Lý thuyết Tin học 6 Bài 2: Lưu trữ và trao đổi thông tin - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Tin học 6 Bài 2: Lưu trữ và trao đổi thông tin hay, ngắn gọn, bám sát chương trình mới sgk lớp 6 Cánh diều, giúp học sinh nắm vững kiến thức và học tốt môn Tin học lớp 6 hơn.
Tóm tắt Lý thuyết Tin học 6 Bài 2: Lưu trữ và trao đổi thông tin
1. Lưu trữ thông tin
- Lưu trữ thông tin là hoạt động đưa thông tin vào vật mang tin.
- Dữ liệu là tên gọi chung của thông tin được chứa trong vật mang tin.
Ví dụ: Dòng chữ trong vở là dữ liệu, điều em biết khi đọc dòng chữ đó là thông tin.
Có 3 dạng dữ liệu: dạng chữ và số, dạng hình ảnh, dạng âm thanh. Thông tin có thể được biểu diễn dưới nhiều cách khác.
Ví dụ: người nguyên thuỷ dùng viên sỏi để chỉ số lượng con thú săn được.
- Nên lưu trữ thông tin vào vật mang tin thành dữ liệu để lấy ra sử dụng khi cần.
Ví dụ: lưu trữ danh sách điểm học sinh vào máy tính, USB, đĩa…để lấy ra khi cần công bố cho học sinh.
2. Trao đổi thông tin
- Trao đổi thông tin: gửi thông tin tới bên nhận và nhận thông tin từ bên gửi
- Trao đổi thông tin rất quan trọng và diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày
3. Các bước trong hoạt động thông tin của con người
Hình 1 minh hoạ tóm tắt các bước của quá trình hoạt động thông tin: Con người thu nhận thông tin từ thế giới bên ngoài, xử lí thông tin, ghi nhớ hoặc lưu trữ thông tin, trao đổi thông tin. Não người là trung tâm trong quá trình này.
4. Vai trò quan trọng của thông tin và hoạt động thông tin
- Hoạt động thông tin diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, trong sinh hoạt cá nhân cũng như chung sống, cùng làm việc với người khác.
- Những hoạt động thông tin này rất tự nhiên, được thực hiện tự động, đến mức ta không nghĩ rằng đang thu nhận thông tin, đang xử lý thông tin, đang trao đổi thông tin.
- Thông tin rất quan trọng đối với con người, hoạt động thông tin diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Thiếu thông tin có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Câu hỏi trắc nghiệm Tin học 6 Bài 2: Lưu trữ và trao đổi thông tin
Câu 1: Các khối chức năng chính của máy tính hoạt động dưới sự hướng dẫn của:
A. Bộ não máy tính.
B. Các thông tin mà chúng có.
C. Các chương trình do con người lập ra.
D. Phần cứng máy tính.
TRẢ LỜI: Các khối chức năng chính của máy tính hoạt động dưới sự hướng dẫn của các chương trình do con người lập ra.
Đáp án: C.
Câu 2: Chương trình máy tính là:
A. Những gì lưu được trong bộ nhớ.
B. Tập hợp các câu lệnh, mỗi câu lệnh hướng dẫn một thao tác cụ thể cần thực hiện.
C. Thời gian biểu cho các bộ phận của máy tính.
D. Tất cả đều sai.
TRẢ LỜI: Chương trình máy tính là tập hợp các câu lệnh, mỗi câu lệnh hướng dẫn một thao tác cụ thể cần thực hiện.
Đáp án: B.
Câu 3: Thiết bị dùng để di chuyển con trỏ trên màn hình là:
A. CPU.
B. Chuột.
C. Modem.
D. Bàn phím.
TRẢ LỜI: Chuột là thiết bị vào dùng để nhập dữ liệu. Chuột có chức năng di chuyển con trỏ trên màn hình.
Đáp án: B.
Câu 4: Các thao tác lập luận, giải thích, phân tích, phán đoán, tưởng tượng, … của con người được xếp vào hoạt động nào trong quá trình xử lí thông tin?
A. Thu nhận.
B. Lưu Trữ.
C. Xử lí.
D. Truyền.
TRẢ LỜI: Các hoạt động xử lí thông tin gồm:
- Thu nhận.
- Xử lí.
- Lưu trữ.
- Truyền
→ Các thao tác lập luận, giải thích, phân tích, phán đoán, tưởng tượng, … của con người được xếp vào hoạt động XỬ LÍ thông tin.
Đáp án: C.
Câu 5: Các thao tác nói, chia sẻ, thông báo, tuyên truyền, biểu đạt, trò chuyện, … của con người được xếp vào hoạt động nào trong quá trình xử lí thông tin?
A. Thu nhận.
B. Lưu Trữ.
C. Xử lí.
D. Truyền.
TRẢ LỜI: Các thao tác nói, chia sẻ, thông báo, tuyên truyền, biểu đạt, trò chuyện, … của con người được xếp vào hoạt động TRUYỀN.
Đáp án: D.
Câu 6: Bạn An đọc truyện “Con Rồng cháu Tiên” rồi tóm tắt lại, kể cho bạn Minh nghe. Hãy sắp xếp những việc làm cụ thể của bạn An theo thứ tự thu nhận, lưu trữ, xử lí và truyền thông tin.
A. Bạn An kể lại cho bạn Minh nghe tóm tắt câu chuyện.
B. Bạn An nhớ nội dung câu chuyện.
C. Bạn An đọc truyện “Con Rồng cháu Tiên”.
D. Bạn An tóm tắt câu chuyện.
TRẢ LỜI:
- Thứ tự thu nhận: bạn An đọc truyện “Con Rồng cháu Tiên”.
- Lưu trữ: bạn An nhớ nội dung câu chuyện.
- Xử lí: Bạn An tóm tắt câu chuyện.
- Truyền thông tin: Bạn An kể lại cho bạn Minh nghe tóm tắt câu chuyện.
Đáp án: Ta sắp xếp lại như sau: C-B-D-A.
Câu 7: CPU là cụm từ viết tắt để chỉ:
A. Bộ nhớ trong của máy tính.
B. Thiết bị trong máy tính.
C. Bộ xử lý trung tâm.
D. Bộ phận điểu khiển hoạt động máy tính và các thiết bị.
TRẢ LỜI: Bộ xử lý trung tâm (CPU) được coi là bộ não của máy tính, thực hiện các chức năng tính toán, điều khiển và phối hợp hoạt động của máy tính theo sự chỉ dẫn của chương trình.
Đáp án: C.
Câu 8: Các khối chức năng chính trong khối cấu trúc chung của máy tính điện tử theo Von Neumann gồm có:
A. Bộ xử lý trung tâm; bàn phím và chuột; Máy in và màn hình.
B. Bộ nhớ; bàn phím; màn hình.
C. Bộ xử lý trung tâm; Thiết bị vào; Bộ nhớ.
D. Bộ xử lý trung tâm và bộ nhớ; thiết bị vào; thiết bị ra.
TRẢ LỜI: Tất cả các máy tính đều được xây dựng trên một cấu trúc cơ bản chung do nhà toán học Von Neumann đưa ra: bộ xử lý trung tâm, thiết bị vào và thiết bị ra, bộ nhớ. Các khối chức năng này hoạt động dưới sự hướng dẫn của chương trình máy tính do con người lập ra.
Đáp án: D.
Câu 9: Trình tự của quá trình xử lí thông tin là:
A. Nhập → Xử lý → Xuất.
B. Xuất → Nhập → Xử lý.
C. Xử lý → Xuất → Nhập.
D. Nhập (INPUT) → Xuất (OUTPUT) → Xử lý.
TRẢ LỜI: Trình tự của quá trình xử lí thông tin là Nhập (INPUT) → Xử lý và lưu trữ → Xuất (OUTPUT);
Đáp án: A.
Câu 10: Siêu văn bản thường được tạo ra bằng ngôn ngữ nào?
A. TMHL.
B. THNL.
C. HTML.
D. Pascal.
TRẢ LỜI: Siêu văn bản là loại văn bản tính hợp nhiều dạng dữ liệu khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…và các siêu liên kết tới các siêu văn bản khác. Siêu văn bản thường được tạo ra bằng ngôn ngữ HTML (HyperText Markup Language).
Đáp án: C.