SBT Ngữ văn 12 Bài tập 4 trang 15 - Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 4 trang 15 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Bài tập 4 trang 15 - Kết nối tri thức

Bài tập 4 trang 15 SBT Ngữ văn 12 Tập 1: Đọc lại văn bản Năng lực sáng tạo của Phan Đình Diệu trong SGK Ngữ văn 12, tập một (tr. 69), đoạn từ “Xưa nay, khi nói đến sáng tạo, thường ta chỉ xem đó là hoạt động riêng của một lớp người” đến “biết quên đi nhiều điều mà mình đã biết để luôn có một trí tuệ nguyên lành với đôi mắt tươi sáng” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Ý nào trong đoạn văn khái quát được chủ đề của cả đoạn? Các ý khác có vai trò như thế nào trong việc làm nổi bật chủ đề?

Trả lời:

Trong đoạn văn, ý sau đây có tính chất khái quát chủ đề của cả đoạn: Với nền kinh tế mới (kinh tế tri thức), mọi người đều tham gia sáng tạo và có năng lực sáng tạo. Các ý khác trong đoạn văn có chức năng làm nổi bật chủ đề:

- Trong bối cảnh “kinh tế tri thức” phát triển, năng lực sáng tạo là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh, nhưng phải chăng khả năng cạnh tranh đó chỉ có thể tạo nên bởi tầng lớp trí thức? Câu trả lời ở đây là: không chỉ các nhà trí thức mới cần có năng lực sáng tạo.

- Tiếp đó là một ý có tính chất khẳng định:“năng lực sáng tạo để làm nên sự giàu có và sức cạnh tranh của nền kinh tế mới phải là từ mọi thành phần của nền kinh tế đó, tức là từ mọi người trong xã hội”.

- Phần sau của đoạn văn có ý diễn giải sâu thêm về chủ đề: “Đổi mới tư duy” đòi hỏi trước hết phải xác lập niềm tin đó (Anh là người sáng tạo, tôi là người sáng tạo, mỗi người đều sáng tạo; sáng tạo, có năng lực sáng tạo là thuộc tính tự nhiên của con người).

Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Những thao tác nghị luận nào đã được tác giả sử dụng trong đoạn văn?

Trả lời:

Trong đoạn văn, tác giả đã sử dụng một số thao tác, thể hiện cụ thể:

- Bác bỏ quan điểm cho rằng sáng tạo là hoạt động riêng của tầng lớp người được gọi là “trí thức”.

- Giải thích để làm rõ hoạt động sáng tạo là của mọi người, ai cũng có thể và cần phải sáng tạo.

- Phân tích mười chìa khoá hàng đầu (tức là những cách thức cụ thể) phát triển năng lực sáng tạo của cá nhân.

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Đoạn văn cho thấy tác giả đã có sự thay đổi như thế nào trong nhận thức của bản thân về chủ thể hoạt động sáng tạo? Sự thay đổi đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Đoạn văn cho biết, việc thay đổi nhận thức từ chỗ xem sáng tạo gắn với hoạt động riêng của tầng lớp trí thức sang quan niệm “mọi người đều tham gia sáng tạo” và “có năng lực sáng tạo” trước hết là của chính tác giả. Đó là kết quả của quá trình đổi mới tư duy của người nghiên cứu, diễn ra trong bối cảnh xuất hiện khái niệm “kinh tế tri thức”. Sự thay đổi này rất có ý nghĩa. Với tác giả, đó là một bước tiến của nhận thức, nhờ vậy, trong tư cách một nhà khoa học, tác giả sẽ phát huy tầm ảnh hưởng để kích thích khả năng sáng tạo của nhiều người, trong những lĩnh vực khác nhau. Nhận thức này cũng có thể giúp người đọc củng cố niềm tin vào bản thân, để họ có thể phát huy khả năng sáng tạo trong phạm vi công việc của mình.

Câu 4 trang 15 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Theo tác giả, vì sao trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, mọi người đều có năng lực sáng tạo và đều cần tham gia sáng tạo?

Trả lời:

Theo tác giả, trong thời đại có sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, mọi người đều tham gia sáng tạo và có năng lực sáng tạo bởi:

- Sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, đòi hỏi con người phải không ngừng sáng tạo để có được những sản phẩm vượt trội, độc đáo.

- Trong nền kinh tế tri thức, công nghệ thường xuyên thay đổi. Sự sáng tạo giúp con người thích ứng nhanh chóng với những biến đổi này để có thể tận dụng cơ hội mới.

- Nền kinh tế mới thường khuyến khích sự sáng tạo cộng đồng, trong đó mọi người có thể chia sẻ ý tưởng và hợp tác để tạo ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp.

Câu 5 trang 15 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Tác giả cho rằng, trong việc phát triển năng lực cá nhân, niềm tin vào khả năng sáng tạo của bản thân được xem là “chìa khoá quan trọng số một”. Bạn có đồng tình với ý kiến đó không? Vì sao?

Trả lời:

Hiện nay, năng lực tự chủ của con người luôn được đề cao, bởi nó quyết định nhiều vấn đề có liên quan. Trong phạm vi vấn đề được đặt ra ở đây, cần xem xét mối quan hệ của cái “chìa khoá quan trọng số một” đó với chín “chìa khoá” khác được liệt kê trong đoạn văn để lí giải một cách có cơ sở.

Theo quan niệm của tác giả, trong việc phát triển năng lực của cá nhân, niềm tin vào khả năng sáng tạo của bản thân được xem là “chìa khoá quan trọng số một” vì:

- Niềm tin vào khả năng sáng tạo khích lệ cá nhân tìm kiếm giải pháp mới để giải quyết vấn đề một cách độc đáo. Điều này có thể dẫn đến việc phát triển ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.

- Niềm tin vào khả năng sáng tạo giúp con người tăng cường khả năng vượt qua những khó khăn, thách thức để hành động theo mục tiêu đã xác định.

- Khi người ta tin là có khả năng sáng tạo thì sẽ dám thử nghiệm những ý tưởng mới, nhờ đó, sẽ tự khám phá và phát triển tiềm năng của mình.

- Niềm tin vào khả năng sáng tạo sẽ tạo ra một môi trường tích cực và động lực cho sự phát triển cá nhân. Cảm giác tự do thể hiện ý tưởng và nhận được sự đánh giá tích cực có thể khuyến khích con người tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 3: Lập luận trong văn bản nghị luận hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: