X

Lý thuyết Địa Lí 12 Cánh diều

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 28: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo - Cánh diều


Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Địa 12 Bài 28: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 28: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo - Cánh diều

I. KHÁI QUÁT VỀ BIỂN ĐÔNG

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 28: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo | Cánh diều

- Biển Đông nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, diện tích 3,447 triệu km2, trong khoảng 3°N – 26°B, 100°Đ – 121°Đ. Trong biển có hàng nghìn đảo lớn, nhỏ và 2 vịnh có diện tích lớn là vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan.

- Là biển tương đối kín; phía bắc và phía tây được bao bọc bởi đất liền của Trung Quốc và bán đảo Đông Dương, phía đông và phía nam là các vòng cung đảo.

- Có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đặc trưng cho thiên nhiên vùng biển nhiệt đới ẩm gió mùa.

II. VÙNG BIỂN VIỆT NAM, CÁC ĐẢO VÀ QUẦN ĐẢO

- Vùng biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của các nước: Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Cam-pu-chia và Trung Quốc.

- Vùng biển có hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ, nhiều bãi đá ngầm. Một số đảo lớn: Phú Quốc, Cái Bầu, Cát Bà,…; các quần đảo: Cô Tô, Thổ Chu, Hoàng Sa, Trường Sa,… các đảo ven bờ tập trung nhiều ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang. 2 quần đảo lớn xa bờ là Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa).

- Đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước: là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, giới hạn để xác định đường cơ sở, điều kiện để khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển. Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo là cơ sở để khẳng định chủ quyền nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.

III. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN Ở VÙNG BIỂN, CÁC ĐẢO VÀ QUẦN ĐẢO

1. Tài nguyên sinh vật biển

- Sinh vật phong phú với hơn 2000 loài cá, trên 100 loài tôm, hơn 1800 động vật thân mềm, hơn 600 loài rong biển,… nhiều loài đặc sản: bào ngư, sò huyết, hải sâm,… Trên các đảo đá ven bờ còn có chim yến là mặt hàng xuất khẩu giá trị.

- Các hệ sinh thái vùng biển đa dạng và giàu có với nhiều loài thực vật và động vật: san hô, cỏ biển, rùa biển,…

- Có các ngư trường, 4 ngư trường trọng điểm: Hải Phòng – Quảng Ninh, Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau – Kiên Giang và quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.

2. Tài nguyên khoáng sản biển

- Thềm lục địa có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên lớn, ước tính vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí, tập trung tại các bể trầm tích: Sông Hồng, Hoàng Sa, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính – Vũng Mây, Trường Sa và Ma Lay – Thổ Chu.

- Nguồn muối vô tận, tiềm năng sản xuất muối ở Duyên hải Nam Trung Bộ, ven biển có ti-tan, cát trắng,…

3. Tài nguyên du lịch biển đảo: nhiều cảnh quan đẹp: bãi biển (Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Mỹ Khê,…), vịnh biển (Hạ Long, Non Nước, Cam Ranh,…), các đảo (Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc,…), các đầm phá, bãi triều.

4. Tài nguyên năng lượng biển: tài nguyên năng lượng từ gió, thủy triều, sóng biển, băng cháy và dòng hải lưu.

IV. KHAI THÁC TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN BIỂN - ĐẢO VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

1. Khai thác tổng hợp tài nguyên biển – đảo

Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 28: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo | Cánh diều

a) Khai thác sinh vật biển:

- Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ nhờ chú trọng đầu tư phương tiện, đổi mới kĩ thuật, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu các nhà máy chế biến.

- Sản lượng khai thác thủy sản biển tăng nhanh, đặc biệt là cá biển. Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ có sản lượng cao hàng đầu cả nước. Các tỉnh phát triển mạnh: Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định,

- Ngoài khai thác cá còn khai thác tôm, cua, mực, và nhiều sinh vật biển khác.

