10+ Bài văn nêu lên điểm giống nhau và khác nhau giữa bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và bài thơ Tây Tiến
nêu lên điểm giống nhau và khác nhau giữa bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và bài thơ Tây Tiến hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
10+ Bài văn nêu lên điểm giống nhau và khác nhau giữa bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và bài thơ Tây Tiến
Đề bài: Viết bài văn nêu lên điểm giống nhau và khác nhau giữa bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu) và bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng).
Bài văn nêu lên điểm giống nhau và khác nhau giữa bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và bài thơ Tây Tiến - mẫu 1
Viết về hình tượng người lính, đã có không ít những tác phẩm văn học khai thác về chủ đề này. Viết về người lính có bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Ở hai tác phẩm, người lính hiện lên mang những nét anh dũng, kiên cường nhưng ở họ cũng có nét độc đáo riêng biệt.
Đầu tiên, xét về điểm giống nhau, hình tượng người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc và hình tượng người lính Tây Tiến đều mang vẻ đẹp sử thi, ấy là vẻ đẹp người anh hùng thời đại, họ dũng cảm, kiên cường và mạnh mẽ, vượt qua mọi thiếu thốn vật chất, họ vẫn mang khí thế anh hùng. Thứ nữa, người lính được các tác giả dành một tình cảm tự hào, ngưỡng mộ nhưng cũng tiếc thương vô hạn. Nếu ở Tây Tiến đó là nỗi xót thương trước sự hy sinh, mất mát của người lính “Áo bào thay chiếu anh về đất”, họ hy sinh ngay giữa núi rừng, không một nén hương hay cỗ quan tài, thì ở Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tác giả lại thể hiện lòng thương xót cho những hy sinh mất mát của bao người nghĩa sĩ “hỡi ôi thương thay!”, giờ đây người còn sống chỉ biết tiếc thương trước linh hồn của người đã mất. Bên cạnh đó, ở những người lính đều được các tác giả thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao đẹp. Ở họ luôn mang một lòng nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, ý thức trách nhiệm cùng tinh thần hào hiệp, dũng cảm xả thân vì nghĩa lớn, vì độc lập Tổ quốc.
Giống nhau là vậy nhưng hình tượng người chiến sĩ ở hai tác phẩm đều có nét riêng biệt. Đầu tiên, xét về nguồn góc xuất thân, người nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là người nông dân nghèo bị áp bức, bị bóc lột và chứng kiến cảnh đất nước rơi vào tay giặc trong khi quan quân triều đình thì lại làm ngơ. Họ không được giáo dục về tư tưởng yêu nước như qua sách vở, không được rèn luyện binh đao. Tinh thần yêu nước của họ xuất phát từ tinh thần tự cường dân tộc và lòng căm thù trước sự tàn bạo của kẻ thù. Đây chính là điểm khác biệt với người lính Tây Tiến, họ xuất thân từ tầng lớp trí thức trẻ Hà Nội, tạm gác bút nghiên ra tiền tuyến chống giặc. Ở họ đã được tôi luyện lý tưởng của Đảng và sức mạnh ý chí, được thấm nhuần lòng yêu nước thông qua sách vở. Cũng chính từ hoàn cảnh xuất thân khác biệt mà hình tượng người lính hiện lên cũng thật độc đáo. Nếu vẻ đẹp của người chiến sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hiện lên từ vẻ ngoài chân chất, mộc mạc và có phần bộc trực của người dân Nam Bộ. Họ sống tự nhiên, phóng khoáng, yêu ghét rạch ròi như chính mảnh đất nơi này, thì người lính Tây Tiến lại mang nét đẹp hào hoa, lãng tử của những chàng trai Hà thành tuổi đôi mươi, nét phóng khoáng, lạc quan của tuổi trẻ. Trong gian khổ họ vẫn giữ được nét đẹp của tuổi trẻ “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, đó là ánh mắt của tuổi trẻ, ánh mắt của sự hào hoa và khát vọng. ”Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” – hình bóng những nàng thơ vẫn luôn phảng phất trong tâm hồn người chiến sĩ. Dẫu trước bao gian khó là vậy, tâm hồn họ vẫn không trở nên khô cằn, sỏi đá mà vẫn mang nét hào hoa, lãng tử tuổi đôi mươi.
Qua hai tác phẩm, với những giá trị nghệ thuật đặc sắc và những hình ảnh mang đậm chất sử thi, hình tượng người lính hiện lên thật dũng mãnh, kiên cường, bất khuất và đặc biệt, ở họ vẫn hiện lên nét nổi bật của chính con người họ, những tàn khốc của chiến trường cũng không làm họ đánh mất bản chất con người của mình. Hai tác phẩm đã xây dựng lên bức tượng đài bất khuất, kiên trung.