Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 6: Dân số, lao động và việc làm - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Địa 12 Bài 6: Dân số, lao động và việc làm sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 6: Dân số, lao động và việc làm - Cánh diều
I. DÂN SỐ
1. Đặc điểm dân số
- Quy mô dân số và tình hình tăng dân số: năm 2021 dân số 98,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Từ năm 1989 đến nay tỉ lệ tăng dân số giảm, mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người.
- Cơ cấu dân số:
+ Cơ cấu dân tộc: có 54 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm 85,3%, các dân tộc luôn đoàn kết, phát huy kinh nghiệm sản xuất; giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có khoảng 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
+ Cơ cấu giới tính: tỉ số giới tính năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ, khác nhau giữa các nhóm tuổi. Tình trạng mất cân bằng giới tính ở lứa tuổi sơ sinh khá nghiêm trọng.
+ Cơ cấu tuổi: giảm tỉ trọng dân số nhóm 0-14 tuổi, tăng tỉ trọng dân số nhóm 15-64 tuổi và từ 65 tuổi trở lên.
- Phân bố dân cư:
+ Mật độ dân số TB 297 người/km2(2021), dân cư phân bố khác nhau giữa đồng bằng với trung du và miền núi, giữa các vùng kinh tế, giữa thành thị và nông thôn. Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên là 2 vùng có mật độ dân số thấp nhất, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 2 vùng có mật độ dân số cao nhất.
+ Tỉ lệ dân thành thị và nông thôn đang có sự thay đổi theo thời gian.
2. Thế mạnh và hạn chế về dân số
- Thế mạnh:
+ Quy mô dân số đông nên có nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
+ Nước ta có nhiều dân tộc, các dân tộc luôn đoàn kết, tạo nên sức mạnh dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước. Các dân tộc còn tạo nên nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, có giá trị để phát triển du lịch.
- Hạn chế:
+ Dân số đông gây sức ép lên kinh tế, xã hội và môi trường.
+ Dân cư phân bố chưa hợp lí ảnh hưởng đến việc khai thác tài nguyên và sử dụng nguồn lao động.
3. Chiến lược phát triển dân số
- Chiến lược phát triển dân số:
+ Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng.
+ Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người.
+ Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi hợp lí, nâng cao chất lượng dân số.
+ Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững, thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
+ Thúc đẩy phân bố dân số hợp lí và đảm bảo quốc phòng an ninh.
- Giải pháp phát triển dân số:
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số.
+ Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số.
+ Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số: tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, chăm sóc các bà mẹ mang thai trước và sau sinh, chăm sóc sức khỏe người dân, sức khỏe người cao tuổi.
+ Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về dân số và phát triển; hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số.
+ Tăng cường hợp tác khu vực, quốc tế trong lĩnh vực dân số.
- Liên hệ địa phương: Hà Nội duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
II. LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
1. Đặc điểm nguồn lao động
- Số lượng lao động: năm 2021, lực lượng lao động nước ta là 50,6 triệu người, chiếm 51,3% tổng số dân, bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu lao động.
- Chất lượng lao động: lao động nước ta có nhiều kinh nghiệm sản xuất trong nông nghiệp, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cùng với truyền thống được tích lũy qua nhiều thế hệ. Chất lượng lao động ngày càng tăng, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo tăng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
2. Sử dụng lao động
Tình hình sử dụng lao động ở nước ta:
- Theo ngành kinh tế: tỉ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm; tỉ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng.
- Theo thành phần kinh tế: tỉ lệ lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước và ngoài Nhà nước giảm, tỉ lệ lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng.
- Theo khu vực thành thị và nông thôn: nước ta có 18,5 triệu lao động ở khu vực thành thị và 32,1 triệu lao động ở khu vực nông thôn năm 2021. Cơ cấu lao động giữa thành thị và nông thôn có xu hướng tăng tỉ lệ lao động thành thị.
III. VẤN ĐỀ VIỆC LÀM
- Vấn đề việc làm ở nước ta:
+ Sự phát triển của các ngành kinh tế, đa dạng hóa các loại hình sản xuất và sự ra đời của nhiều hoạt động dịch vụ mới đã tạo thêm nhiều việc làm mỗi năm.
+ Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm là vấn đề cần quan tâm, năm 2021 tỉ lệ thất nghiệp là 3,2% (thành thị là 4,3%, nông thôn là 2,5%), tỉ lệ thiếu việc làm là 3,1% (thành thị là 3,3%, nông thôn là 3,0%).
- Hướng giải quyết việc làm ở nước ta:
+ Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động.
+ Nâng cao năng lực dự báo về nhu cầu việc làm.
+ Tăng cường đào tạo nghề, chủ động xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề.
+ Đào tạo lao động các ngành gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, các ngành khoa học nền tảng cho phát triển khoa học – công nghệ.
+ Tăng cường truyền thông chủ trương chính sách Nhà nước về giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm.