X

Soạn văn lớp 12

Câu hỏi bài Sóng chọn lọc - Ngữ văn lớp 12


Câu hỏi bài Sóng chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Sóng Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Sóng này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.

Câu hỏi bài Sóng chọn lọc - Ngữ văn lớp 12

Câu hỏi: Thể loại của bài thơ Sóng?

Trả lời:

Thể loại của bài thơ Sóng là thơ 5 chữ.

Câu hỏi: Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Sóng?

Trả lời:

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Sóng:

- Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

- Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

Câu hỏi: Giá trị nội dung của bài thơ Sóng?

Trả lời:

Giá trị nội dung của Sóng:

Qua hình tượng sóng, ta thấy người phụ nữ đang yêu có nhu cầu tìm hiểu, lí giải cội nguồn của tình yêu. Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ - nỗi nhớ cồn cào, da diết, không thể nào yên, không thể nào nguôi. Bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó cho thấy tình yêu là một thứ tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.

Câu hỏi: Giá trị nghệ thuật của bài thơ Sóng?

Trả lời:

Giá trị nghệ thuật của Sóng:

- Hình tượng nghệ thuật ẩn dụ sóng đôi giúp nhà thơ diễn tả những cảm xúc khó nói trong tình yêu.

- Thể thơ năm chữ với cách ngắt nhịp linh hoạt phù hợp trong việc diễn tả các cung bậc, sắc thái cảm xúc khác nhau.

- Ngôn ngữ gần gũi, trong sáng, dung dị, tinh tế.

Câu hỏi: Chủ đề của bài thơ Sóng?

Trả lời:

Chủ đề của bài thơ Sóng:

Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động khát vọng tình yêu với những cung bậc tình cảm phong phú và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, hồn nhiên chân thật, say đắm nồng nàn, đôn hậu, thủy chung.

Câu hỏi: Nhân vật trữ tình sóng và em trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

Bài thơ có hai hình tượng xuyên suốt: sóng và em.

- Em - cái tôi trữ tình của nhà thơ.

- Sóng - hình ảnh ẩn dụ của người con gái đang yêu, là sự hóa thân của em - một kiểu đặc biệt của cái tôi trữ tình nhập vai.

⇒ Sóng soi chiếu vào nhân vật em để làm sáng lên tâm hồn em với những sắc thái tâm trạng phong phú, đa dạng; có khi sóng hoà điệu vào tâm hồn em để giãi bày, bộc bạch. Thực chất hai hình tượng tuy hai mà một, đều thể hiện một cái tôi Xuân Quỳnh tha thiết yêu thương, mãnh liệt mà đầy nữ tính.

Câu hỏi: Nhận xét về âm điệu, nhịp diệu của bài thơ Sóng?

Trả lời:

*Âm điệu của bài thơ Sóng là âm điệu của những con sóng ngoài biển khơi vừa dữ dội vừa nhẹ nhàng:

- Thể thơ năm chữ với những câu thơ được ngắt nhịp linh hoạt, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng:

+ 2/3 (Dữ dội/và dịu êm - Ồn ào/và lặng lẽ)

+ 3/1/1 (Em nghĩ về/anh,/em)

+ 3/2 (Em nghĩ về/biển lớn – Từ nơi nào/ sóng lên)

- Các cặp câu đối xứng xuất hiên liên tiếp, câu sau thừa tiếp câu trước tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng dào dạt:

+ Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ

+ Con sóng dưới lòng sâu – Con sóng trên mặt nước

+ Dẫu xuôi về phương bắc – Dẫu ngược về phương nam

- Sự trở đi trở lại như một điệp khúc của hình tượng sóng trong các khổ thơ.

*Âm điệu của những con sóng “lòng” với nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau, đang rung lên hòa nhập với sóng biển.

⇒ Bài thơ như một khúc hát âm vang vẫn ngân nga những giai điệu đắm say của nó trong những trái tim đang yêu. Tình yêu chính là bài ca muôn đời của cuộc sống mà ở đó cái tôi trữ tình - cái tôi đang yêu được bộc lộ chân thực là mình. Xuân Quỳnh đã sống đắm say, đã yêu hết mình, đã khao khát rất mực chân thành trong những dòng thơ tình yêu đầy mê mải, thiết tha của mình.

Câu hỏi: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

Hình tượng sóng:

- Sóng được khắc họa qua những từ ngữ diễn tả đặc điểm, trạng thái: dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ, dưới lòng sâu, trên mặt nước…

- Âm điệu mô phỏng âm hưởng của những con sóng lúc miên man dịu dàng, lúc cuồn cuộn vỗ bờ, lúc trào dâng bạc đầu, lúc lặng chìm đáy nước biển khơi…(được tạo nên từ thể thơ năm chữ, từ phương thức tổ chức ngôn từ, hình ảnh).

- Ý nghĩa:

+ Ý nghĩa tả thực: miêu tả chân thực, sinh động hình ảnh của sóng ngoài biển khơi. Sóng có tính cách, tâm trạng, tâm hồn.

+Ý nghĩa biểu tượng: tính cách, tâm trạng và khát vọng của nhân vật trữ tình em. Sóng là hình tượng ẩn dụ, hóa thân của cái tôi trữ tình nhà thơ.

⇒ Hình tượng sóng xuyên suốt và bao trùm bài thơ, song hành với em, có lúc tách đôi có lúc hòa nhập cộng hưởng. Có ý nghĩa biểu tượng cho khát vọng tình yêu quen thuộc, mang một vẻ đẹp riêng, độc đáo: Mãnh liệt mà đầy nữ tính.

Câu hỏi: Mối quan hệ giữa sóng và em trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

Có hai hình tượng luôn song hành cùng nhau đó là sóng và em. Có lúc phản ánh lẫn nhau, có lúc tách rời có lúc lại hòa vào làm một. Những đặc tính của sóng cũng giống như tâm trạng của người con gái trong tình yêu. Hình tượng này soi chiếu vào nhau và cộng hưởng nghệ thuật với nhau, nhằm biểu đạt một cách trọn vẹn thế giới tâm tình người phụ nữ đang yêu. Tâm hồn người phụ nữ đang yêu nhìn vào sóng để hiểu tận đáy lòng mình và nhờ con sóng biển mà biểu hiện những trạng thái tâm hồn mình trong tình yêu.

Câu hỏi: Nghệ thuật kết cấu của bài thơ Sóng?

Trả lời:

- Bài thơ có kết cấu nghệ thuật sóng đôi dựa trên sự tương đồng giữa tâm trạng người phụ nữ đang yêu với những con sóng. Tác giả đã mượn những cung bậc của sóng để gửi gắm tình yêu của con người.

- Kết cấu liền mạch của suy nghĩ và cảm xúc: cô gái nhìn ra biển cả, nhân quan sát sóng biển, suy nghĩ về tình yêu, cô nhận thấy tình yêu cũng như sóng biển, đa dạng và biến hóa, mạnh mẽ và thủy chung. Rồi cô ước ao hóa thành con sóng nhỏ để ngàn năm hát cùng "biển lớn tình yêu".

Câu hỏi: Sự tương đồng trạng thái của tâm hồn người phụ nữ đang yêu và những con sóng trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

Sự tương đồng trạng thái giữa sóngem:

- Tình yêu của sóng khao khát tìm ra với biển lớn đến những thức đập, xô vỗ bờ,… Con sóng đang chứa đựng những nhịp điệu tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Con sóng dưới lòng sâu hay con sóng trên mặt biển đều diễn tả cái sâu thẳm, vời vợi của tình yêu con người.

- Cái cồn cào, khắc khoải trong nỗi nhớ khôn cùng của em với anh được diễn tả bằng nỗi nhớ của sóng với bờ. Sóng không ngủ hay là em thao thức, sóng nhớ bờ hay trái tim em cồn cào, thao thức đập vì anh?

- Biển không thể tách rời sóng sóng, cũng như tình yêu của con người luôn tồn tại bất tử. Dù muôn vời cách trở sóng vẫn tìm đến bờ, giống như em nguyện dâng trọn đời cho anh. Bờ là nơi đến của sóng và anh là nơi đến của tình em.

⇒ Những cung bậc tha thiết của tình yêu đã được Xuân Quỳnh gửi gắm trong từng nhịp chuyển động của sóng.

Câu hỏi: Tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

Tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu có đặc điểm:

- Thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng tình yêu muôn thuở (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ).

→ Chân thành, tha thiết, nồng nàn, mãnh liệt trong tình yêu, một khi đã yêu thì ai cũng yêu hết mình, không có gì ngăn trở được mong muốn được yêu và yêu của người phụ nữ.

- Khao khát khám phá sự bí ẩn của qui luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).

- Tình yêu của người phụ nữ rất phong phú, với nhiều cung bậc của tình yêu: sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, một nỗi nhớ cồn cào, da diết, chiếm lĩnh cả thời gian và không gian (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước … Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức…).

- Luôn hướng tới một tình yêu thủy chung, son sắt (Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương).

- Ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng, bất tử để làm đẹp cho cuộc đời (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ). → Khát vọng của họ cũng rất khiêm nhường

- Vươn tới một tình yêu rộng lớn, cao đẹp hơn: Sóng không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể → Có thể xem đây là một tư duy mới trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh, chủ động tìm đến tình yêu, tìm đến khát vọng của cuộc đời.

⇒ Qua hình tượng ẩn dụ sóng, bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Câu hỏi: Phân tích hình tượng sóng qua hai khổ thơ đầu trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

- Tình yêu là qui luật của muôn đời: dữ dội >< dịu êm; ồn ào >< lặng lẽ

⇒ hai trạng thái đối nghịch của sóng cũng là những biến động khác thường về trạng thái tâm lí tình yêu của người phụ nữ đang yêu: tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, đắm say nhưng cũng dịu dàng, e ấp, đầy nữ tính.

