SBT Ngữ văn 7 Bài tập 2 trang 20 Kết nối tri thức
Viết đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ của Xuân Quỳnh.
SBT Ngữ văn 7 Bài tập 2 trang 20 Kết nối tri thức
Bài tập 2 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Viết đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh.
Trả lời:
- Về hình thức: Đảm bảo trình bày đúng quy cách đoạn văn như lùi đầu dòng, chữ đầu tiên viết hoa, chấm câu khi kết thúc đoạn. Số lượng câu phù hợp với yêu cầu của để.
Về nội dung: Nêu được cảm xúc về một số nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung của bài Tiếng gà trưa (thể thơ năm chữ, đặc điểm về cách gieo vần, ngắt nhịp; yếu tố tự sự và miêu tả; hình ảnh nổi bật; biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ,.. .; cách sử dụng từ láy; tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước;...).
* Đoạn văn mẫu tham khảo:
Xuân Quỳnh là cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam, thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ "Tiếng gà trưa" là một trong những thi phẩm nổi tiếng của bà. Bài thơ viết về tình bà cháu thiêng liêng và cảm động. Trong một buổi hành quân, người cháu đã nghe được tiếng gà trưa và những kỉ niệm về bà ùa về trong kí ức. Cả một tuổi thơ gắn bó bên bà, được bà yêu thương chăm sóc. Bà dành dụm, chắt chiu từng quả trứng, chăm đàn gà từng con một kể cả khi trời gió rét mưa dầm. Những gì thu được từ đàn gà, bà đều dành cho cháu: nào là cái quần chéo go, ống rộng dài quét đất, nào là cái áo cánh trúc bâu... Tình yêu của bà thể hiện qua những điều giản dị, bình thường. Chính tình yêu thương của bà đã trở thành động lực để người cháu chiến đấu. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận tình bà cháu thắm thiết, đồng thời đó cũng là tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc. Đúng như một nhà văn nước ngoài đã nói: Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ những tình cảm nhỏ bé, thiêng liêng, đó là yêu những gì gần gũi nhất với mình.