Bộ Đề thi Ngữ Văn lớp 6 Giữa kì 1 có đáp án năm 2023 sách mới (12 đề) | Kết nối tri thức, Cánh diều, Chân trời sáng tạo


Bộ Đề thi Ngữ Văn lớp 6 Giữa kì 1 có đáp án năm 2023 sách mới (12 đề) - Kết nối tri thức, Cánh diều, Chân trời sáng tạo

Haylamdo biên soạn và sưu tầm Bộ Đề thi Ngữ Văn lớp 6 Giữa kì 1 có đáp án năm 2023 sách mới (12 đề) các bộ sách Kết nối tri thức, Cánh diều, Chân trời sáng tạo được tổng hợp chọn lọc từ đề thi môn Văn 6 của các trường THCS sẽ giúp học sinh có kế hoạch ôn luyện từ đó đạt điểm cao trong các bài thi Văn lớp 6.

Bộ Đề thi Ngữ Văn lớp 6 Giữa kì 1 có đáp án năm 2023 sách mới (12 đề) | Kết nối tri thức, Cánh diều, Chân trời sáng tạo

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Kết nối tri thức

Năm học 2023

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 6

Thời gian làm bài: 60 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm) 

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi.

Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi càng tôi trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.”

(Ngữ văn 6 - Tập 1)

Câu 1 (0,5 điểm): 

Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào? Ai là tác giả?

Câu 2 (0,5 điểm)

Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Vì sao em biết ?

Câu 3 (1,5 điểm): 

Tìm các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh? Hãy cho biết phép tu từ so sánh đó thuộc kiểu so sánh nào?

Câu 4 (0,5 điểm)

Tác dụng của phép tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 5 (1 điểm): 

Cho biết nội dung của đoạn trích trên ?

Câu 6 (1 điểm): 

Từ bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn. Em hãy rút ra bài học cho bản thân ?

Phần 2: Tập làm văn (5 điểm)

Kể lại một trải nghiệm của bản thân em.

Đáp án

Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm) 

Câu 1 (0,5 điểm): 

Đoạn trích được trích trong văn bản “Bài học đường đời đầu tiên”. Tác giả Tô Hoài. 

Câu 2 (0,5 điểm)

Đoạn trích được kể bằng ngôi thứ nhất. Người kể xưng tôi kể chuyện

Câu 3 (1,5 điểm): 

Các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh:

+ Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.

→ So sánh ngang bằng.

+ Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.

→ So sánh ngang bằng.

Câu 4 (0,5 điểm)

Tác dụng của phép so sánh: Nhấn mạnh vẻ đẹp cường tráng, khỏe mạnh của Dế Mèn. 

Câu 5 (1 điểm): 

Đoạn văn miêu tả vẻ đẹp cường tráng của Dế Mèn. Qua đó bộc lộ được tính cách của nhân vật.

Câu 6 (1 điểm): 

Không nên huênh hoang tự mãn, biết thông cảm và chia sẻ, biết suy nghĩ và cân nhắc trước khi làm một việc gì.

Phần 2: Tập làm văn (5 điểm)

a. Hình thức: 

- Đảm bảo bố cục 3 phần. 

- Diễn đạt lưu loát, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả. 

- Kể theo ngôi thứ nhất. 

b. Nội dung: 

- Mở bài: Giới thiệu sơ lược về trải nghiệm. Dẫn dắt chuyển ý, gợi sự tò mò, hấp dẫn với người đọc.

- Thân bài: 

+ Trình bày chi tiết về thời gian, không gian, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

+ Trình bày chi tiết những nhân vật liên quan.

+ Trình bày các sự việc theo trình tự rõ ràng, hợp lí.

(Kết hợp kể và tả. Sự việc này nối tiếp sự việc kia một cách hợp lí).

- Kết bài: 

+ Cảm nghĩ của người viết. 

+ Rút ra ý nghĩa của trải nghiệm. 

Bộ Đề thi Ngữ Văn lớp 6 Giữa kì 1 có đáp án năm 2023 sách mới (12 đề) | Kết nối tri thức, Cánh diều, Chân trời sáng tạo

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Cánh diều

Năm học 2023

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 6

Thời gian làm bài: 60 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

Đọc văn bản “Em bé thông minh” (sgk Ngữ văn 6 Cánh diều tập 1, trang 31) và thực hiện các yêu cầu bên dưới: 

Câu 1. Nhân vật nổi bật trong truyện cổ tích “Em bé thông minh” là ai? 

A. Viên quan

B. Em bé

C. Vua

D. Cha em bé

Câu 2. Sự thông minh của em bé được thể hiện qua việc gì?

A. Xin con trâu và thúng gạo làm lộ phí vào kinh

B. Lên được vào sân rồng và khóc um lên

C. Cùng cha khăn gói tìm đường vào kinh

D. Hoá giải được các câu đố oái oăm của quan, vua

Câu 3. Truyện “Em bé thông minh” kể về cuộc đời của kiểu nhân vật nào?

A. Nhân vật bất hạnh 

B. Nhân vật có tài năng

C. Nhân vật ngốc nghếch 

D. Nhân vật thông minh

Câu 4. Cách trả lời của em bé trong truyện có điểm nào đáng chú ý?

A. Hỏi lại người thách đố bằng một tình huống khó tương tự

B. Hỏi lại người hỏi bằng câu hỏi cần nhiều thời gian mới có đáp án

C. Trả lời vòng vo, không tập trung vào câu hỏi của người hỏi

D. Trả lời thẳng vào các câu thách đố kèm theo sự hài hước, trẻ thơ

Câu 5. Việc tạo ra những tình huống thách đố khác nhau đã giúp cho câu chuyện như thế nào?

A. Có màu sắc hoang đường, kì ảo

B. Có sắc thái hài hước, hồn nhiên

C. Trở nên hấp dẫn, không nhàm chán

D. Trở nên căng thẳng, dữ dội hơn

Câu 6. Chi tiết cuối văn bản “Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn. Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu." cho thấy điều gì?

A. Vua rất đồng cảm với hai cha con em bé

B. Vua đã chấp nhận thua em bé thông minh

C. Vua rất quý trọng những người thông minh

D. Vua rất thương yêu những người dân nghèo

Câu 7. Qua nội dung câu chuyện, tác giả dân gian muốn đề cao điều gì nhất?

A. Sự sáng suốt, thận trọng của nhà vua

B. Sự lém lỉnh, hồn nhiên của em bé

C. Sự hấp dẫn về nội dung của các câu đố

D. Sự thông minh, trí khôn của con người

Câu 8. Truyện “Em bé thông minh” khác với truyện “Thạch Sanh” ở điểm nào?

A. Không có các chi tiết đời thường 

B. Không có các chi tiết thần kì

C. Kết thúc có hậu 

D. Có nhân vật vua

Câu 9. Điểm giống nhau giữa truyện “Em bé thông minh” và truyện “Thạch Sanh” là:

A. Có nhân vật anh hùng

B. Có nhân vật gian ác

C. Thể hiện ước mơ của nhân dân về những người có tài năng

D. Thể hiện ước mơ của nhân dân về cuộc sống hạnh phúc

Câu 10. Từ câu chuyện “Em bé thông minh”, có hai ý kiến khác nhau được nêu ra:

a) Ý kiến 1: Người thông minh không cần thử thách.

b) Ý kiến 2: Thử thách là cơ hội để rèn luyện trí thông minh.

Em đồng tình với ý kiến nào? Vì sao?

Đáp án

Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm. 

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Đáp án

B

D

D

A

C

C

D

B

C

Câu 10: Học sinh đồng tình với ý kiến nào cũng được miễn là lí giải được vì sao em tán thành ý kiến ấy. Năng lực thực của các em phụ thuộc vào việc lí giải vì sao chứ không phải là tán thành ý kiến nào. 

Bộ Đề thi Ngữ Văn lớp 6 Giữa kì 1 có đáp án năm 2023 sách mới (12 đề) | Kết nối tri thức, Cánh diều, Chân trời sáng tạo

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2023

Bài thi môn: Ngữ Văn lớp 6

Thời gian làm bài: 60 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm) 

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

QUÀ CỦA BÀ

Bà tôi bận lắm, cặm cụi công việc suốt ngày. Nhưng chả lần nào đi chợ mà bà không tạt vào thăm hai anh em tôi, cho chúng tôi khi thì tấm bánh đa, quả thị, khi thì củ sắn luộc hoặc mớ táo. Ăn quà của bà rất thích, nhưng ngồi vào lòng bà nghe bà kể chuyện còn thích hơn nhiều.

Gần đây, bà tôi không được khỏe như xưa nữa. Đã hai năm nay, bà bị đau chân. Bà không đi chợ được, cũng không đến chơi với các cháu được. Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi: khi thì mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra. Chiều qua, đi học về, tôi chạy đến thăm bà. Bà ngồi dây, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!

(Theo Vũ Tú Nam)

Câu 1(0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. 

Câu 2 (0,5 điểm): Tìm các cụm danh từ trong câu sau: 

Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi: khi thì mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra.

Câu 3 (1 điểm): Qua câu chuyện em thấy tình cảm người bà dành cho cháu như thế nào?  

Câu 4 (1 điểm): Câu chuyện gợi cho em suy nghĩ gì về bổn phận của mình đối với ông bà? 

Phần 2: Tạo lập văn bản (7 điểm) 

Câu 1 (2 điểm): Từ câu chuyện trên em hãy viết đoạn văn ngắn tả lại hình ảnh người bà thân yêu của em.  

Câu 2 (5 điểm): Có một quyển sách bị đánh rơi bên vệ đường. Chuyện gì sẽ xảy ra? Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện?  

Đáp án

Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm) 

Câu 1(0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự. 

Câu 2 (0,5 điểm): Các cụm danh từ: mấy củ dong riềng, mấy cây mía, mấy khúc sắn dây, …   

Câu 3 (1 điểm): Tình cảm bà dành cho cháu thật ấm áp yêu thương. Bà luôn quan tâm, chăm sóc, dành dụm cho cháu những món quà nhỏ. 

Câu 4 (1 điểm): Bổn phận của mình với ông bà: Yêu thương, chăm sóc ông bà, dành nhiều thời gian, tình cảm cho ông bà. 

Phần 2: Tạo lập văn bản (7 điểm) 

Câu 1 (2 điểm): 

- Đảm bảo hình thức đoạn văn. 

- Xác định đúng vấn đề

- Triển khai các ý như: 

+ Giới thiệu về bà.  

+ Tả khái quát, tả chi tiết. 

+ Cảm nghĩ của em về bà.  

Câu 2 (5 điểm): 

a. Hình thức:

- Thể loại: Tự sự 

- Ngôi kể: Thứ nhất 

- Bố cục đầy đủ, mạch lạc.

- Diễn đạt rõ ràng, biết hình thành các đoạn văn hợp lí. Không mắc lỗi về câu.

- Rất ít lỗi chính tả. Ngôn ngữ trong sáng, có cảm xúc.

b. Nội dung:

- Mở bài: Giới thiệu bản thân (đóng vai quyển sách), hoàn cảnh, tình huống truyện. 

- Thân bài : Kể lại diễn biến câu chuyện từ mở đầu đến kết thúc. 

+ Đảm bảo đầy đủ các nhân vật và sự việc chính.

+ Đảm bảo thứ tự trước sau của sự việc: Kể về quá khứ huy hoàng; cảm xúc, tâm trạng khi bị bỏ rơi; có một cậu bé nghèo đã nhặt được; cậu chủ mới quan tâm,… 

- Kết bài : Cảm nghĩ của sách khi giúp cậu chủ mới có kiến thức, lời khuyên cho các bạn nhỏ.  

Xem thêm các đề thi Văn lớp 6 chọn lọc, có đáp án hay khác: