Top 20 Thuyết minh về cảnh quan thiên nhiên ở vùng núi phía Bắc
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 20 bài văn thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên: cảnh quan thiên nhiên ở vùng núi phía Bắc hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
Top 20 Thuyết minh về cảnh quan thiên nhiên ở vùng núi phía Bắc (siêu hay)
Văn bản thuyết minh về cảnh quan thiên nhiên ở vùng núi phía Bắc - mẫu 1
Sa Pa là một điểm du lịch cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng hơn 30 km. Nằm ở độ cao trung bình 1500 – 1800 m so với mặt nước biển, Thị Trấn Sapa luôn chìm trong làn mây bồng bềnh, tạo nên một bức tranh huyền ảo đẹp đến kỳ lạ. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, với nhiệt độ trung bình 15-18°C.
Khách du lịch đến đây không chỉ để tận hưởng không khí trong lành, sự yên bình giản dị của một vùng đất phía Tây Bắc, mà Sapa còn là điểm đến để bạn chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của những ruộng bậc thang, thác nước, những ngọn vúi hùng vĩ, khám phá những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên núi như : H’Mong đen, Dzao đỏ, Tày, Dzáy…
Sapa có đỉnh Fanxipang cao 3.143 m trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Gọi Hoàng Liên Sơn, bởi duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra dãy Hoàng Liên còn là mỏ của loài gỗ quý như thông dầu, của bao chim thú, như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và của hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ Việt Nam. Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.
Sapa có Núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn, bất kỳ du khách nào cũng có thể lên đó để ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sapa. Và, nếu ai đã đến Thạch Lâm (Vân Nam, Trung Quốc) thì Hàm Rồng cũng có thể giúp các bạn tưởng tượng là Thạch Lâm được. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Sa Pa còn có nhà thờ cổ ở ngay thị trấn và từ thị trấn đi ngược về hướng đông bắc, trên đường đi tới động Tả Phìn lại có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Qua tu viện đi bộ ba cây số theo hướng bắc ta đến một hang động với độ rộng có thể đủ chứa một số lượng người cỡ trung đoàn của quân đội. Trong hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh. Tại Tả Phìn này với hai tộc người là Mông và Dao đã tạo nên cơ sở sản xuất mặt hàng thổ cẩm xuất bán cho cả nước và nước ngoài khá nổi tiếng.
Đặc biệt thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được những thông tin đó. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia và đang được Nhà nước ta đề nghị xếp hạng di sản thế giới. Chúng ta ngước nhìn lên Thác Bạc từ độ cao trên 200 m những dòng nước đổ ào ào tạo thành âm thanh núi rừng và mưa xuân. Sapa là “vương quốc” của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng…đặc biệt là hoa bất tử sống mãi với thời gian.
Chợ phiên của Sapa họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sapa). Người dân ở vùng xa phải đi từ ngày thứ bẩy. Vào tối thứ bảy mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Mông, người Dzao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Mông, bằng những bát rượu tràn đầy của những người có tuổi…và người ta đã đặt cho nó là “chợ tình”.
Nhờ được tạo hóa ưu ái mà thiên nhiên Sapa hiện lên như một bức tranh tiên cảnh đầy tráng lệ nhưng cũng không kém phần thơ mộng níu chân bao du khách.
Văn bản thuyết minh về cảnh quan thiên nhiên ở vùng núi phía Bắc - mẫu 2
Thác Dải Yếm ở thị trấn Mộc Châu, Sơn La, hay còn gọi là thác Nàng, thác Bản Vặt, nhằm ví vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn. Cũng có một cách giải thích về cái tên Dải yếm, theo truyền thuyết, thác chính là dải yếm của cô gái khi cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước lũ. Cách trung tâm thị trấn Mộc Châu chưa đầy 10km, vẻ đẹp của thác Dải Yếm cũng như những câu chuyện xoay quanh dòng thác này luôn cuốn hút du khách khi đến với Mộc Châu.
Thác Dải Yếm nằm trên dòng suối Vặt, khởi nguồn từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu ở đầu bản Vặt. Suối Vặt chảy khoảng 5km rồi hợp lưu với suối Bó Sập ở bản Bó Sập, gặp vùng núi đá vôi và đổ xuống tạo thành thác Dải Yếm.
Thác Dải Yếm có độ cao khoảng 100m, được chia thành hai phần: phần thác phía trên gồm 9 tầng, còn phần thác phía dưới gồm 5 tầng. Hai phần thác này cách nhau nhau bởi một bãi đất phẳng, thuận tiện cho việc tham quan, chiêm ngưỡng toàn bộ vùng thác hùng vĩ này.
Có lẽ bạn sẽ thắc mắc từ đâu ngọn thác này lại cái tên mỹ miều đến thế. Tương truyền, khi xưa nơi đây chứng kiến một chuyện tình buồn của một đôi trai gái sinh sống ở bản làng gần dòng thác. Một ngày, người trai theo tiếng gọi của non sông, lên đường chinh chiến ở bên Lào và không may tử trận. Trước khi đi, họ đã gặp nhau ở đỉnh thác và hẹn thề chung thủy, chờ ngày sum họp cũng tại nơi này. Thế nhưng, ước nguyện không thành. Chàng trai mãi mãi không về, để lại cô gái ngày ngày tìm ra dòng thác đứng trông ngóng người yêu.
Với những người thích cảm giác mạnh thì đến thác vào mùa nước sẽ thích thú với âm thanh ào ào, dòng nước chảy cuộn. Thác nước rộng chảy mạnh đổ từ trên cao xuống, tung bụi nước vào người đem lại cảm giác mát lạnh. Còn với những người đam mê nhiếp ảnh như anh Vũ Thành Công thì thác nước mùa khô lại có sức hấp dẫn riêng: Tôi thích vào mùa khô hơn thứ nhất tôi chụp ảnh thì không bị bụi nước. Còn về góc độ kỹ thuật chụp ảnh thì thích chụp ở chế độ phới sáng tức là tốc độ chậm để tạo được dòng nước như sợi chỉ mềm, chảy xuống mềm mại xốp như mây. Vậy vào mùa đó chụp thác sẽ cho ra những tác phẩm được ví như bồng lai tiên cảnh.
Dòng nước đêm ngày đổ xuống tung những bụi nước trắng xóa, không chỉ mang đến cho du khách sự thích thú trước một khung cảnh kỳ vĩ của đất trời mà còn đem lại một cảm giác sảng khoái khi được hòa mình vào những ngọn gió mang hơi nước mát lành. Hãy một lần đến đây để cảm nhận vẻ đẹp mềm mại của những thác nước Dải Yếm hoang sơ giữa núi rừng Tây Bắc.
Thác Dải Yếm là điểm du lịch bổ ích, đường nhựa quốc tế Việt Lào theo ven suối Sập qua bản Bó Sập tới cửa khẩu nườm nượp xe máy, ô tô qua lại đông vui. Du khách dừng chân thưởng ngoạn, hóng mát nơi đây, giảm bớt mệt nhọc, mát mẻ sảng khoái tiếp tục cuộc hành trình mới. Những đôi bạn trẻ đang yêu nhau thì đến đây tìm kiếm giây phút lãng mạn, đứng tựa vào nhau cầu mong được Cô gái và Chàng trai phù hộ cho tình yêu của họ được đơn hoa kết trái, đi bên nhau trọn cuộc đời.
Văn bản thuyết minh về cảnh quan thiên nhiên ở vùng núi phía Bắc - mẫu 3
“Tây Tiến” được sáng tác năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, một làng nhỏ ven sông Đáy hiền hòa, được xem là tác phẩm tiêu biểu cho đời thơ của Quang Dũng và cũng là một thi phẩm đặc sắc viết về người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Trước và sau Tây Tiến đã có biết bao chân dung người lính được tạc vào dòng chảy bất tận của văn chương nước nhà nhưng những chàng trai Tây Tiến vẫn có một cái gì đó rất riêng. Những nét riêng ấy không chỉ toát ra từ tâm hồn hào hoa đa tình lãng mạn của những chàng trai trẻ đất Hà thành năm ấy mà chính thiên nhiên Tây Bắc đã góp phần giúp họ làm nên dáng vẻ độc, lạ, ấn tượng và cũng rất đỗi hiên ngang kiêu hùng trên mỗi bước đường hành quân. Cho nên đọc Tây Tiến không chỉ để hiểu thêm về chân dung những người đồng đội của Quang Dũng mà còn được đắm mình vào thiên nhiên Tây Bắc để cảm nhận tất cả vẻ đẹp hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ của nó.
Thiên nhiên Tây Bắc từ trong hiện thực đi vào thơ văn hình như không bao giờ mất đi những vẻ đẹp vốn có của nó. Vẫn là nét hùng vĩ dữ dội toát lên từ những đỉnh núi cao vời vợi, cao chạm đến trời; toát lên từ những cung đường quanh co uốn lượn giữa muôn ngàn núi non trùng điệp với những triền dốc cheo leo. Nhưng cách mà Quang Dũng miêu tả mới thật là ấn tượng bởi những câu thơ được xem là tuyệt bút:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha luông mưa xa khơi”
Những từ láy: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” như gợi lên đầy đủ đặc điểm của rừng núi Tây Bắc sâu thẳm ngút ngàn và vẽ ra một khung cảnh thật hùng vĩ. Trong câu chữ hiện ra hình ảnh những con dốc ngoằn ngoèo trong cái địa thế vô cùng hiểm trở của những dốc núi dựng đứng với “ngàn thước lên cao” rồi bất ngờ đổ xuống “ngàn thước xuống” thành những vực sâu thăm thẳm gợi cảm giác địa hình đứt gãy đột ngột đến ghê rợn. Không gian vì thế cũng trở nên hoang sơ, hùng vĩ biết bao.
Nhưng Tây Bắc đâu chỉ có cảnh dốc nối dốc, đèo nối đèo mà trên dọc đường hành quân của những chàng trai Tây Tiến, họ cũng bắt gặp những khoảnh khắc nên thơ của núi rừng Tây Bắc. Từ trên đỉnh Pha Luông vời vợi, khung cảnh bản làng chìm lấp ẩn hiện giữa cơn mưa rừng mờ mịt đến mênh mông tạo cảm giác thật bâng khuâng, mát dịu đến nao lòng.
Có thể nói, vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây Bắc không chỉ đến từ sự cảm nhận tinh tế của Quang Dũng mà trở nên thật ấn tượng bởi ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ đa tài: tài dùng ngôn ngữ, tài “gieo rắc” thanh điệu đến bất ngờ để rồi từ đó cảnh vật hiện ra như vẽ, âm hưởng ngân lên như nhạc. Đường nét vừa gân guốc vừa mềm mại theo âm điệu bằng trắc làm cho thiên nhiên Tây Bắc hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
Núi rừng Tây Bắc còn là nơi ẩn chứa vô vàn những điều kì thú làm say lòng những tâm hồn lãng mạn của những chàng trai Tây Tiến.
Chinh chiến qua nhiều vùng đất, mỗi địa danh, mỗi tên gọi đều gợi lại biết bao kỉ niệm. Nhớ đến Sài Khao với cảnh sương núi chập chùng qua câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Và Mường Lát thì “hoa về trong đêm hơi”. Dù hoa rừng hay sương núi quyện lại thì đều khiến cho Tây Bắc trở nên thật diệu kì với cảnh hoa nở về đêm.
Còn đặt chân đến Mường Hịch cùng với sự luân chuyển tuần hoàn của thời gian chiều chiều, đêm đêm giữa núi rừng miền Tây hoang dã lại càng cảm nhận hết vẻ bí hiểm dữ dội của thiên nhiên với những âm thanh của “thác gầm thét”, với bóng dáng lởn vởn của những vị chúa tể sơn lâm xuất hiện để “trêu người”. Nhưng tất cả dường như chỉ để thử thách ý chí can trường của những chàng trai Tây Tiến mà thôi. Thiên nhiên càng dữ dội, chân dung người lính càng hiện ra một cách hào hùng bởi thiên nhiên ấy luôn làm phông nền để nổi bật con người. Thiên nhiên ấy là một phần trong họ nên thật gần gũi thân thương.
Đến với Tây Bắc, người đọc càng không quên vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất Châu Mộc. Khung cảnh bàng bạc với hình ảnh lau lách ngút ngàn trong sương chiều gió núi. Với những bông hoa rừng đong đưa bên bờ suối bên những dòng nước lũ. Cái thực cái ảo quyện vào nhau; cái gân guốc, cái mềm mại được đặt cạnh nhau.
Câu chữ của Quang Dũng, từ: chiều sương ấy, hồn lau, đong đưa... cho đến âm hưởng luyến láy trong những cấu trúc: có thấy...; có nhớ... đã lột tả được những đường nét, màu sắc lẫn linh hồn của tạo vật. Cảnh vật vừa sống động vừa thấp thoáng nét hoài niệm đậm chất cổ điển mà cũng rất hiện đại. Cảnh thực mà như mộng trong thế giới nhớ thương của thi nhân thật lưu luyến lòng người.
Có thể nói, miền đất Tây Bắc, nơi địa đầu của Tổ quốc, đã bao lần đi vào trong thơ văn nhạc họa. Nhưng với “Tây Tiến” vẫn lưu lại những ấn tượng rất riêng trong lòng bạn đọc bởi thiên nhiên ấy được viết nên bởi một tâm hồn lãng mạn và một tình cảm đắm say của người lính. Tây Tiến có thể xem là một trong những bài thơ “đi cùng năm tháng” và cảm tưởng như theo thời gian, Tây Tiến càng để lại cũng cảm xúc mặn mà hơn trong lòng bạn đọc – một bài thơ được dệt nên từ niềm thương nỗi nhớ trong lòng Quang Dũng khi hướng về đồng đội và núi rừng Tây Bắc một thời gắn bó.