Vở bài tập Lịch Sử 6 Bài 26: Cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương
Vở bài tập Lịch Sử 6 Bài 26: Cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương
Bài 1 trang 62 Vở bài tập Lịch sử 6: Giữa năm 905, nhân lúc nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ đã tập hợp nghĩa quân nổi dậy chiếm thành Tống Bình (trụ sở của chính quyền đô hộ) rồi xưng Tiết độ sứ. Đầu năm 906, vua Đường phải thừa nhận và sắc phong Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ.
Theo em thì nhân định nào sau đây là đúng nhất? (Đánh dấu X vào ô trống trước ý đúng).
[ ] Nước ta vẫn còn hoàn toàn lệ thuộc vào nhà Đường như khi Tiết độ sứ và quan lại đều là người Trung Quốc.
[ ] Tuy còn phụ thuộc ít nhiều vào nhà Đường, nhưng đất nước bước đầu đã có quyền tự chủ, nhân dân ta đỡ bị khổ ải, lầm than hơn trước.
[ ] Đất nước đã giành được độc lập toàn vẹn, không còn phụ thuộc gì vào các triều đại phong kiến Trung Quốc, địa vị của nước ta ngang hàng với các nước khác.
Trả lời:
[X] Tuy còn phụ thuộc ít nhiều vào nhà Đường, nhưng đất nước bước đầu đã có quyền tự chủ, nhân dân ta đỡ bị khổ ải, lầm than hơn trước.
Bài 2 trang 63 Vở bài tập Lịch sử 6: Năm 907, Khúc Hạo (con của Khúc Thừa Dụ) đặt lại các khu vực hành chính, cử người trông coi việc đến tận xã, xem xét định lại mức thuế, bãi bỏ các thứ lao dịch nặng nề, lập lại sổ hộ khẩu.
Những việc làm trên nhằm giải quyết vấn đề gì thuộc các lĩnh vực sau đây?
a) Quyền tự chủ của đất nước
b) Đời sống của nhân dân
Trả lời:
a) Quyền tự chủ của đất nước: Khúc Hạo đã xây dựng đất nước theo đường lối tự chủ, bớt sự lệ thuộc vào nhà Đường. Ông đặt lại các khu vực hành chính, cử người trông coi việc đến tận xã.
b) Đời sống của nhân dân: Với những việc xem xét định lại mức thuế, bãi bỏ các thứ lao dịch nặng nề, lập lại sổ hộ khẩu, đời sống nhân dân được cải thiện, nhân dân bớt cực khổ.
Bài 3 trang 63 Vở bài tập Lịch sử 6: Hãy đánh dấu X vào ô trống trước câu trả lời đúng.
Khi nhận thấy nhà Nam Hán đang rắp tâm đem quân xâm lược nước ta, Khúc Hạo gửi con là Khúc Thừa Mĩ sang làm con tin vì:
[ ] Sợ nhà Nam Hán nên phải làm vậy để chúng không đem quân xâm lược.
[ ] Gửi con sang như vậy thì mối quan hệ giữa nước ta và nhà Nam Hán sẽ tốt đẹp, không phải lo gì đến việc kháng chiến.
[ ] Biết nhà Nam Hán trước sau không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta nên gửi con sang làm con tin để kéo dài thời gian hòa bình, củng cố chính quyền, xây dựng đất nước, phát triển lực lượng chuẩn bị kháng chiến.
Trả lời:
[X] Biết nhà Nam Hán trước sau không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta nên gửi con sang làm con tin để kéo dài thời gian hòa bình, củng cố chính quyền, xây dựng đất nước, phát triển lực lượng chuẩn bị kháng chiến.
Bài 4 trang 64 Vở bài tập Lịch sử 6: Năm 930, vua Nam Hán huy động một lực lượng lớn cả quân thủy lẫn quân bộ sang đánh nước ta. Khúc Thừa Mĩ chống cự không nổi đã bị bắt đem về cho nhà Hậu Lương, nền độc lập của đất nước đến đây lại bị mất.
Đoạn văn trên có những từ nào dùng chưa thật đúng, em có thể cùng các bạn trao đổi và tìm từ khác thay thế cho phù hợp.
Viết lại đoạn văn vào phần dưới đây:
Trả lời:
Năm 930, quân Nam Hán đánh sang nước ta. Khúc Thừa Mĩ chống cự không nổi bị bắt đem về Quảng Châu. Nhà Nam Hán nhân đó cử Lý Tiến làm Thứ sử Giao Châu, đặt cơ quan đô hộ ở Tống Bình (Hà Nội).
Bài 5 trang 64 Vở bài tập Lịch sử 6: Năm 931, Dương Đình Nghệ từ làng Giàng, Ái Châu (Dương Xá, Đông Sơn, Thanh Hóa) kéo quân ra Bắc nhanh chóng chiếm lại được thành Tống Bình và đánh tan đạo quân tiếp viện (điều đặc biệt là toàn thể đạo quân mang họ của Dương Đình Nghệ). Em thử giải thích tại sao những người lính này lại không lấy họ cha, họ mẹ của mình mà lại lấy họ của người chỉ huy? Việc làm này có liên quan gì với chiến thắng vừa nêu ở trên?
Trả lời:
- Những người lính không lấy họ cha mẹ mà lấy họ của người chỉ huy vì họ quyết tâm hết lòng theo chỉ huy của mình. Ngoài ra, Dương Đình Nghệ thuộc dòng họ lớn, ông nuôi 3000 “con nuôi” đều lấy họ Dương.
- Việc làm này tạo ra sức mạnh đoàn kết cao độ của nghĩa quân, là một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi nêu trên.
Bài 6 trang 64 Vở bài tập Lịch sử 6: Họ Khúc có công dựng quyền tự chủ cho đất nước, họ Dương có công giành lại quyền tự chủ cho dân tộc. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 100 từ) nói về chủ đề trên.
Trả lời:
Năm 905, được nhân dân ủng hộ, Khúc Thừa Dụ đã tổ chức đánh chiếm thành Tống Bình, tự xưng là Tiết độ sứ, xây dựng chính quyền tự chủ. Năm 930, quân Nam Hán đánh sang nước ta. Khúc Thừa Mĩ chống cự không nổi bị bắt đem về Quảng Châu. Năm 931, một tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ đem quân từ Thanh Hóa ra Bắc tấn công thành Tống Bình. Sau khi đánh tan quân Nam Hán, Dương Đình Nghệ tự xưng Tiết độ sứ, tiếp tục xây dựng nền tự chủ.