Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 8: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thuỷ văn Việt Nam
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 8 Bài 8: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thuỷ văn Việt Nam sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 8.
Lý thuyết Địa Lí 8 Cánh diều Bài 8: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thuỷ văn Việt Nam
I. Tác động của biến đổi khí hậu
1. Đối với khí hậu
♦ Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ rệt, có tác động trực tiếp đến các yếu tố của khí hậu, trước hết là nhiệt độ, mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước ta:
- Gia tăng nhiệt độ: Trong nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu đã làm cho nhiệt độ của Trái Đất, trong đó có Việt Nam liên tục tăng. Trong giai đoạn 1958 - 2018, nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng lên 0,89 °C.
- Biến động về mưa:
+ Lượng mưa thay đổi mạnh nhưng rất khác nhau theo thời gian, không gian và cường độ. Trên phạm vi cả nước, tổng lượng mưa năm tăng khoảng 2,1 % trong giai đoạn 1958 - 2018, nhưng giảm đi ở miền khí hậu phía bắc và tăng lên ở miền khí hậu phía nam.
+ Số ngày mưa lớn cũng tăng lên ở Bắc Bộ, Trung Bộ nhưng giảm đi ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
+ Mưa lớn xảy ra bất thường hơn về thời gian, địa điểm và cường độ.
- Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan:
+ Nhiệt độ tối cao và số ngày nắng nóng tăng lên trên phạm vi cả nước; số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng giảm ở miền khí hậu phía bắc.
+ Tình trạng hạn hán có xu hướng tăng ở miền khí hậu phía bắc, giảm đi ở miền khí hậu phía nam.
+ Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới tăng lên, những cơn bão mạnh tăng và thất thường về cường độ, thời gian hoạt động. Hiện tượng lũ lụt, sạt lở đất, mưa đá,... cũng tăng lên rõ rệt.
+ Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng các đợt rét đậm, rét hại có nhiệt độ thấp kỉ lục có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở vùng đồi núi phía bắc...
2. Đối với thuỷ văn
♦ Thuỷ văn nước ta phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ và lượng mưa. Do đó, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, gia tăng thiên tai và nước biển dâng.
- Thay đổi chế độ dòng chảy:
+ Biến động của lượng mưa kéo theo sự thay đổi mạnh và thất thường của chế độ dòng chảy sông ngòi nước ta: mùa lũ, mực nước sông dâng cao, lũ thường lên nhanh và bất thường nên rất khó dự báo để phòng tránh; mùa cạn, dòng chảy sông ngòi giảm mạnh, mực nước sông hạ thấp.
+ Chế độ dòng chảy có sự chênh lệch lớn giữa các mùa và giữa các hệ thống sông.
- Gia tăng lũ lụt, sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn: Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng lũ lụt, sạt lở bờ sông trong mùa lũ; hạn hán kéo dài ở nhiều vùng trên cả nước và nhiễm mặn ở các đồng bằng ven biển trong mùa cạn.
- Nước biển dâng: Biến đổi khí hậu làm mực nước biển, đại dương tăng lên. Tính trung bình, mực nước tại các trạm hải văn ven biển có xu thế tăng 2,74 mm/năm.
II. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
- Ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết ở nước ta.
- Có hai nhóm giải pháp cần được tiến hành đồng thời là thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, vì chúng có tác động lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau.
♦ Nhóm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
- Có nhiều giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta, như:
+ Thay đổi cơ cấu mùa vụ, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình thuỷ lợi.
+ Bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.
+ Xây dựng các cơ sở sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường.
+ Phát triển giao thông công cộng và khuyến khích người dân sử dụng.
+ Sử dụng năng lượng (điện, xăng, dầu,...) tiết kiệm và hiệu quả.
♦ Nhóm giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu
- Để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, nước ta cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau đây:
+ Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ để hạn chế sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật,...
+ Xử lí và tái sử dụng các phụ phẩm phế thải.
+ Cải tiến công nghệ, kĩ thuật để tiết kiệm nguồn năng lượng.
+ Phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời,...
+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.