- Việc khai thác sinh vật biển góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế biển: du lịch biển đảo, dịch vụ biển. Tuy nhiên khai thác cần gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi và bảo vệ môi trường.

b) Khai thác khoáng sản biển:

- Giai đoạn 2010 – 2021 tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt gần 180 triệu tấn dầu thô và 113 tỉ m3 khí tự nhiên, chủ yếu ở bể Nam Côn Sơn, Cửu Long. Sản lượng dầu thô khai thác chủ yếu để xuất khẩu, nguyên liệu cho các nhà máy lọc hóa dầu. Khí tự nhiên phục vụ cho các nhà máy sản xuất điện – đạm.

- Nghề muối phát triển từ khá sớm, năng suất còn thấp, sản xuất chưa ổn định, tập trung ở Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Thuận,…

- Khai thác ti-tan, cát trắng ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.

- Quá trình khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản biển cần quan tâm đến bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển, tránh ảnh hưởng sự phát triển các ngành kinh tế khác.

c) Giao thông vận tải biển:

- Hệ thống cảng biển không ngừng mở rộng và phát triển, là đầu mối phục vụ xuất – nhập khẩu hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước có 34 cảng biển, hình thành và phát triển các tuyến vận tải biển quốc tế và nội địa.

- Đứng đầu về khối lượng luân chuyển trông các loại hình vận tải.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và hội nhập; cần tập trung khai thác có hiệu quả các cảng biển, dịch vụ vận tải biển, đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải.

d) Du lịch biển – đảo:

- Phát triển mạnh cả về số lượt khách và tổng thu du lịch, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển trong giai đoạn 2020 – 2021.

- Nhiều sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển; lặn biển; thể thao biển,…được chú trọng đẩy mạnh. Nhiều khu vực du lịch biển – đảo tiếp tục được đầu tư phát triển: Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo,…

- Góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của các tỉnh, thành phố ven biển, tăng cường sự kết nối giữa các vùng lãnh thổ. Trong quá trình phát triển cần khai thác hợp lí tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường vùng biển đảo.

2. Sự cần thiết phải bảo vệ môi trường biển ở nước ta.

- Bảo vệ môi trường biển cho phép nước ta phát triển đa dạng các hoạt động kinh tế biển, đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo chất lượng môi trường.

- Môi trường biển là không thể chia cắt, một vùng nước nhỏ bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho cả vùng nước rộng lớn cũng như trên các đảo. Mặt khác, môi trường đảo sẽ thay đổi rất nhanh khi có tác động của con người.

- Một số vùng biển đang bị ô nhiễm, nguồn lợi ven bờ đang suy giảm.

- Bảo vệ môi trường biển còn là cơ sở để nước ta tăng cường bảo vệ an ninh quốc phòng và khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.

V. Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐÔNG VÀ HƯỚNG CHUNG TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÙNG BIỂN ĐẢO

1. Ý nghĩa chiến lược của Biển Đông trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước

a) Về kinh tế

- Biển Đông là biển rộng, nhiều tiềm năng lớn, thuận lợi cho nước ta phát triển các ngành kinh tế biển, làm giàu từ biển.

- Đẩy mạnh khai thác tiềm năng ở Biển Đông sẽ tạo động lực để phát triển nền kinh té mở hướng ra biển, góp phần tăng cường tiềm lực đất nước, nâng cao vị thế của kinh tế biển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương ven biển, giảm sự phát triển chênh lệch giữa các vùng.

- Biển là cửa ngõ để Việt Nam trao đổi, giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

- Phát huy các thế mạnh kinh tế biển góp phần củng cố sức mạnh an ninh quốc phòng cho đất nước.

b) Về an ninh quốc phòng

- Biển Đông là tuyến phòng thủ chiến lược hướng đông của đất nước, là cơ sở để gắn kết giữa các căn cứ trên đất liền với các đảo, quần đảo xa bờ.

- Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vừa có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại trên Biển Đông, vừa là các trạm chốt tiền tiêu, bảo đảm an ninh quốc phòng cho nước ta.

2. Hướng chung trong việc giải quyết các tranh chấp vùng biển – đảo ở Biển Đông.

- Kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp bất đồng ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

- Tham gia thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố chung của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC); sớm kết thúc đàm phán, kí kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng, hợp tác quốc tế về biển.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 12 Cánh diều hay khác: