Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Địa 12 Bài 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ - Cánh diều
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ PHẠM VI LÃNH THỔ
1. Vị trí địa lí
Đặc điểm vị trí địa lí nước ta:
+ Nằm ở phía đông nam của châu Á, trên bán đảo Đông Dương. Phần đất liền tiếp giáp 3 nước: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia. Trên biển có chung Biển Đông với nhiều quốc gia trong khu vực.
+ Phần đất liền từ 8°34’B – 23°23’B và từ 102°09’Đ – 109°28’Đ. Trên biển Đông, vùng biển nước ta kéo dài từ 6°50’B – 101°Đ đến 117°20’Đ.
+ Việt Nam nằm trong múi giờ số 7.
2. Phạm vi lãnh thổ
Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn, bao gồm 3 bộ phận:
+ Vùng đất: bao gồm đất liền và các hải đảo, tổng diện tích hơn 331 nghìn km2, có gần 5000 km đường biên giới.
+ Vùng biển: Bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Tổng diện tích khoảng 1 triệu km2 với hàng nghìn đảo và quần đảo, 2 quần đảo lớn xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.
+ Vùng trời: là khoảng không gian bao trùm lên lãnh thổ, bao gồm không gian trên đất liền, mở rộng đến hết ranh giới ngoài của lãnh hải và không gian trên các đảo, quần đảo.
II. ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ AN NINH QUỐC PHÒNG
1. Ảnh hưởng đến tự nhiên
a) Thuận lợi
- Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đã quy định tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của tự nhiên Việt Nam.
+ Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa thể hiện trong tất cả các thành phần của tự nhiên.
+ Do nằm trong vùng nội chí tuyến của Bắc bán cầu, trong khu vực gió mùa châu Á nên nước ta nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn, nhiệt độ trung bình năm cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Mậu dịch (Tín phong), khí hậu và một số thành phần tự nhiên khác có sự phân mùa rõ rệt.
+ Vùng Biển Đông rộng lớn là nguồn dự trữ nhiệt ẩm, có tác dụng điều hòa khí hậu, cung cấp lượng mưa và độ ẩm lớn; vì vậy cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là rừng nhiệt đới ẩm thường xanh.
- Lãnh thổ hẹp ngang, kéo dài trên nhiều vĩ độ, tiếp giáp vùng biển rộng làm cho tự nhiên nước ta có sự phân hóa rõ rệt.
- Do nằm gần nơi giao nhau của các vành đai sinh khoáng lớn, trên đường di cư, di lưu của nhiều loài sinh vật nên tài nguyên khoáng sản và sinh vật nước ta rất đa dạng.
b) Khó khăn
- Vị trí địa lí nước ta nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nắng nóng, hạn hán,…
2. Ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng
a) Về kinh tế:
Nằm ở vị trí trung chuyển của các tuyến đường hàng hải, hàng không quốc tế và các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á nên nước ta rất thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành kinh tế; mở rộng giao thương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vị trí phía đông của bán đảo Đông Dương, nước ta được xem như là cửa ngõ thông ra biển của một số quốc gia trong khu vực.
b) Về văn hóa – xã hội
Vị trí địa lí cùng sự tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa đã tạo điều kiện để nước ta xât dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển, củng cố sự giao lưu, hợp tác về văn hóa – xã hội với các quốc gia trong khu vực.
c) Về an ninh quốc phòng
Vị trí đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á – khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về văn hóa, nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới. Việt Nam có đường biên giới dài, vùng biển rộng lớn, giàu tiềm năng, tiếp giáp với biển của nhiều quốc gia nên việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ luôn được đặt ra cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.