SBT Ngữ văn 12 Tuyên ngôn độc lập - Cánh diều


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Văn 12 Tuyên ngôn độc lập sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Tuyên ngôn độc lập - Cánh diều

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Nêu một số kiến thức lịch sử giúp em hiểu thêm văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trả lời:

- Lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ (từ năm 1930 đến 1945), những sự kiện lớn như các chính sách cai trị thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam; Nguyễn Ái Quốc với việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương; phát xít Nhật vào xâm lược Đông Dương; Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và sự sụp đổ của phe Đức, Ý, Nhật,...

- Kiến thức lịch sử về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến 1945.

- Các bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (1791).

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Tính chất của bản Tuyên ngôn Độc lập khác với văn bản Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp như thế nào?

Trả lời:

Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn bản nghị luận nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo nhằm tuyên bố với quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới về quyền độc lập dân tộc của Việt Nam; còn văn bản Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp là văn bản thông tin do tác giả sách giáo khoa biên soạn giới thiệu những thông tin cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giúp HS hiểu các tác phẩm thơ văn của Người.

Câu 3 trang 3 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Phân tích lô gích lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập theo trình tự: Mở đầu nêu luận đề gì? Phát triển luận đề bằng các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng như thế nào? Kết thúc ra sao?

Trả lời:

Lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập theo lô gích sau:

- Mở đầu khẳng định: Mọi người / mọi dân tộc đều có quyền bình đẳng (luận đề)

- Tiếp theo, phát triển luận đề bằng các luận điểm với các lí lẽ, bằng chứng: a) Chứng minh suốt hơn 80 năm thực dân Pháp đã tước quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam trên mọi phương diện cuộc sống; b) Từ mùa thu năm 1940 nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp.”.

- Kết thúc: Tuyên bố quyền độc lập dân tộc và lòng quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc; kêu gọi thế giới công nhận quyền độc lập của Việt Nam.

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Chỉ ra và làm rõ thành công về nghệ thuật của bản Tuyên ngôn từ các phương diện: từ ngữ, biện pháp tu từ, cấu trúc câu, câu khẳng định và câu phủ định.

Trả lời:

– Từ ngữ: thuần Việt, giản dị, trong sáng, dễ hiểu.

– Biện pháp tu từ: sử dụng nhiều biện pháp tu từ đa dạng và hiệu quả:

+ Liệt kê, điệp từ ngữ và cấu trúc (“Về chính trị... Chúng thi hành những pháp luật dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc... Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học... Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu, cồn..”, “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ... Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí... Chúng không cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.”).

+ Lặp cấu trúc (“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”).

+ Hoán dụ, ẩn dụ (“Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”).

- Câu khẳng định và phủ định: hầu như đại đa số các câu văn trong bản Tuyên ngôn đều diễn đạt bằng câu khẳng định (“Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”) và câu phủ định (“tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.”).

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Những đặc điểm nổi bật của văn nghị luận đã được thể hiện như thế nào trong bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

– Tính luận chiến thể hiện ở những lí lẽ và bằng chứng nêu lên trong bản Tuyên ngôn với từ ngữ và lời văn như chất vấn, kết tội kẻ thù: “Chúng thi hành những luật pháp dã man... Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học... Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã “bán” nước ta hai lần cho Nhật...”.

– Tính cảm xúc thể hiện ở từ ngữ, lời văn khi thì dạt dào tình cảm, cảm xúc, lúc thì sục sôi, quyết liệt,...

+ “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”

+ “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Câu 6 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Theo em, bản Tuyên ngôn Độc lập có chung tư tưởng và cảm hứng gì so với hai tác phẩm Sông núi nước Nam (khuyết danh) và Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi). Từ đó, khái quát ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập.

Trả lời:

– Bản Tuyên ngôn Độc lập có chung tư tưởng và cảm hứng so với hai tác phẩm Sông núi nước Nam và Đại cáo bình Ngô như sau:

+ Tràn đầy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc,...

+ Thể hiện tinh thần quyết tâm, không chịu cuộc sống nô lệ, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

+ Thể hiện rõ tinh thần nhân ái, “đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo.”.

- Từ đó có thể thấy: Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh tư tưởng không chịu sống quỳ, ý chí quyết tâm giữ gìn độc lập dân tộc và tinh thần yêu nước, nhân ái, nhân văn của truyền thống dân tộc từ ngàn xưa.

Câu 7 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ nổi bật trong bản Tuyên ngôn Độc lập.

Trả lời:

Một trong những biện pháp tu từ nổi bật trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là điệp từ. Cụ thể, từ “chúng” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn văn mô tả tội ác của thực dân Pháp:

"Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta…"

Tác dụng của điệp từ “chúng”:

- Nhấn mạnh sự tàn ác: Việc lặp lại từ “chúng” liên tục giúp nhấn mạnh sự tàn ác và vô nhân đạo của thực dân Pháp, tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc trong lòng người đọc.

- Tạo nhịp điệu mạnh mẽ: Điệp từ tạo nên một nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ, góp phần làm tăngtính hùng hồn và quyết liệt của bản tuyên ngôn.

- Khẳng định lập trường: Việc sử dụng điệp từ “chúng” cũng thể hiện rõ lập trường kiên quyết và không khoan nhượng của dân tộc Việt Nam đối với kẻ thù xâm lược.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 6: Thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác: