Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 8.
Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam
I. Môi trường biển đảo Việt Nam
1. Đặc điểm môi trường biển đảo
- Môi trường biển đảo có liên quan mật thiết và ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Đặc điểm của môi trường biển đảo khác với môi trường trong đất liền:
+ Môi trường biển không thể chia cắt. Trên thực tế, môi trường biển không giống như đất liền, rất dễ bị phá vỡ. Các sự cố làm ô nhiễm nước biển rất khó để xử lí, chỉ cần một vùng nước nhỏ bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho cả vùng nước rộng lớn và khu vực ven bờ cũng như trên các đảo.
+ Môi trường đảo sẽ thay đổi rất nhanh khi có tác động của con người. Đảo thường có diện tích nhỏ, nằm biệt lập với đất liền nên chỉ cần một tác động nhỏ của con người cũng có thể gây ra một chuỗi biến động và phá vỡ cân bằng sinh thái rất nhanh. Ví dụ: Ở các đảo nếu mất lớp phủ thực vật sẽ dẫn đến suy giảm tài nguyên đất, mất nguồn nước ngọt, từ đó mất đi môi trường sống.
2. Vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam
- Bảo vệ môi trường biển đảo là một vấn đề quan trọng, do:
+ Biển đảo có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Biển đảo cung cấp cho con người nhiều nguồn tài nguyên, là cửa ngõ giúp nước ta mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới.
+ Nước ta có tới 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển; có tới trên 50 triệu người dân đang sinh sống ở vùng ven biển và hải đảo, trong đó một lực lượng dân cư khá lớn có cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào biển đảo.
+ Hoạt động công nghiệp đang thải ra biển nhiều chất độc hại. Sự cố tràn dầu, rửa tàu và các hoạt động kinh tế, khác đang làm nước biển bị ô nhiễm
+ Môi trường bờ biển, thềm lục địa và ở các đảo cũng bị ảnh hưởng do quá trình phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường.
+ Tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu; biển xâm thực cũng đang ảnh hưởng rất xấu tới môi trường biển đảo.
+ Ô nhiễm môi trường nước biển đang làm suy giảm đa dạng sinh học, làm cho các hệ sinh thái rất khó phục hồi, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế như: du lịch, đánh bắt và nuôi trồng hải sản,...
- Một số giải pháp để bảo vệ môi trường biển đảo như:
+ Không trực tiếp xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường biển.
+ Khai thác và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển.
+ Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển.
+ Trồng và bảo vệ rừng ven biển, rừng ngập mặn.
+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển đảo nói riêng.
+ Đẩy mạnh các hoạt động thu gom rác, dọn rác, xử lí rác để làm sạch bờ biển.
+ Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.
II. Tài nguyên biển đảo và thềm lục địa Việt Nam
♦ Tài nguyên sinh vật
- Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên sinh vật biển của nước ta rất phong phú, thành phần loài đa dạng, nhiều loài quý hiếm, nhiều loài có giá trị kinh tế cao.
- Vùng biển Việt Nam có trên 2 000 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao; khoảng 100 loài tôm; khoảng 600 loài rong biển;... phân bố rộng khắp từ bắc vào nam. Ngoài ra, vùng biển nước ta còn có các loài đặc sản khác như: đồi mồi, sò huyết, bào ngư, hải sâm, cua, rong, tảo biển,... Ở các đảo đá ven bờ còn có chim yến.
- Việt Nam còn có diện tích rừng ngập mặn đứng thứ hai trên thế giới; đây là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật.
♦ Tài nguyên khoáng sản
- Nước ta có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt với trữ lượng khá lớn ở thềm lục địa, đặc biệt là thềm lục địa phía nam. Nhiều mỏ dầu khí đã được thăm dò và khai thác như: Hồng Ngọc, Bạch Hổ, Rạng Đông, Đại Hùng,...
- Ven biển Việt Nam còn có ti-tan, cát,.. là nguyên liệu cho các ngành sản xuất vật liệu, công nghiệp và xây dựng.
- Vùng biển nước ta còn có nguồn muối dồi dào, đặc biệt là ở vùng ven biển Nam Trung bộ.
♦ Tài nguyên du lịch
- Từ bắc vào nam, dọc bờ biển nước ta có nhiều bãi biển đẹp; các vũng, vịnh, đầm, phá; các đảo gần bờ, cùng với hệ sinh thái ven biển đều là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị.
♦ Tài nguyên năng lượng biển
- Vùng biển nước ta còn có tiềm năng năng lượng lớn từ thuỷ triều, sóng, gió,... đặc biệt là năng lượng từ băng cháy. Các nguồn tài nguyên năng lượng này nếu được khai thác tốt sẽ trở thành thế mạnh của nước ta trong giai đoạn tới.
♦ Đánh giá chung:
- Nguồn tài nguyên biển đảo và thềm lục địa của nước ta rất phong phú, đã và đang được khai thác để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Việt Nam cần có những giải pháp hợp lí để khai thác hiệu quả các tài nguyên của vùng biển đảo mà vẫn bảo vệ được môi trường.