Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 16: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Địa 12 Bài 16: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 16: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - Cánh diều
I. VAI TRÒ VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NGÀNH DỊCH VỤ
1. Vai trò
- Là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP, động lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.
- Góp phần tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.
- Vai trò ngày càng quan trọng trong toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Tác động tích cực đến giữ gìn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
2. Các nhân tố ảnh hưởng của các ngành dịch vụ
- Trình độ phát triển kinh tế: nền kinh tế ngày càng phát triển, cơ cấu các ngành sản xuất đa dạng đã thúc đẩy dịch vụ phát triển cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng theo hướng hiện đại. Ví dụ: ngành thủy sản phát triển kéo theo sự phát triển của ngành dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Đặc điểm dân số: dân số đông, mức thu nhập của người dân ngày càng tăng, sức mua và nhu cầu, thị hiếu tăng đã thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển. Sự phân bố dân cư tác động đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ. Ví dụ: các thành phố tập trung đông dân cư là nơi có ngành dịch vụ rất phát triển.
- Khoa học – công nghệ: thành tựu của công nghệ hiện đại, công nghệ số, kinh tế số, công nghệ thông tin,… đã làm thay đổi phương thức sản xuất, cung ứng nhiều loại hình dịch vụ, xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới. Ví dụ: giáo dục – đào tạo từ xa, học online.
- Chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy phân công lao động xã hội, tác động đến phát triển các ngành dịch vụ. Chính sách tập trung ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng caao, các dịch vụ du lịch, thương mại, viễn thông, vận tải, logistics, ngân hàng, dịch vụ y tế, giáo dục – đào tạo,… đã ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ. Ví dụ: tại các khu vực có cảng biển tập trung phát triển các dịch vụ vận tải, logistics.
- Thị trường: sự mở rộng của thị trường trong nước và quốc tế đã tạo điều kiện cho phát triển nhiều loại hình dịch vụ, động lực thúc đẩy thương mại và dịch vụ quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ: sự mở rộng của thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam là động lực thúc đẩy thương mại quốc tế.
- Vị trí địa lí có ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ. Ví dụ: nước ta nằm trên ngã tư đường biển và đường hàng không quốc tế, tuyến đường bộ xuyên Á tạo thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải, du lịch và nhiều ngành dịch vụ khác.
- Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa cũng có ảnh hưởng đến phát triển và phân bố các ngành giao thông vận tải, thương mại, du lịch. Ví dụ: tại các nơi có di tích lịch sử văn hóa sẽ phát triển du lịch.
- Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành dịch vụ còn thiếu, chất lượng chưa cao; thị trường không ổn định; việc ứng dụng công nghệ, nền tảng số còn chậm. Ví dụ: hiện nay tại các điểm du lịch, tham quan còn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, trình độ chưa cao.
II. GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Đường bộ
- Mạng lưới đường bộ đảm bảo an ninh quốc phòng, kết nối các trung tâm hành chính, kinh tế, cảng biển, sân bay, cửa khẩu, các đầu mối giao thông,… phủ kín khắp cả nước. Hình thành 2 tuyến trục chính là Bắc – Nam và Đông - Tây:
+ Trục xuyên quốc gia Bắc – Nam gồm: quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Hà Nội – Lào Cai, TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
+ Trục Đông – Tây gắn kết các tỉnh ven biển với vùng núi phía tây, với Tây Nguyên và Lào (các quốc lộ 7,8,9,19,24,25,26,…)
+ Ngoài ra còn có các trục hướng tâm từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc,… các trục vành đai và vành đai đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
- Đầu mối giao thông quan trọng là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
- Giai đoạn 2010-2021 vận tải đường bộ phát triển nhanh cả về vận chuyển và luân chuyển hành khách cũng như hàng hóa.
- Được ưu tiên đầu tư, hiện đại cả kết cấu hạ tầng và phương tiện vận tải, đảm bảo an toàn, kết nối hiệu quả với các loại hình giao thông khác; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
2. Đường sắt
- Tổng chiều dài khoảng trên 3,3 nghìn km, kết nối với các trung tâm kinh tế, các đô thị, các vùng nông nghiệp và với mạng lưới đường sắt quốc tế (Lạng Sơn, Lào Cai).
- Đường sắt Bắc – Nam chạy song song quốc lộ 1 là trục giao thông quan trọng theo chiều dài đất nước. Các tuyến khác tập trung ở miền Bắc: Hà Nội – Hải Phòng,… Các tuyến đường sắt đô thị được phát triển ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
- Chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa của các ngành vận tải. Công nghệ, thiết bị, phương tiện vận tải đang được đầu tư, hiện đại hóa.
- Xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nhanh theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn giao thông; xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối giao thông vận tải trong nước và liên vận quốc tế.
3. Đường thủy nội địa
- Mạng lưới đường thủy nội địa phát triển và phân bố chủ yếu ở ĐB sông Hồng, ĐB sông Cửu Long, một số tuyến khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
- Các tuyến đường thủy nội địa chính ở khu vực phía Bắc két nối trung tâm kinh tế Hà Nội với các cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
- Các tuyến đường thủy nội địa phía nam kết nối trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh và các cảng biển lớn của vùng Đông Nam Bộ,
- Các tuyến đường thủy nội địa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu là các tuyến trong phạm vi địa bàn từng tỉnh.
- Chủ yếu vận chuyển hàng hóa, đảm nhận 15% khối lượng hàng hóa vận chuyển và 13% khối lượng hàng hóa luân chuyển của toàn ngành nhờ khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phương thức vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí thấp.
- Các cảng, bến thủy nội địa ở nước ta còn kết nối kém với đường bộ.
4. Đường biển
- Mạng lưới giao thông vận tải đường biển với các tuyến vận tải nội địa và quốc tế cùng hệ thống cảng biển không ngừng phát triển.
- Hệ thống cảng biển hình thành gắn với các vùng lãnh thổ, trung tâm kinh tế lớn. Tính đến 2021, cả nước có 34 cảng biển, trong đó có cảng biển được quy hoashcj thành cảng trung chuyển quốc tế là cảng Vân Phong.
- Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng, đứng đầu các ngành vận tải nước ta về khối lượng luân chuyển hàng hóa.
5. Đường hàng không
- Giao thông vận tải đường hàng không phát triển nhanh cả về đường bay và cảng hàng không.
- Hệ thống cảng hàng không phân bố tương đối hợp lí. Năm 2021 cả nước có 22 cảng, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế. Các cảng Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, đầu mối vận tải hàng không lớn nhất cả nước. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng với công suất 100 triệu hành khách/năm.
- Ngành vận tải hàng không phát triển rất nhanh, số lượng hành khách vận chuyển chỉ đứng sau ngành vận tải đường bộ.
III. BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
1. Bưu chính
- Mạng bưu chính được xây dựng, phát triển và phân bố rộng rãi. Doanh thu dịch vụ bưu chính không ngừng tăng (2021 đạt 26,8 nghìn tỉ)
- Năm 2021 cả nước có hơn 13 nghìn điểm bưu điện, trong đó hơn 8,1 điểm bưu điện văn hóa xã với trên 2,6 nghìn bưu cục giao dịch.
- Mạng lưới vận chuyển bưu chính với nhiều đường thư, có cả đường thư quốc tế tới khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Nhiều dịch vụ bưu chính ra đời: chuyển phát nhanh, điện hoa, phát hành báo chí, chuyển tiền.
- Tích cực đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số quốc gia, các bưu cục Trung ương đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
2. Viễn thông
- Ngành viễn thông nước ta phát triển theo hướng hiện đại, rộng khắp; tạo thành mạng lưới kết nối quan trọng, đồng bộ với dung lượng lứn, tốc độ cao.
- Mạng lưới viễn thông phát triển nhanh, đa dạng: mạng điện thoại, mạng phi thoại và mạng truyền dẫn. Mạng điện thoại và số thuê bao điện thoại tăng nhanh, điện thoại di dộng, điện thoại thông minh được dùng phổ biến.
- Mạng truyền dẫn phát triển và hội nhập với quốc tế qua hệ thống vệ tinh và cáp quang. Hiện có 7 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế và hai hệ thống truyền dẫn vệ tinh.
- Mạng băng rộng cố định phủ sóng toàn quốc, mạng băng rộng di động phát triển mạnh mẽ, 99,8% dân số được phủ sóng 4G, mạng di động 5G đang được triển khai ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Số thuê bao internet và doanh thu dịch vụ viễn thông có tốc độ tăng trưởng cao, 2 trạm trung chuyển internet quốc gia là Hà Nội và Bình Dương.
- Nhờ sự phát triển của công nghệ số và hạ tầng viễn thông, nước ta đang chuyển dịch thành hạ tầng số.