- Trước những trạng thái đối nghịch của lòng mình, sóng không thể nào tự lí giải được nên đã làm hành trình từ sông ra bể để thể hiện khát vọng tự nhận thức, cắt nghĩa hạnh phúc của mình. Đó là hành trình thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp để tìm đến chân trời mới.

- Ra đến bể, con sóng thấy những dao động trái ngược kia là vĩnh hằng, muôn thuở với thời gian. Cũng như khao khát tình yêu của con người là khát vọng vĩnh hằng, muôn thuở. Nó luôn làm bồi hồi trái tim con người mà nhất là tuổi trẻ.

Câu hỏi: Suy tư, trăn trở về cội nguồn của tình yêu qua khổ 3, 4 trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

- Hình tượng sóng đến đây hoà nhập vào em để soi chiếu làm nổi bật những băn khoăn của lòng em. Giọng thơ như lời thầm thì tự bạch, ý thơ được nối kết tự nhiên và những băn khoăn của lòng em làm nên chất suy tư ngọt ngào của riêng Xuân Quỳnh.

- Tình yêu còn mang đến nhiều suy tư, trăn trở: nghĩa về người mình yêu, nghĩa về mình và về cuộc đời. → Cách cắt nghĩa tình yêu rất hồn nhiên, chân thành, nữ tính và trực cảm.

- Truy nguyên đến tận cội nguồn của sóng - tận nơi xuất phát của tình yêu, nhà thơ đành chịu em cũng không biết nữa.

⇒ Không tìm được câu trả lời, Xuân Quỳnh đã đưa ra cách cắt nghĩa rất riêng của mình. Tình yêu cũng tự nhiên tựa hồ như gió mây, hồn nhiên như hoa lá và khó hiểu, bất ngờ như biển cả, bí ẩn như vũ trụ. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể cắt nghĩa được tình yêu.

Câu hỏi: Cảm xúc của người phụ nữ trong tình yêu qua khổ 5, 6, 7 trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

- Tình yêu đi liền với nỗi nhớ, nỗi nhớ là thước đo nồng độ của tình yêu:

+ Sâu đậm, chiếm cả tầng sâu, bề rộng: … dưới lòng sâu…. …trên mặt nước ….

+ Thao thức trong mọi thời gian: ngày đêm không ngủ được → phép đối thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu đậm.

+ Bao trùm không gian bao la: phương Bắc, phương Nam

+ Tồn tại trong ý thức và đi vào cả tiềm thức Lòng em nhớ ……….. còn thức → Ở góc độ nào sóng cũng luôn trào dâng một nỗi nhớ bờ.

+ Vừa hóa thân vào sóng vừa trực tiếp xưng em để bộc lộ nỗi nhớ → sóng và em phân đôi, soi chiếu vào nhau để làm sáng lên những tâm sự sâu kín trong em. Đó là một nỗi nhớ mênh mông sâu thẳm và một tình yêu mãnh liệt.

+ Phép điệp ⇒ âm điệu nồng nàn, tha thiết cho lời thơ.

- Lòng thủy chung: Hướng về anh một phương

Bày tỏ tình yêu một cách chân thành, tha thiết mà mạnh dạn, mãnh liệt và lời thề thủy chung tuyệt đối. Giọng thơ tha thiết, lắng sâu đưa ta đến với chân trời của sóng và tận cùng của trái tim em.

- Bến bờ hạnh phúc:

+ Sóng: ngoài đại dương → Con nào chẳng tới bờ → quy luật tất yếu.

+ Lòng thủy chung là sức mạnh vượt qua mọi trở ngại để tình yêu đến bến bờ hạnh phúc.

⇒ Dùng qui luật của thiên nhiên để khẳng định cho một cái tôi của một con người luôn vững tin ở tình yêu và cũng là niềm an ủi cho bản thân mình và cho cả người mình yêu.

Câu hỏi: Những triết lí sâu sắc và khát vọng tình yêu qua hai khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

- Sử dụng nghệ thuật đối lập giữa cái vô hạn với cái hữu hạn → Sự nhạy cảm và lo âu của Xuân Quỳnh về cuộc đời trước sự trôi chảy của thời gian: Tình yêu của nhân loại thì vĩnh viễn như biển nhưng kiếp người lại ngắn ngủi, phù du như mây.

- Ở khổ cuối nhà thơ tự phân thân. Mong muốn tình yêu chung thủy nhưng không ích kỉ không chỉ có anh và em mà chan hòa vào tình yêu của mọi người có như vậy tình yêu mới vĩnh hằng ″nghìn năm còn vỗ″. Mong muốn hoà nhập vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời để tình yêu đôi lứa mãi mãi vĩnh hằng là khát khao rất đỗi nhân văn và đầy cảm động.

⇒ Tình yêu của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh nồng nhiệt thiết tha, chủ động trong tình yêu, yêu hết mình, quên mình nhưng cũng đòi hỏi sự duy nhất, tuyệt đối luôn hướng về sự gắn bó thủy chung.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, hay khác: