X

Giáo án Lịch sử 6 Kết nối tri thức

Giáo án Lịch Sử 6 Bài 18: Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ X - Kết nối tri thức


Giáo án Lịch Sử 6 Bài 18: Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ X - Kết nối tri thức

BÀI 18: BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ ĐẦU THẾ KỈ X

I. MỤC TIÊU

1. Kiến thức: Thông qua bài học, HS nắm được:

- Những nét chính về các cuộc vận động giành quyền tự chủ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của họ Khúc và họ Dương

- Những nét chính về trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938 và những điểm độc đáo trong cách tổ chức đánh giặc của Ngô Quyền

- Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng năm 938

2. Năng lực

* Năng lực chung:

- Năng lực giao tiếp, hợp tác: Trao đổi, thảo luận để thực hiện các nhiệm vụ học tập.

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Sử dụng các kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế, tìm tòi, phát hiện giải quyết các nhiệm vụ trong cuộc sống.

* Năng lực riêng:

- Trình bày được những nét chính về các cuộc vận động giành quyền tự chủ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của họ Khúc và họ Dương.

- Mô tả được những nét chính của trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938 và những điểm độc đáo trong tổ chức đánh giặc của Ngô Quyền.

- Nêu được ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

3. Phẩm chất

- Bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý chí căm thù giặc ngoại xâm.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1. Đối với giáo viên

- Giáo án, SGV, SGK Lịch sử và Địa lí 6.

- Lược đồ về các cuộc khởi nghĩa.

- Máy tính, máy chiếu (nếu có).

2. Đối với học sinh

- SGK Lịch sử và Địa lí 6.

- Tranh ảnh, tư liệu sưu tầm liên quan đến bài học (nếu có) và dụng cụ học tập theo yêu cầu của GV.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

A. KHỞI ĐỘNG

a. Mục tiêu: Tạo tâm thế hứng thú cho học sinh và từng bước làm quen bài học.

b. Nội dung: GV trình bày vấn đề, HS trả lời câu hỏi.

c. Sản phẩm học tập: HS lắng nghe và tiếp thu kiến thức.

d. Tổ chức thực hiện:

- GV giao nhiệm vụ cho HS bằng các câu hỏi và quan sát hình ảnh trong SGK.

- Học sinh lắng nghe và trả lời câu hỏi của giáo viên

- Đánh giá nhiệm vụ học tập: GV đánh giá câu trả lời của HS, chọn 1 sản phẩm làm tình huống dẫn vào bài mới: những cuộc khởi nghĩa từ Hai Bà Trưng đến Phùng Hưng lần lượt nổ ra và thất bại nhưng khát khao giành độc lập của nhân dân ta vẫn rực cháy suốt ngàn năm Bắc thuộc. Đầu thế kỉ X, một bước ngoặt lịch sử quan trọng đã xảy ra, biến khát khao thiêng liêng đó của dân tộc trở thành hiện thực. Để tìm hiểu rõ hơn về bước ngoặt lịch sử quan trọng này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài học ngày hôm nay - Bài 18. Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ X.

B. HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Hoạt động 1: Tìm hiểu mục I. Họ Khúc và họ Dương dựng nền tự chủ

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS nêu được :

- Những việc làm của Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo để gây dựng nền tự chủ;

- Diễn biến, kết quả của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ nhất do Dương Đình Nghệ lãnh đạo

b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SGK, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.

c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân, thảo luận theo cặp và trả lời câu hỏi.

d. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

 

I. Họ Khúc và họ Dương dựng nền tự chủ

Bước 1: GV chuyển giao NV học tập

Nhiệm vụ 1. GV yêu cầu HS đọc thông tin mục a) và trả lời câu hỏi:

a) Cuộc nổi dậy của Khúc Thừa Dụ và cải cách của Khúc Hạo

? Khúc Thừa Dụ đã giành quyền tự chủ như thế nào?

- Quá trình nổi dậy đấu tranh:

+ Từ cuối thế kỉ IX, nhà Đường ngày càng suy yếu. Giữa năm 905, nhân cơ hội Tiết độ sứ Độc Cô Tổn bị giáng chức, Khúc Thừa Dụ đã tập hợp nhân dân nổi dậy, chiếm thành Đại La (Hà Nội), tự xưng tiết độ sứ.

+ Đầu năm 906, hoàng đế nhà Đường buộc phải công nhận, phong Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ An Nam.

? Việc nhà Đường công nhận chức Tiết độ sứ cho Khúc Thừa Dụ thể hiện điều gì?

- Việc nhà Đường công nhận chức Tiết độ sứ cho Khúc Thừa Dụ đã cho thấy:

+ Sự suy yếu của nhà Đường.

+ Khúc Thừa Dụ đã thực hiện việc giành lại chính quyền một cách khéo léo, đẩy nhà Đường vào thế đã rồi – buộc phải công nhận chính quyền tự chủ của người Việt.

? Nêu nội dung và ý nghĩa cải cách của Khúc Hạo.

- Nội dung cải cách của Khúc Thừa Hạo:

+ Chia, đặt lại các lộ, phủ, châu và xã...

+ Thực hiện: bình quân thuế ruộng cho công bằng, tha bỏ lực dịch cho dân bớt khổ

+ Lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên quê quán để quản lí cho thống nhất.

- Ý nghĩa:

+ Củng cố chính quyền tự chủ…

+ Xây dựng được một chính quyền dân tộc thống nhất, vững mạnh từ trung ương đến các làng xã, khắc phục được tính phân tán quyền lực.

+ Bồi dưỡng sức dân; thúc đẩy sức sản xuất đồng thời tập hợp được mọi lực lượng yêu nước để bảo vệ nền tự chủ.

+ Đặt nền móng, tạo điều kiện để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn (năm 938)

Nhiệm vụ 2. GV yêu cầu HS đọc thông tin mục b) và quan sát Lược đồ hình 3, trả lời câu hỏi:

b) Dương Đình Nghệ chống quân Nam Hán, củng cố nền tự chủ

? Trình bày diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán do Dương Đình Nghệ lãnh đạo?

- Diễn biến chính :

+ Mùa thu năm 930, quân Nam Hán xâm lược nước ta. Dương Đình Nghệ - một vị tướng cũ của Khúc Hạo đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy đấu tranh.

+ Từ làng Ràng, Dương Đình Nghệ kéo quân vây chiếm thành Tống Bình.

+ Quân Nam Hán phải rút chạy về nước.

? Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán do Dương Đình Nghệ lãnh đạo có kết quả như thế nào ? Ý nghĩa ra sao ?

- Kết quả - ý nghĩa:

+ Cuộc kháng chiến thắng lợi.

+ Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, tiếp tục xây dựng nền tự chủ nước nhà.

Bước 2: HS thực hiện NV học tập

- GV hướng dẫn, HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu.

- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV gọi HS trả lời câu hỏi.

- GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới

 

Hoạt động 2: Tìm hiểu mục II. Ngô Quyền và khúc tráng ca sông Bạch Đằng

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS chỉ ra được những hoạt động chuẩn bị đánh giặc của Ngô Quyền; trình bày được diễn biến trận chiến trên sông Bạch Đằng trên lược đồ; rút ra được những điểm độc đáo trong cách tổ chức đánh giặc của Ngô Quyền qua trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng; ý nghĩa của chiến thằng Bạch Đằng năm 938.

b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SGK, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.

c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân, thảo luận theo nhóm và trả lời câu hỏi.

d. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

 

II. Ngô Quyền và khúc tráng ca sông Bạch Đằng

Bước 1.GV chuyển giao NV học tập

Nhiệm vụ 1. GV yêu cầu HS đọc thông tin mục a) SGK và trả lời câu hỏi:

a) Kế hoạch đánh giặc

? Mục đích của quân Nam Hán khi tiến đánh nước ta lần thứ 2 là gì?

- Mục đích của quân Nam Hán: bành trướng, mở rộng lãnh thổ của nhà Nam Hán.

? Ngô Quyền đã chuẩn bị kế hoạch cho trận thủy chiến chặn giặc như thế nào?

- Ngô Quyền đã chuẩn bị kế hoạch cho trận thủy chiến chặn giặc:

+ Phân tích điểm mạnh – thế yếu của quân Nam Hán.

+ Lựa chọn cửa sông Bạch Đằng để dựng trận địa quyết chiến với quân Nam Hán.

+ Sai người đem cọc vạt nhọn, đầu bịt sắt đóng ngầm trước cửa biển.

- GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp và trả lời các câu hỏi:

? Tại sao Ngô Quyền chọn sông Bạch Đằng làm trận địa chống quân Nam Hán?

 

 

- Ngô Quyền chọn sông Bạch Đằng làm trận địa chống quân Nam Hán, vì nơi đây là khu vực có địa thế hiểm trở, thuận lợi cho việc tổ chức trận địa mai phục quân địch:

+ Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là đường giao thông quan trọng từ Biển Đông vào nội địa Việt Nam. Muốn xâm nhập vào Việt Nam bằng đường thủy, quân Nam Hán chắn chắn sẽ phải đi qua cửa biển này.

+ Cửa biển Bạch Đằng rộng hơn 2 dặm, ở đó có nhiều núi cao, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời; cây cối um tùm che lấp bờ sông.

+ Hạ lưu sông Bạch Đằng thấp, độ dốc không cao nên chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh. Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài cây số. Lòng sông đã rộng, lại sâu, từ 8 mét - 18 mét. Khi thủy triều xuống, nước rút nhanh (khoảng 0.3 mét trong một giờ) ào ào xuôi ra biển, mực nước chênh lệch khi cao nhất và thấp nhất là khoảng 3 mét.

? Theo em, trận địa cọc Bạch Đằng sẽ gây khó khăn gì cho quân giặc?

- Những khó khăn của quân Nam Hán: không thông thuộc địa hình; khó nắm được thời gian và mực nước trên sông Bạch Đằng khi thủy triều lên / xuống.

=> khi thủy triều lên, quân Nam Hán không nhận ra trận địa cọc ngầm của người Việt; khi nước triều rút, các thuyền chiến của quân Nam Hán bị mắc kẹt.

Nhiệm vụ 2. GV yêu cầu HS quan sát Lược đồ hình 6:  Hãy thuật lại ngắn gọn diễn biến trận chiến trên sông Bạch Đăng năm 938?

b) Trừ ngoại xâm, dậy sóng Bạch Đằng

- Diễn biến trận Bạch Đăng năm 938:

+ Cuối năm 938, đoàn thuyền chiến do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Nhân lúc thuỷ triểu lên, Ngô Quyền cho thuyền nhỏ ra khiêu chiến, nhử quân giặc tiến sâu vào cửa sông.

+ Lưu Hoằng Tháo cho quân đuổi theo, vượt qua bãi cọc ngầm.

+ Đợi khi thuỷ triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh tấn công.

+ Quân giặc thua và phải rút ra biển, thuyền va vào cọc nhọn. Lưu Hoằng Tháo tử trận.

- GV chia HS làm các nhóm, yêu cầu HS thảo luận và trả lời câu hỏi:

? Theo em, nét độc đáo trong cách tổ chức đánh giặc của Ngô Quyên thể hiện ở những điểm nào?

- Nét độc đáo trong cách tổ chức đánh giặc của Ngô Quyên thể hiện điểm:

+ Ngô Quyền đã phân tích được thế mạnh yếu của quân giặc.

+ Biết lợi dụng lợi thế của sông Bạch Đằng để tổ chức thủy chiến.

? Nêu ý nghĩa của chiến thắng Bạch Đằng đối với lịch sử dân tộc?

-Ý nghĩa:

+ Đánh bại ý chí xâm lược của Nam Hán.

+ Thể hiện lòng yêu nước, ý chí đấu tranh chống ngoại xâm của người Việt

+ Chấm dứt thời kì Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc Việt Nam.

Bước 2: HS thực hiện NV học tập

- GV hướng dẫn, HS đọc SGK và thực hiện yêu cầu.

- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV gọi HS trả lời câu hỏi.

- GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức

 

C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP

a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi lý thuyết .

b. Nội dung: HS sử dụng SGK, kiến thức đã học, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.

c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi phần luyện tập SGK.

- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.

- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.

D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG

a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi thực hành.

b. Nội dung: HS sử dụng SGK, kiến thức đã học, kiến thức và hiểu biết thực tế, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.

c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

- GV yêu cầu HS trả lời các câu hỏi phần vận dụng trong SGK.

- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời.

- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.

* DẶN DÒ:

- Học bài và trả lời những câu hỏi trong sách giáo khoa.

- Xem trước nội dung bài 19. Vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X

- Sưu tầm tranh ảnh, tư liệu lịch sử về vương quốc Chăm-pa.

Xem thêm các bài soạn Giáo án Lịch sử lớp 6 Kết nối tri thức hay, chuẩn khác: