Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 9: Văn hóa tiêu dùng
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 9: Văn hóa tiêu dùng sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KTPL 11.
Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 9: Văn hóa tiêu dùng
1. Vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế
- Vai trò của tiêu dùng:
+ Tiêu dùng là đầu ra của sản xuất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.
+ Tiêu dùng góp phần định hướng cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú về số lượng và đảm bảo chất lượng, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Xây dựng văn hóa người Việt dùng hàng Việt
2. Văn hoá tiêu dùng và vai trò của văn hoá tiêu dùng
- Văn hoá tiêu dùng là nét đẹp trong thói quen, tập quán tiêu dùng của cá nhân, nhóm, cộng đồng hình thành, phát triển theo thời gian và biểu hiện qua hành vi tiêu dùng.
- Văn hoá tiêu dùng có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội:
+ Đối với lĩnh vực văn hoá - xã hội: Văn hoá tiêu dùng góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị, chuẩn mực, tập quán tiêu dùng tốt đẹp, bền vững từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc.
+ Đối với lĩnh vực kinh tế: Văn hoá tiêu dùng tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm (tìm hiểu thị hiếu, tâm lí, thói quen của người tiêu dùng), về giá cả (tâm lí tiêu dùng, đối tượng khách hàng của mỗi thị trường khác nhau sẽ cho cách định giá khác nhau ở mỗi sản phẩm), về phân phối (đúng hàng, đúng nơi, đúng thời gian, đảm bảo chi phí tối thiểu) và hỗ trợ thương mại (thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và tạo lợi thế cạnh tranh).
3. Một số đặc điểm trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam và các biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng
a. Đặc điểm văn hoá tiêu dùng Việt Nam
- Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam là những giá trị xã hội tốt đẹp trong tiêu dùng, được tích luỹ theo thời gian, hình thành nên nhận thức và niềm tin, được phản ánh một phần qua hành vi và quyết định tiêu dùng, là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội gắn với bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
- Một số đặc điểm cơ bản văn hoá tiêu dùng Việt Nam:
+ Tính kế thừa: Văn hoá tiêu dùng Việt Nam có sự kế thừa truyền thống của dân tộc, mang bản sắc văn hoá Việt Nam,
+ Tính giá trị: Văn hoá tiêu dùng Việt Nam hướng tới giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mĩ.
+ Tính thời đại: Thói quen, hình thức, cách thức thanh toán đa dạng, phù hợp với sự phát triển của văn hoá tiêu dùng Việt Nam.
+ Tính hợp lý: Người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, chi tiêu có kế hoạch, phù hợp với nhu cầu bản thân và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Người trẻ Việt gìn giữ bản sắc dân tộc
b. Các biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng
- Để xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam, mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội cần phải:
+ Đẩy mạnh tuyên truyền các nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước;
+ Học tập văn hoá tiêu dùng văn minh và tích cực quảng bá văn hoá tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.