SBT Ngữ văn 12 Bài tập 4 trang 5, 6 - Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 4 trang 5, 6 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Bài tập 4 trang 5, 6 - Kết nối tri thức

Bài tập 4 trang 5 SBT Ngữ văn 12 Tập 1: Đọc lại văn bản Nỗi buồn chiến tranh trong SGK Ngữ văn 12, tập một (tr. 19 – 24) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Tóm tắt các sự việc được kể trong từng phần của văn bản và nêu rõ mối quan hệ giữa các sự việc trong hai phần.

Trả lời:

- Phần 1: Đoạn trích nói về nhân vật Kiên, một anh bộ đội bước ra từ cuộc chiến với những chấn thương tâm hồn nặng nề, sau thành nhà văn, để lại một đống bản thảo "rối bời" khiến nhân vật "tôi" - người kể chuyện - phải suy tư không dứt. Phần đầu, người kể chuyện ở ngôi thứ ba kể về trạng thái luôn sống với kí ức chiến tranh của nhân vật Kiên - dòng kí ức đã thôi thúc anh cầm bút để ghi chép lại tất cả trải nghiệm của một đoạn đời đặc biệt. 

- Phần 2: Sang đến phần hai, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng "tôi", kể về những ấn tượng, cảm xúc và suy tư của mình khi đối diện với “núi bản thảo” bộn bề mà Kiên bỏ lại. Đó là ấn tượng, cảm xúc và suy tư về nhân vật Kiên, về quyền được nhớ lại, về niềm hạnh phúc đang chờ đợi những ai muốn đi ngược thời gian để sống trọn vẹn với những gì đã xảy ra trong quá khứ, về chiến tranh, về ý thức bảo vệ phẩm giá ở mỗi người trong hoàn cảnh thử thách khốc liệt,...

→ Đoạn trích xoay quanh tâm lí của nhân vật Kiên, những kí ức về một thời oanh tạc chiến trường tràn về trong kí ức ông, kèm theo nỗi cô đơn của thời bình đã giúp ông viết cuốn tiểu thuyết của mình. Nhân vật “tôi” là người cùng cơ quan của Kiên, sau khi Kiên bỏ đi, “tôi” nhận số bản thảo của Kiên để lại và dần thấu hiểu Kiên.

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Cắt nghĩa nguyên nhân thúc đẩy nhân vật Kiên cầm bút viết văn qua những gì được trần thuật (kể) trong văn bản.

Trả lời:

Nguyên nhân thúc đẩy nhân vật Kiêm cầm bút viết văn qua những gì được trần thuật (kể) trong văn bản:

- Kiên cầm bút viết văn trước hết do sự thúc đẩy tự nhiên của một kí ức đầy ắp hình ảnh và sự kiện.

- Quan trọng hơn, Kiên viết văn với ý thức hoàn toàn sáng rõ rằng phải làm sống lại những ngày qua để chiêm nghiệm, suy ngẫm về chiến tranh và cái giá phải trả cho nó.

- Kiên cầm bút viết văn để được phục sinh về mặt tinh thần, để được gặp lại niềm hạnh phúc từng có thuở anh còn sống giữa đồng đội và cùng chia sẻ với họ bao niềm vui, nỗi buồn.

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Theo bạn,“nỗi buồn chiến tranh” nặng nề, dai dẳng ở nhân vật Kiên có phải là trạng thái tâm lí chung của tất cả những người từng tham gia chiến trận hay không? Qua lí giải vấn đề này, bạn hiểu thế nào về tính chân thật của những gì được miêu tả trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh nói riêng và trong tiểu thuyết nói chung?

Trả lời:

Về vấn đề câu hỏi đưa ra, lời nói sau đây của người kể chuyện xưng “tôi” có thể giúp tìm được lời đáp: “Tuy nhiên riêng anh thì nỗi buồn chiến tranh do nhiều lí do mà nặng nề hơn nhiều so với tôi”. Nhưng muốn hiểu sâu hơn vấn đề, cần đọc lại những tác phẩm viết về chiến tranh đã học hoặc được gợi ý tìm kiếm (như Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi). Có thể thấy nhiều nhân vật được miêu tả trong đó không bị nỗi buồn chiến tranh ám ảnh nặng nề, dai dẳng, bất thường như Kiên. Một vấn đề nảy sinh cần suy nghĩ thấu đáo là: Phải chăng việc miêu tả hiện thực chiến tranh trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh chưa đạt tính chân thật, khi nó chỉ tập trung soi tỏ một hiện tượng có phần cá biệt? Từ đây, cần nhận thức được:

- Tính chân thật của sáng tác văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng không phụ thuộc vào việc những gì được nhà văn miêu tả có phù hợp với thói quen nhìn nhận của số đông hay không.

- Tính chân thật của tác phẩm không hạn chế nhà văn nói về những đối tượng dị biệt, có những trải nghiệm “không giống ai”.

- Tính chân thật của tác phẩm vẫn được đảm bảo khi nhà văn chỉ đề cập một khía cạnh, phương diện của hiện thực đời sống mà không phải là tất cả.

- Tính chân thật của tác phẩm cần được đo bằng sự thiết yếu của vấn đề mà nhà văn đặt ra, buộc người đọc phải cùng suy tư, nghiền ngẫm.

- Theo những điều được nêu ở trên, có thể nói tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết chân thật, mặc dù nhà văn chỉ khai thác mặt bi thảm của chiến tranh cũng như chỉ tập trung soi tỏ nỗi buồn triền miên của nhân vật chính.

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Người kể chuyện xưng “tôi” đã thay đổi cách nhìn, cách đọc đối với những trang bản thảo mà Kiên để lại như thế nào? Qua sự việc này, bạn rút ra được bài học gì về cách đọc đối với một số tiểu thuyết có lối kết cấu đặc thù?

Trả lời:

- Người kể chuyện xưng “tôi” đã thay đổi cách nhìn và cách đọc đối với những trang bản thảo mà Kiên để lại bằng cách không còn cố gắng lý giải trình tự xuất hiện trong bản thảo nữa. Thay vào đó, anh ta tiếp nhận chúng một cách tự nhiên, theo lối nhận thức riêng của mình. Điều này cho thấy rằng, đối với những tiểu thuyết có lối kết cấu đặc thù, không nhất thiết phải tuân theo một trình tự cố định mà có thể dựa vào tâm lý nhân vật và dụng ý của tác giả.

- Qua sự việc này, bài học rút ra là khi đọc những tiểu thuyết có kết cấu phức tạp, chúng ta nên linh hoạt và mở lòng đón nhận các cách tiếp cận khác nhau. Điều này giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tác phẩm và cảm nhận được ý đồ nghệ thuật của tác giả.

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Qua đọc hai văn bản Xuân Tóc Đỏ cứu quốc và Nỗi buồn chiến tranh trong mối liên hệ với nhan đề của bài học, bạn có thể phát biểu điều gì về “khả năng lớn lao của tiểu thuyết”?

Trả lời:

- Xuân Tóc Đỏ cứu quốc: Tác phẩm sử dụng nhân vật Xuân Tóc Đỏ để phê phán xã hội đương thời, từ đó làm nổi bật những vấn đề xã hội và chính trị. Tiểu thuyết có khả năng tạo ra những nhân vật sống động, qua đó phản ánh hiện thực xã hội một cách sinh động và sâu sắc.

- Nỗi buồn chiến tranh: Tác phẩm này khai thác những nỗi đau và mất mát trong chiến tranh, không chỉ từ góc nhìn của người lính mà còn từ những người thân yêu của họ. Tiểu thuyết có khả năng đi sâu vào tâm hồn con người, khám phá những cảm xúc phức tạp và những trải nghiệm cá nhân trong bối cảnh lịch sử lớn.

Qua hai tác phẩm này, ta thấy rằng tiểu thuyết không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một công cụ mạnh mẽ để phản ánh hiện thực, khám phá tâm lý con người và truyền tải những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và xã hội.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 1: Khả năng lớn lao của tiểu thuyết hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: