SBT Ngữ văn 10 Bài tập 8 trang 5, 6 - Kết nối tri thức


Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài tập 8 trang 5, 6 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10.

Giải SBT Ngữ văn 10 Bài tập 8 trang 5, 6 - Kết nối tri thức

Bài tập 8 trang 5, 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Dục Thuý sơn trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 24) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Dựa vào gợi ý trong phần cước chú cho bài thơ này ở SGK (tr. 24), hãy sưu tầm một bài thơ của tác giả khác cùng viết về núi Dục Thuý. Nêu cảm nhận của bạn về bài thơ đó.

Trả lời:

- Phần cước chú trong SGK đã gợi ý cho biết: Núi Dục Thuý (núi Non Nước ở Ninh Bình) từng được mệnh danh là “núi thơ” vì đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân. Nổi tiếng trong số đó có thể kể đến là: Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát, Tản Đà,... Thông qua các nguồn tài liệu như các tổng tập, hợp tuyển thơ văn hoặc thi tập riêng của các tác giả hoặc dựa vào gợi ý của các công cụ tìm kiếm tài liệu trên internet, bạn có thể đọc mở rộng và tìm được một tác phẩm thơ ca theo yêu cầu (thơ ca trung đại viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hoặc thơ ca hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ). Từ đó lựa chọn một tác phẩm mà mình yêu thích, chép lại để giới thiệu với thầy cô và các bạn. Lưu ý: ghi rõ tên tác phẩm, tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác (nếu biết); nếu là thơ chữ Hán thì có cả phần phiên âm và bản dịch; hệ thống cước chứ,;...

- Nêu cảm nhận về bài thơ: Đây là một câu hỏi mở, có thể phát biểu tự do về cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm. Tuy vậy, trả lời dạng câu hỏi này đòi hỏi phải chân thật, xuất phát từ việc trân trọng tác phẩm và từ chính những cảm thụ của mình. Câu trả lời một cách chung chung, không xuất phát từ việc cảm thụ tác phẩm sẽ không đạt yêu cầu.

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy nhớ lại cách phân chia bố cục của bài thơ này khi học ở trên lớp. Ngoài cách phân chia đó, theo bạn, còn có thể chia bố cục tác phẩm này theo cách nào? Nêu lí do bạn đề xuất cách phân chia như vậy.

Trả lời:

- Xét về nội dung và cảm hứng, dễ nhận thấy bài Dục Thuý sơn có mô hình kết cấu 6/2. Trong đó:

+ sáu câu đầu thiên về tả cảnh, bức tranh núi Dục Thuý;

+ hai câu kết thể hiện cảm xúc hoài niệm của tác giả.

- Ở một góc độ khác, có thể chấp nhận mô hình cấu trúc đề - thực - luận - kết. Trong đó:

+ hai câu đề: giới thiệu chung về cảnh vật;

+ hai câu thực: cảnh đẹp của ngọn núi nhìn từ xa, trên cao;

+ hai câu luận: vẻ đẹp của ngọn núi nhìn từ điểm nhìn cận cảnh;

+ hai câu kết: tâm sự hoài niệm trước cảnh vật; sự “vận động” của ý thơ đi từ chung đến riêng, từ khái quát đến cụ thể, từ ngoại cảnh đến nội tâm.

- Ngoài ra, lại cũng có thể xác định mô hình kết cấu khác là 2/4/2. Trong đó:

+ hai câu đầu: giới thiệu chung về cảnh vật trong “mối quan hệ” với tác giả;

+ bốn câu giữa: bức tranh sơn thuỷ hữu tình;

+ hai câu kết: tâm sự hoài niệm của nhà thơ.

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Xác lập mô hình thanh điệu (theo luật) của bài thơ, chỉ ra điểm khác nhau về mô hình này giữa nguyên văn với bản dịch.

Trả lời:

- Căn cứ thanh điệu từng tiếng trong mỗi câu để xác định. Ví dụ, với câu 1 thì cả nguyên văn và bản dịch đều là: T-T-T-B-B (Hải khẩu hữu tiên san - Cửa biển có non tiên); không có gì khác biệt; với câu 3 thì nguyên văn là B-B-B-T-T (Liên hoa phù thuỷ thượng) còn bản dịch là T-B-B-T-T (Cảnh tiên rơi cõi tục). Bản dịch đã đảo thứ tự câu thơ.

- Cần ôn lại kiến thức về “niêm luật” trong thơ Đường luật, ở đây là thể ngũ ngôn bát cú. Về luật bằng - trắc, công thức của thơ ngũ ngôn chính là công thức của thơ thất ngôn bỏ đi phần công thức của hai chữ đầu.

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, câu thơ nào trong bài thể hiện rõ nhất sự liên tưởng - tưởng tượng của tác giả? Biện pháp tu từ nổi bật nhất được tác giả sử dụng trong câu thơ để biểu đạt sự liên tưởng - tưởng tượng là gì?

Trả lời:

- Bài thơ có nhiều câu thơ thể hiện năng lực liên tưởng bất ngờ, sự tưởng tượng nhạy cảm và phong phú của tác giả. Trong đó, câu thơ thứ 3 (Liên hoa phù thuỷ thượng)

và câu thơ thứ 5 (Tháp ảnh trâm thanh ngọc) có thể coi là nổi bật nhất.

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong cả hai câu thơ thứ 3 và thứ 5 đều là so sánh, ẩn dụ.

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Sự hoài niệm của tác giả trước cảnh đẹp núi Dục Thuý gợi cho bạn suy nghĩ gì về đời sống tâm hồn của nhà thơ?

Trả lời:

- Về “đối tượng” hoài niệm, trong trường hợp cụ thể này là nhân vật lịch sử Trương Hán Siêu ở đời Trần và danh thắng di tích lịch sử núi Dục Thuý. Việc tìm hiểu thêm một số thông tin về Trương Hán Siêu và núi Dục Thuý là cần thiết:

+ Trương Hán Siêu là người có tài thao lược, có công phát triển tư tưởng quân sự Đại Việt, giúp bàn định mưu kế trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần 2 và 3, được nhiều vua đời Trần và Trần Hưng Đạo mến phục. Cùng với các danh thần nổi tiếng thời Trần như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi,... ông được lịch sử đánh giá là một tài năng lỗi lạc. Trương Hán Siêu có học vấn uyên bác, là Hàn lâm học sĩ, làm đến chức Thượng thư, được truy tặng hàm Thái bảo, Thái phó, được thờ ở Văn Miếu, danh tiếng sánh ngang các bậc tiên hiền. Bên cạnh tư cách một nhà chính trị, một nhà tư tưởng, một nhà sử học, một nhà giáo,... Trương Hán Siêu còn là một nhà văn hoá, một nhà thơ, nhà văn có nhiều cống hiến. Tác phẩm văn học của ông nổi tiếng nhất là bài Bạch Đằng giang phú, được hậu thế liệt vào những áng thiên cổ hùng văn của nước Việt văn hiến.

+ Núi Non Nước là một danh thắng ở đất Cố đô Hoa Lư, nằm án ngữ ngã ba sông Vân - sông Đáy, hồi thế kỉ XV, vùng này còn gần cửa biển. Thời Lý Nhân Tông, quốc sư Minh Không đã xây dựng chùa tháp ở núi này. Trương Hán Siêu là người đã đặt tên cho núi là Dục Thuý. Đời Trần Hiển Tông, sư Trí Nhu cho trùng tu và mời Trương Hán Siêu soạn bài kí ghi sự việc, chính là bài Dục Thuý sơn Linh Tế tháp kí (Bài kí tháp Linh Tế núi Dục Thuý) nổi tiếng. Cả đời theo đuổi công danh sự nghiệp, về già ở ẩn non xanh, Thăng Phủ viết Dục Thuý sơn kí thác tâm tư. Bài thơ đã gợi hứng cho hàng loạt sáng tác về sau. Non Nước thành nơi lưu dấu chân và bút đề của hàng chục tao nhân mặc khách trải các đời (như Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát, Tản Đà,...), khiến núi Dục Thuy được mệnh danh là “núi thơ.

- Hai câu kết bài thơ này, cũng giống như các bài thơ vịnh cảnh khác cùng chủ đề của Nguyễn Trãi, vượt thoát khỏi âm hưởng tán tụng, ngợi ca của thơ vịnh cảnh đời Lê, lại thường là sự bộc lộ những suy tư về con người, về lịch sử, về dân tộc. Ý thơ thể hiện rõ sự hoài niệm, nhớ tiếc những gì đã qua: con người có tài năng và nhân cách, gắn liền với trang sử hào hùng của dân tộc; cảnh thắng thiên nhiên gắn liền với trầm tích văn hoá và dấu ấn văn hiến của đất nước tự chủ;... Điều này cho thấy tâm hồn hướng nội, sâu sắc của Nguyễn Trãi: luôn hướng về những giá trị cộng đồng, giá trị nhân văn, giá trị cội nguồn. Tài năng, tâm hồn và nhân cách của Nguyễn Trãi vì thế cũng đồng nhất thành một phần máu thịt của lịch sử non sông.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: