.

D. Năng lượng.

Câu 3 : Các khối khí được đặt tên dựa vào yếu tố nào?

A. Khí áp và độ ẩm của khối khí.

B. Vị trí hình thành và bề mặt tiếp xúc.

C. Nhiệt độ của khối khí.

D. Độ cao của khối khí.

Câu 4 : Các hiện tượng khí tượng như: mây, mưa, sấm, chớp... hầu hết xảy ra ở:

A. tầng đối lưu.

B. tầng bình lưu.

C. tầng nhiệt.

D. tầng cao của khí quyển.

Câu 5 : Tại sao về mùa hạ, những miền gần biển có không khí mát hơn trong đất liền; ngược lại, về mùa đông những miền gần biển lại có không khí ấm hơn trong đất liền?

A. Do đặc tính hấp thụ và tỏa nhiệt của nước và đất là giống nhau.

B. Do đặc tính hấp thụ và tỏa nhiệt của nước và đất là khác nhau.

C. Do mùa hạ, miền gần biển có ngày ngắn hơn đêm, mùa đông ngày dài hơn đêm.

D. Do mùa hạ, miền gần biển có ngày dài hơn đêm, mùa đông ngày ngắn hơn đêm.

Câu 6 : Thời tiết là gì?

A. Là hiện tượng khí tượng xảy ra trong một thời gian ngắn nhất định ở một nơi.

B. Là hiện tượng khí tượng xảy ra khắp mọi nơi và không thay đổi.

C. Là hiện tượng khí tượng xảy ra trong một thời gian dài ở một nơi.

D. Cả A, B, C đều sai.

Câu 7 : Trên Trái Đất có bao nhiêu đới ôn hòa?

A. 3

B. 1

C. 2

D. 4

Câu 8 : Đới nóng (hay nhiệt đới) nằm giữa:

A. hai vòng cực.

B. 66°33 B và 66°33 N.

C. chí tuyến và vòng cực.

D. hai chí tuyến.

Câu 9 : Nguồn chính nào cung cấp hơi nước cho khí quyển?

A. sinh vật.

B. biển và đại dương.

C. sông ngòi.

D. ao, hồ.

Câu 10 : Lượng hơi nước chứa được càng nhiều, khi nhiệt độ không khí

A. càng thấp.

B. càng cao.

C. trung bình.

D. Bằng 0°C.

Tự luận

Câu 1 (2 điểm) : Mỏ khoáng sản là gì? Giải thích vì sao chúng ta cần phải khai thác và sử dụng các mỏ khoáng sản một cách hợp lí và tiết kiệm?

Câu 2 (3 điểm) :

a) Thời tiết khác khí hậu ở điểm nào?

b) Tại sao không khí trên Mặt Đất không nóng nhất vào lúc 12 giờ trưa (lúc bức xạ mặt trời mạnh nhất) mà lại nóng nhất vào lúc 13 giờ?

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Các mỏ khoáng sản nội sinh là các mỏ được hình thành do nội lực (quá trình mắc – ma). Ví dụ: Vàng, đồng, chì, sắt,…

Chọn : A

Câu 2 : Khoáng sản năng lượng dùng làm nhiên liệu cho công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, chất đốt) nguyên liệu cho công nghiệp hoá chất (phân bón).

Chọn : D

Câu 3 : Đặt tên khối khí dựa vào vị trí hình thành (vùng có vĩ độ thấp; vùng có vĩ độ cao); bề mặt tiếp xúc (trên biển và đại dương; trên đất liền).

Chọn : B

Câu 4 : Các hiện tượng khí tượng như: mây, mưa, sấm, chớp... hầu hết xảy ra ở tầng đối lưu.

Chọn : A

Câu 5 : Do đặc tính hấp thụ và tỏa nhiệt của nước và đất là khác nhau, mặt đất nóng lên nhanh và nguội đi nhanh hơn nước nên về mùa hạ, những miền gần biển có không khí mát hơn trong đất liền; ngược lại, về mùa đông những miền gần biển lại có không khí ấm hơn trong đất liền.

Chọn : B

Câu 6 : Thời tiết là sự biểu hiện của các hiện tượng khí tượng ở một địa phương, trong một thời gian ngắn.

Chọn : A

Câu 7 : Tương ứng với 5 vành đai nhiệt, trên Trái Đất cũng có 5 đới khí hậu theo vĩ độ: 1 đới nóng; 2 đới ôn hòa; 2 đới lạnh.

Chọn : C

Câu 8 : Giới hạn đới nóng là từ chí tuyến Bắc đến chí tuyến Nam.

Chọn : D

Câu 9 : Nguồn cung cấp hơi nước cho khí quyển chủ yếu từ biển và đại dương.

Chọn : B

Câu 10 : Nhiệt độ không khí càng cao, lượng hơi nước chứa càng nhiều.

Chọn : B

Tự luận

Câu 1 :

- Mỏ khoáng sản là những nơi tập trung khoáng sản. (0,5 điểm)

- Giải thích: Các mỏ khoáng sản không phải là vô tận, nếu không khai thác hợp lí và tiết kiệm dẫn đến lãng phí trong việc khai thác; chưa tận dụng hết công dụng của khoáng sản; bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến môi trường, liên quan đến quá trình phát triển bền vững của đất nước. (1,5 điểm)

Câu 2 :

a)

- Thời tiết là sự biểu hiện của các hiện tượng khí tượng ở một địa phương, trong một thời gian ngắn. (0,75 điểm)

- Khí hậu là sự lập đi lập lại của tình hình thời tiết, ở một địa phương, trong nhiều năm. (0,75 điểm)

b)

Mặt đất hấp thụ lượng nhiệt của Mặt Trời, rồi bức xạ lại vào không khí, tạo ra nhiệt độ không khí. Vì vậy, khi mặt đất có nhiệt độ cao nhất vào lúc 12 giờ trưa (lúc bức xạ mặt trời mạnh nhất) thì không khí chưa nóng nhất. Khoảng một thời gian sau (lúc 1 giờ chiều), không khí trên mặt đất mới có nhiệt độ nóng nhất trong ngày. (1,5 điểm)

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2023

Môn: Địa Lí 6

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề thi số 4)

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Các khoáng sản như dầu mỏ, khí đốt, than đá thuộc nhóm khoáng sản:

A. Phi kim loại

B. Năng lượng

C. Kim loại màu

D. Kim loại đen

Câu 2 : Khoáng sản nào sau đây không thuộc nhóm khoáng sản năng lượng?

A. Dầu mỏ

B. Than đá

C. Sắt

D. Khí đốt

Câu 3 : Tầng khí quyển nằm sát mặt đất là:

A. Tầng đối lưu

B. Tầng cao của khí quyển

C. Tầng bình lưu

D. Tầng ion nhiệt

Câu 4 : Tầng đối lưu có độ cao trung bình khoảng:

A. 14km

B. 18km

C. 16km

D. 20km

Câu 5 : Nhiệt độ trung bình ngày là kết quả tổng cộng nhiệt độ 3 lần trong ngày vào các thời điểm:

A. 5 giờ, 13 giờ, 21 giờ

B. 7 giờ, 15 giờ, 23 giờ

C. 9 giờ, 16 giờ, 24 giờ

D. 6 giờ, 14 giờ, 22 giờ

Câu 6 : Không khí trên mặt đất nóng nhất là vào thời gian nào?

A. 14 giờ trưa

B. 13 giờ trưa

C. 15 giờ trưa

D. 12 giờ trưa

Câu 7 : Trên Trái Đất gồm tất cả 7 đai khí áp cao và thấp, trong đó có:

A. 2 đai áp cao và 5 đai áp thấp

B. 3 đai áp cao và 4 đai áp thấp

C. 5 đai áp cao và 2 đai áp thấp

D. 4 đai áp cao và 3 đai áp thấp

Câu 8 : Trên bề mặt Trái Đất có bao nhiêu đai khí áp thấp?

A. 2.

B. 5.

C. 3.

D. 4.

Câu 9 : Loại gió thổi thường xuyên ở khu vực đới lạnh là:

A. gió Tây ôn đới.

B. gió Đông cực.

C. gió mùa.

D. Tín phong.

Câu 10 : Trên Trái Đất có những đới khí hậu nào?

A. một đới nóng, hai đới ôn hoà, hai đới lạnh.

B. một đới nóng, hai đới ôn hoà, một đới lạnh.

C. hai đới nóng, hai đới ôn hoà, một đới lạnh.

D. hai đới nóng, một đới ôn hoà, hai đới lạnh.

Tự luận

Câu 1 (2 điểm) : Khoáng sản là gì? Kể tên một số khoáng sản và công dụng của nó?

Câu 2 (3 điểm) : Gió là gì? Trình bày các loại gió hành tinh và các hoàn lưu khí quyển?

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần trắc nghiệm

Câu 1 : Khoáng sản năng lượng: than, dầu mỏ, khí đốt,…

Chọn : B

Câu 2 : Khoáng sản năng lượng: than, dầu mỏ, khí đốt,…

Chọn : C

Câu 3 : Thứ tự các tầng khí quyển theo thứ tự sát mặt đất lên cao là tầng đối lưu, tầng bình lưu và các tầng cao của khí quyển.

Chọn : A

Câu 4 : Tầng đối lưu có giới hạn dưới 16km, tập trung 90% không khí, nơi sinh ra các hiện tượng khí tượng: mây mưa sấm chớp,…

Chọn : C

Câu 5 : Nhiệt độ trung bình ngày là kết quả tổng cộng nhiệt độ 3 lần trong ngày vào các thời điểm: 5 giờ, 13 giờ, 21 giờ.

Chọn : A

Câu 6 : Do lúc 12h Mặt Trời chiếu xuống mặt đất, mặt đất hấp thụ năng lượng Mặt Trời, đến 13h mặt đất đã hấp thụ nhiều nhiệt và bức xạ vào không khí làm cho không khí nóng dần lên nên không khí nóng nhất vào lúc 13h trưa.

Chọn : B

Câu 7 : Trên Trái Đất gồm tất cả 7 đai khí áp cao và thấp, trong đó có: 4 đai áp cao và 3 đai áp thấp xen kẽ nhau.

Chọn : D

Câu 8 : Trên Trái Đất gồm tất cả 7 đai khí áp cao và thấp, trong đó có: 4 đai áp cao và 3 đai áp thấp xen kẽ nhau.

Chọn : C

Câu 9 : Gió thổi thường xuyên ở đới lạnh là gió Đông cực.

Chọn : B

Câu 10 : Tương ứng với 5 vành đai nhiệt, trên Trái đất cũng có 5 đới khí hậu theo vĩ độ: 1 đới nóng; 2 đới ôn hòa; 2 đới lạnh.

Chọn : A

Tự luận

Câu 1 :

- Khoáng sản là những tích tụ tự nhiên từ các khoáng vật và đá có ích được con người khai thác và sử dụng. (0,5 điểm)

- Dựa vào tính chất và công dụng, khoáng sản được chia làm 3 nhóm:

+ Khoáng sản năng lượng: Than, dầu mỏ, khí đốt,… làm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp năng lượng, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất,… (0,5 điểm)

+ Khoáng sản kim loại: Sắt, Mangan, đồng, chì, kẽm,... dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp luyện kim đen và luyện kim màu. (0,5 điểm)

+ Khoáng sản phi kim loại: Muối mỏ, A –pa –tit, đá vôi,… dùng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón, đồ gốm, sứ, làm vật liệu xây dựng,… (0,5 điểm)

Câu 2 :

- Gió là sự chuyển động của không khí từ các khu khí áp cao về các khu khí áp thấp. (0,5 điểm)

- Các loại gió trên Trái Đất:

+ Tín phong và gió Tây ôn đới là loại gió thổi thường xuyên trên Trái Đất. (0,5 điểm)

+ Tín phong là gió thổi từ các đai áp cao chí tuyến về áp thấp xích đạo. (0,5 điểm)

+ Gió Tây ôn đới là loại gió thổi từ các đai áp cao chí tuyến về các đai áp thấp khoảng vĩ độ 60o. (0,5 điểm)

- Hoàn lưu khí quyển:

+ Sự chuyển động của không khí giữa các đai khí áp cao và thấp tạo thành hệ thống gió thổi vòng tròn gọi là hoàn lưu khí quyển. (0,5 điểm)

+ Tín phong và gió Tây ôn đới tạo thành hai hoàn lưu khí quyển quan trọng nhất trên bề mặt Trái Đất. (0,5 điểm)

Xem thêm các đề thi Địa Lí lớp 6 chọn lọc, có đáp án hay khác: