Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 11: Phạm vi Biển Đông: Các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông: Đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 8 Bài 11: Phạm vi Biển Đông: Các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông: Đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 8.
Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 11: Phạm vi Biển Đông: Các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông: Đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam
I. Phạm vi Biển Đông
- Biển Đông có diện tích khoảng 3,447 triệu km2, là biển lớn thứ hai của Thái Bình Dương và lớn thứ ba thế giới, nằm trong khoảng từ vĩ độ 3°N đến vĩ độ 26°B và từ kinh độ 100°Đ đến kinh độ 121°Đ.
- Biển Đông là biển tương đối kín vì được bao bọc bởi đất liền và hệ thống các đảo, quần đảo.
- Các nước có chung Biển Đông với Việt Nam là: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây và Phi-líp-pin.
II. Các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông
- Vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km2 trên Biển Đông, bao gồm: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
+ Đường cơ sở là căn cứ để xác định phạm vi, chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác. Đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam được Chính phủ Việt Nam tuyên bố ngày 12/11/1982 là đường nối các điểm từ 0 đến A11.
+ Nội thuỷ là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
+ Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.
+ Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
+ Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.
+ Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.
▪ Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lí thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lí tính từ đường cơ sở.
▪ Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lí tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lí tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lí tính từ đường đẳng sâu 2500 m.
- Trong vùng biển của Việt Nam có hai vịnh biển quan trọng là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan. Ngày 22/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã kí Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc Bộ. Đường phân định vịnh Bắc Bộ được xác định bằng 21 điểm nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng.
III. Đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam
♦ Địa hình
- Địa hình ven biển: khá đa dạng, gồm: các tam giác châu, các bãi cát phẳng, cồn cát, đầm, phá, vịnh cửa sông, vũng vịnh nước sâu, bờ biển bồi tụ, bờ biển mài mòn,...
- Địa hình thềm lục địa: nông, mở rộng ở vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, thu hẹp ở khu vực miền Trung. Vùng thềm lục địa được tiếp nối với địa hình trên đất liền, tạo nên sự thống nhất về tự nhiên giữa đất liền và vùng biển.
- Địa hình đảo:
+ Việt Nam có nhiều đảo và quần đảo, trong đó có hai quần đảo xa bờ là quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
+ Các đảo ven bờ của nước ta tập trung chủ yếu ở vùng biển phía bắc (tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng,...) và phía nam (tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Kiên Giang,...).
+ Các đảo và quần đảo nước ta có độ cao không lớn, một số đảo thường bị ngập khi thuỷ triều lên.
♦ Khí hậu: Vùng biển đảo nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa hải dương.
- Nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là khoảng trên 23 °C.
+ Vào mùa hạ, nhiệt độ giữa các vùng biển tương đối đồng nhất; trong khi vào mùa đông, sự chênh lệch nhiệt độ này thể hiện rõ hơn.
+ Nhìn chung, nhiệt độ trung bình năm của vùng biển đảo nước ta có xu hướng tăng dần từ bắc vào nam.
- Lượng mưa trung bình năm trên biển thường thấp hơn trên đất liền, khoảng 1100 mm/năm trở lên.
- Hướng gió trên Biển Đông thay đổi theo mùa.
+ Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió hướng đông bắc chiếm ưu thế.
+ Các tháng còn lại, gió hướng tây nam chiếm ưu thế, riêng vịnh Bắc Bộ, gió chủ yếu có hướng đông nam.
+ Gió trên biển mạnh hơn nhiều so với gió trên đất liền.
- Vùng biển đảo nước ta chịu nhiều thiên tai như: áp thấp nhiệt đới, bão, dông, lốc,... Trung bình mỗi năm có từ 3 đến 4 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào vùng biển đảo Việt Nam.
♦ Hải văn
- Độ muối trung bình của nước biển Biển Đông là khoảng 32 %0 - 33%0, có sự thay đổi theo mùa, theo từng khu vực và theo độ sâu. Ngoài khơi có độ muối cao và ổn định hơn so với khu vực ven bờ.
- Chế độ thuỷ triều vùng biển ven bờ nước ta rất đa dạng, bao gồm: nhật triều đều, nhật triều không đều, bán nhật triều đều và bán nhật triều không đều.
+ Chế độ nhật triều đều rất điển hình ở vùng biển ven bờ từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Thanh Hoá.
+ Một số nơi có chế độ bán nhật triều không đều như vùng biển từ tỉnh Quảng Trị đến thành phố Đà Nẵng, vùng biển tỉnh Cà Mau.
- Trên vùng biển nước ta có các dòng biển hoạt động theo mùa.
+ Vào mùa đông, dòng biển có hướng đông bắc - tây nam.
+ Vào mùa hạ, dòng biển có hướng tây nam - đông bắc.
+ Ở vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan có những dòng biển riêng.
♦ Sinh vật
- Sinh vật biển rất phong phú và đa dạng với các loài cá, tôm, mực, rắn biển, rùa biển, san hô,...
- Trên các đảo và ven biển còn có rừng nhiệt đới thường xanh, rừng ngập mặn với một số loài cây đặc trưng như: sú, vẹt, đước, mắm,...
♦ Khoáng sản
- Thềm lục địa Việt Nam có dầu mỏ, khí đốt.
- Ngoài ra, vùng ven biển nước ta còn có một số loại khoáng sản khác như: ti-tan, ni-ken, cát,... Đáy biển Việt Nam còn có trữ lượng băng cháy khá lớn.