Bài 24: Quê ngoại - Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 24: Quê ngoại sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Bài 24.
Bài 24: Quê ngoại - Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức
Đọc: Quê ngoại trang 109, 110
Nội dung chính Quê ngoại:
Văn bản đề cập đến quê ngoại của Ki-a. Quê ngoại của Ki-a ở làng Chùa, nơi đây rất đẹp. Ki-a được mẹ kể cho nghe về kỉ niệm thuở ấu thơ. Sau khi trở về từ chuyến thăm quê, Ki-a thường mơ thấy mình đang ở quê ngoại. Qua đó cho thấy tình cảm của Ki-a với quê hương rất sâu đậm, rất tha thiết và mong nhớ.
* Khởi động
Câu hỏi trang 109 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Khi nghĩ về quê nội hoặc quê ngoại của mình, em thường nhớ tới điều gì? Chia sẻ với các bạn một vài kỉ niệm của em về nơi đó.
Trả lời:
Khi nghĩ về quê nội, em nhớ đến những chiều cũng lũ bạn thả diều trên triền đê. Quê của em có dòng sông nhỏ trôi lững lờ, có cánh đồng lúa chín vàng nặng trĩu hạt. Xa xa là bờ đê dài tít tắp. Mỗi buổi chiều mát, em và lũ bạn thường cùng nhau rong ruổi trên bờ đê. Nào là chơi chọi gà cỏ, chơi bịt mắt bắt dê,... nhưng thú vị nhất là chơi thả diều. Những cánh diều bay cao bay xa xít tắp trên trời cao như ước mơ tuổi thơ của chúng em cũng được chắp cánh vậy.
* Đọc văn bản
Quê ngoại
Làng Chùa là quê ngoại của Ki-a. Ki-a không bao giờ hình dung ra quê ngoại như vậy. Những ngôi nhà nhỏ bình yên, cánh đồng lúa rộng lớn, dòng sông Đáy dài vô tận, những ao hồ nở đầy hoa sen. Có một điều Ki-a không thể nào quên là ai ở đó cũng tươi cười và yêu quý em.
Mẹ của Ki-a kể khi mẹ còn nhỏ, cứ vào dịp nghỉ hè là mẹ lại được ông ngoại đưa ra đê thả diều, lấy lá dứa dại làm những chiếc chong chóng và những chiếc kèn thổi vang trên mặt đê trong những chiều mùa hạ.
Sau chuyến thăm quê ngoại trở về nước Mỹ, Ki-a cảm thấy mình thật giàu có vì có thêm một quê hương. Em kể cho các bạn biết mình vừa có một chuyến đi rất xa để đến một ngôi làng ở Việt Nam. Ngôi làng đó là quê ngoại của em đấy.
Thi thoảng trong giấc ngủ, Ki-a lại mơ thấy mình đang ở quê ngoại. Tỉnh giấc, Ki-a chỉ muốn ngủ tiếp để lại nhìn thấy quê ngoại trong giấc mơ, được gặp những người làng Chùa, được ngắm cánh đồng, dòng sông và dãy núi tím xa. Thế mà có lúc thấy Ki-a tỉnh giấc trong đêm, mẹ không biết em vừa mơ về quê ngoại, lại bảo: “Cún con ngủ đi chứ!”. Những lúc như thế, Ki-a tự hỏi: “Mẹ có mơ về quê ngoại như mình không nhỉ?”. Và chỉ vừa đặt câu hỏi trong đầu thì Ki-a đã ngủ thiếp đi cho tới tận sáng hôm sau.
(Theo Nguyễn Quang Thiều)
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Ki-a sống ở đâu và quê ngoại của Ki-a ở đâu?
Trả lời:
Ki-a sống ở nước Mỹ và quê ngoại của Ki-a ở làng Chùa, Việt Nam.
Câu 2 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Những hình ảnh nào trong bài cho thấy quê ngoại của Ki-a rất đẹp?
Trả lời:
Những hình ảnh trong bài thơ cho thấy quê ngoại của Ki-a rất đẹp là: Những ngôi nhà nhỏ bình yên, cánh đồng lúa rộng lớn, dòng sông Đáy dài vô tân, những ao hồ nở đầy hoa sen.
Câu 3 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Ki-a được mẹ kể cho nghe những kỉ niệm nào về tuổi thơ ở làng Chùa?
Trả lời:
Ki-a được mẹ kể cho nghe về kỉ niệm được ông ngoại đưa ra để thả diều, lấy lá dứa dại làm những chiếc chong chóng và những chiếc kèn thổi vang trên mặt đê.
Câu 4 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Ki-a thường mơ thấy những gì về quê ngoại? Những giấc mơ đó nói lên điều gì về tình cảm của Ki-a với quê hương?
Trả lời:
Ki-a thường mơ thấy mình đang ở quê ngoại, được gặp những người làng Chùa, được ngắm cánh đồng, dòng sông và dãy núi tím xa.
Những giấc mơ đó nói lên tình cảm của Ki-a với quê hương rất sâu đậm, rất tha thiết và mong nhớ.
Câu 5 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Câu chuyện “Quê ngoại” gợi cho em cảm nghĩ gì về tình cảm của mỗi người đối với quê hương?
Trả lời:
Câu chuyện “Quê ngoại" gợi cho em cảm nghĩ tình cảm của mỗi người đối với quê hương là tình cảm rất thiêng liêng, cao quý. Tình cảm ấy không cần ai dạy, không cần tạo dựng cũng có sẵn trong mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Dòng tình yêu quê hương ấy như một ngọn lửa âm ỉ, được truyền từ thời cha ông đến chúng ta, luôn day dứt, khắc khoải trong lòng khiến mỗi người con, đặc biệt là người con xa quê tha thiết được về thăm quê hơn bao giờ hết.
* Luyện tập theo văn bản đọc
Câu 1 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm từ có nghĩa trái ngược với mỗi từ dưới đây:
Trả lời:
- Xa xôi: gần gũi
- Rộng lớn: nhỏ bé, hạn hẹp
- Bình yên: loạn lạc, ồn ào
Câu 2 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Viết 2 – 3 câu về quê hương, trong đó có sử dụng một cặp từ có nghĩa trái ngược nhau.
Trả lời:
Tình cảm của mỗi người đối với quê hương là tình cảm rất to lớn, thiêng liêng, cao quý. Tình cảm ấy không cần ai dạy, không cần tạo dựng cũng có sẵn trong mỗi người dân Việt Nam dù là người trẻ hay người già..... Nó luôn day dứt, khắc khoải trong lòng khiến mỗi người con, đặc biệt là người con xa quê tha thiết được về thăm quê dù là trong khoảng khắc nhỏ bé.
Cặp từ trái nghĩa: người trẻ - người già; to lớn – nhỏ bé
Viết: Trả bài văn miêu tả cây cối trang 110, 111
Câu 1 trang 110 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nghe thầy cô nhận xét chung.
- Bố cục
- Trình tự miêu tả
- Cách quan sát cây và lựa chọn đặc điểm tả
- Từ ngữ miêu tả, các biện pháp so sánh, nhân hoá
- Diễn đạt, chính tả,...
Trả lời:
Em lắng nghe thầy cô nhận xét chung và ghi lại những nhận xét cần chỉnh sửa.
Câu 2 trang 111 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc hoặc nghe đọc những bài của các bạn được thầy cô khen, ghi lại những điều em muốn học tập.
Trả lời:
Em đọc hoặc nghe đọc những bài của các bạn được thầy cô khen, ghi lại những điều em muốn học tập dựa vào gợi ý.
Câu 3 trang 111 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Chỉnh sửa.
- Đọc lại bài làm của em và nhận xét của thầy cô; tự sửa các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,... (nếu có).
- Viết lại một đoạn cho hay hơn.
Trả lời:
Em tiến hành chỉnh sửa bài.
Đọc mở rộng trang 111
Câu 1 trang 111 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc một bài thơ hoặc bài ca dao về quê hương, đất nước.
Gợi ý:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
(Ca dao)
Trả lời:
+ Bài thơ: Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
+ Bài thơ: Quê hương (Tế Hanh)
“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” …
Câu 2 trang 111 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Viết phiếu đọc sách theo mẫu.
Trả lời:
PHIẾU ĐỌC SÁCH |
||
Tên bài thơ (ca dao): Việt Nam quê hương ta |
Tác giả: Nguyễn Đình Thi |
Ngày đọc: 07/03/3023 |
Nội dung chính của bài thơ (ca dao): Ca ngợi vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của thiên nhiên, con người Việt Nam, qua đó thể hiện tình yêu thương, sự gắn bó sâu sắc của tác giả với quê hương, đất nước. |
||
Ý nghĩa của bài thơ (ca dao): Tiếp nối bước chân của cha ông, tổ tiên, thế hệ sau cần ngày ngày kế thừa, phát huy những giá trị, truyền thống ấy. |
Hình ảnh yêu thích: Giữa nền xanh biếc “biển lúa” là hình ảnh đàn cò trắng chao nghiêng rập rờn. Cánh cò ấy không cao vút tầng không mà “bay lả” giữa cánh đồng, dưới những đám mây mờ bị che phủ bởi đỉnh núi, mở ra khung cảnh về một đất nước thanh bình. |
|
Mức độ yêu thích: 5 sao |
Câu 3 trang 111 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Chia sẻ với bạn những điều em thích trong bài thơ, bài ca dao về quê hương, đất nước em đã đọc.
Trả lời:
Trong bài thơ Việt Nam quê hương ta của Nguyễn Đình Thi, em thích hình ảnh giữa nền xanh biếc “biển lúa” là hình ảnh đàn cò trắng chao nghiêng rập rờn. Cánh cò ấy không cao vút tầng không mà “bay lả” giữa cánh đồng, dưới những đám mây mờ bị che phủ bởi đỉnh núi, mở ra khung cảnh về một đất nước thanh bình.
* Vận dụng
Câu hỏi trang 111 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Trao đổi với người thân để có thêm hiểu biết về quê nội và quê ngoại của em.
Trả lời:
Em tiến hành trao đổi với người thân để có thêm hiểu biết về quê nội và quê ngoại của em.
Gợi ý:
- Thiên nhiên
- Con người
- Kỉ niệm.....