Lý thuyết Địa Lí 10 Kết nối tri thức Bài 7: Nội lực và ngoại lực
Haylamdo sưu tầm và biên soạn lý thuyết Địa Lí lớp 10 Bài 7: Nội lực và ngoại lực sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 10.
Lý thuyết Địa Lí 10 Kết nối tri thức Bài 7: Nội lực và ngoại lực
1. Tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
a) Khái niệm
- Khái niệm: Là lực sinh ra trong lòng Trái Đất, liên quan tới nguồn năng lượng bên trong Trái Đất.
- Nguyên nhân sinh ra nội lực: Do sự phân huỷ của các chất phóng xạ, các phản ứng hoá học toả nhiệt, chuyển động tự quay của Trái Đất, sự sắp xếp vật chất theo tỉ trọng,...
b) Tác động
- Nội lực tác động tới địa hình bề mặt Trái Đất thông qua các vận động kiến tạo.
- Vận động theo phương thẳng đứng là vận động nâng lên hạ xuống diễn ra trong một khu vực rộng lớn, kết quả dẫn tới hiện tượng biên tiến và biến thoái.
- Vận động theo phương nằm ngang làm cho vỏ Trái Đất bị nén ép ở chỗ này và tách dãn ở chỗ khác. Gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy.
- Kết quả
+ Nội lực là tạo ra sự gồ ghề, cao thấp, mấp mô của địa hình mặt đất.
+ Tạo ra các dạng địa hình thường có kích thước lớn như châu lục, các dãy núi cao,...
2. Tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
a) Khái niệm
- Khái niệm: Là lực diễn ra trên bề mặt Trái Đất như tác động của gió, mưa, nước chảy, sóng biển, băng, sinh vật và con người.
- Nguyên nhân chủ yếu sinh ra ngoại lực do nguồn năng lượng bức xạ mặt trời.
b) Tác động
* Tác động của quá trình ngoại lực
- Quá trình phong hoá
+ Khái niệm: Là quá trình phá huỷ, làm thay đổi đá và khoáng vật dưới tác động của nhiệt độ, nước, sinh vật,...
+ Phân loại: phong hóa vật lí, phong hoá hoá học và phong hoá sinh học.
+ Kết quả: Quá trình phong hoá là tạo ra lớp vỏ phong hoá.
- Quá trình bóc mòn
+ Khái niệm: Là quá trình dời chuyển các sản phẩm phong hoá khỏi vị trí ban đầu, dưới tác động của nước chảy, sóng biển, gió, băng hà,...
+ Phân loại: Quá trình xâm thực (do nước chảy), quá trình mài mòn (do sóng biển và băng hà) và quá trình thổi mòn (do gió).
+ Kết quả: Các quá trình này tạo ra các dạng địa hình hết sức phong phú và đa dạng.
- Quá trình vận chuyển và quá trình bồi tụ
+ Quá trình vận chuyển là quá trình di chuyển vật liệu từ nơi này đến nơi khác.
+ Quá trình bồi tụ là quá trình tích tụ các vật liệu để tạo ra các dạng địa hình mới.
- Các quá trình phong hoá, bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ liên quan mật thiết với nhau.
* Kết quả
- Xu hướng chung của ngoại lực là phá huỷ, san bằng sự gồ ghề, mấp mô làm cho địa hình trở nên bằng phẳng hơn.
- Các dạng địa hình do ngoại lực tạo nên rất đa dạng và phức tạp, thường là những dạng địa hình nhỏ.
Kết luận:
- Nội lực và ngoại lực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong sự hình thành và phát triển địa hình bề mặt Trái Đất.
- Nội và ngoại lực xảy ra đồng thời nhưng luôn mâu thuẫn, đối kháng nhau để tạo ra các dạng địa hình khác nhau.