Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5: Thất nghiệp
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 5: Thất nghiệp sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KTPL 11.
Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 5: Thất nghiệp
1. Khái niệm thất nghiệp
- Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một bộ phận lực lượng lao động muốn làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.
Thất nghiệp có thể xảy ra với bất cứ ai
2. Các loại hình thất nghiệp và nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp
- Có nhiều tiêu chí phân loại thất nghiệp. Căn cứ vào nguồn gốc thất nghiệp, thất nghiệp được chia thành các loại sau:
+ Thất nghiệp tạm thời: là tình trạng thất nghiệp xuất hiện khi người lao động thay đổi công việc hoặc chỗ ở,... chưa xin được việc làm mới nên tạm thời thất nghiệp.
+ Thất nghiệp cơ cấu: là tình trạng thất nghiệp xuất hiện do có sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động, sự dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành trong nền kinh tế hoặc sự thay đổi phương thức sản xuất trong một ngành.
+ Thất nghiệp chu kì: là tình trạng thất nghiệp xuất hiện do tính chu kì của nền kinh tế khi nền kinh tế bị suy thoái hoặc khủng hoảng dẫn đến mức cầu chung về lao động giảm.
- Theo đặc trưng của người thất nghiệp, còn có: thất nghiệp theo giới tính, thất nghiệp theo lứa tuổi; thất nghiệp theo vùng, lãnh thổ; thất nghiệp theo ngành nghề,…
- Theo tính chất thất nghiệp còn có: thất nghiệp tự nguyện; thất nghiệp không tự nguyện; thất nghiệp thời vụ; thất nghiệp trá hình.....
Biểu đồ thể hiện tỉ lệ thất nghiệp theo giới tính ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019
3. Hậu quả của thất nghiệp
- Trong nền kinh tế thị trường, thất nghiệp gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về mặt kinh tế, xã hội:
+ Thất nghiệp làm người lao động không có thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình gặp khó khăn.
+ Thất nghiệp cao làm cho sản lượng của nền kinh tế ở dưới mức tiềm năng, sức mua của nền kinh tế giảm sút, các doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận.
+ Thất nghiệp gây lãng phí lao động xã hội, làm giảm sản lượng của nền kinh tế, dẫn đến suy thoái kinh tế.
+ Thất nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm xuất hiện các tệ nạn xã hội.
Người thất nghiệp xếp hàng để nhận trợ cấp từ chính phủ
4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp
- Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp thông qua việc:
+ Ban hành các chính sách thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm…
+ Phát triển hệ thống dạy nghề, dịch vụ việc làm,…
+ Bảo hiểm thất nghiệp, xuất khẩu lao động.
- Trách nhiệm của học sinh:
+ Học tập, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, việc làm;
+ Thực hiện đúng và tuyên truyền, vận động những người xung quanh ủng hộ, chấp hành những chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
+ Phê phán những hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
Người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp từ bảo hiểm xã hội