SBT Ngữ văn 7 Bài tập 6 trang 15, 16, 17 Kết nối tri thức


Đọc bài thơ của Xuân Quỳnh và trả lời các câu hỏi:

Giải SBT Ngữ văn 7 Bài tập 6 trang 15, 16, 17 Kết nối tri thức

Bài tập 6. trang 15, 16, 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh và trả lời các câu hỏi:

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục... cục tác cục ta”

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ


Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng


[...] Tiếng gà trưa

Tay bà khum soi trứng

Dành từng quả chắt chịu

Cho con gà mái ấp


Cứ hàng năm hàng năm,

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.


Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt.


Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

2-7-1965 (Xuân Quỳnh, Hoa dọc chiến hào, NXB Văn học, Hà Nội, 1968, tr. 5 — 7)

Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nêu một số đặc điểm hình thức của bài thơ Tiếng gà trưa trên các phương diện: số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi khổ, cách gieo vần, ngắt nhịp.

Trả lời:

Một số đặc điểm hình thức của bài thơ:

- Bài thơ Tiếng gà trưa viết theo thể thơ năm chữ. Tuy nhiên, có ba khổ mà dòng đầu mỗi khổ chỉ có ba tiếng: Tiếng gà trưa. Việc lặp lại những dòng thơ ba tiếng đó nhấn mạnh ấn tượng của người cháu về âm thanh tiếng gà mỗi buổi trưa hè. Tiếng gà vang lên trong thực tại gợi nhớ về tiếng gà tuổi thơ - khi cháu được sống bên bà, được bà yêu thương, chăm sóc.

- Số dòng trong mỗi khổ không đều nhau: Khổ 1 dài nhất với 7 dòng. Các khổ còn lại chỉ gồm 4 hoặc 6 dòng.

- Cách gieo vần của bài thơ cũng khá linh hoạt:

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng

- Ngắt nhịp: đa phần các dòng trong bài thơ ngắt nhịp 3/2 và 2/3, luân phiên khá nhịp nhàng.

Trên đường /hành quân xa

Dừng chân / bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai/ nhảy ổ:

“Cục... cục tác / cục ta”

Nghe xao động / nắng trưa

Nghe bàn chân / đỡ mỏi

Nghe gọi về / tuổi thơ

Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tiếng gà trưa là một bài thơ có yếu tố tự sự. Em hãy cho biết ai là người kể chuyện và nội dung câu chuyện được kể là gì.

Vẽ sơ đồ theo mẫu sau vào vở và điền vào sơ đồ những sự việc chính trong câu chuyện:

SBT Ngữ văn 7 Bài tập 6 trang 15, 16, 17 Kết nối tri thức

Trả lời:

Tiếng gà trưa là một bài thơ có yếu tố tự sự. Người kể chuyện là người cháu đang trên đường hành quân đi chiến đấu.

Sơ đồ những sự việc chính trong câu chuyện:

SBT Ngữ văn 7 Bài tập 6 trang 15, 16, 17 Kết nối tri thức

Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh đàn gà của bà trong kí ức của cháu được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Hình ảnh đàn gà của bà trong kí ức của cháu được miêu tả rất sinh động:

- Đó là một đàn gà mái nhiều màu sắc, con nào cũng đẹp và rất khoẻ mạnh. Có con gà mái mơ mình vàng với những đốm lông màu trắng như hoa mơ, có con gà lông màu vàng óng như màu nắng. Có ổ rơm hồng những trứng.

- Biện pháp tu từ điệp ngữ này con gà khiến hình ảnh những con gà mái trong kí ức tuổi thơ của người cháu lần lượt hiện lên rõ nét.

- Biện pháp tu từ so sánh lông óng như màu nắng làm nổi bật vẻ đẹp óng ả, mượt mà, đầy sức sống của những con gà.

Vẻ đẹp, sự khoẻ mạnh, đông đúc của đàn gà cho thấy bà chăm chút đàn gà rất cẩn thận, chu đáo; thể hiện tình yêu, sự quan tâm và mong ước của người bà rằng cháu sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Câu 4 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tiếng gà trưa gợi người cháu nhớ về tuổi thơ được bà yêu thương. Nêu cảm nhận của em về tình cảm của bà dành cho người cháu.

Trả lời:

Tiếng gà trưa gợi người cháu nhớ về tuổi thơ được bà yêu thương. Tình cảm của bà dành cho người cháu thể hiện một cách hết sức giản dị: dành dụm, chắt chiu từng quả trứng để gà ấp nở ra gà con, lo lắng đàn gà toi, mong trời đừng sương muối để cuối năm bán gà sắm sửa quần áo mới cho cháu.

Câu 5 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Xác định biện pháp tu từ điệp ngữ trong khổ thơ sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Trả lời:

Trong khổ thơ cuối, từ được lặp lại là từ vì. Biện pháp tu từ điệp ngữ có tác dụng nhấn mạnh những ý nghĩa của hành động ra đi chiến đấu của người cháu. Người cháu xa bà, xa gia đình vì mục đích cao cả là giành độc lập cho đất nước, cũng là vì những điều bình dị, gần gũi, thân thương như bình yên cho xóm làng, gia đình và người bà đáng kính.

Câu 6 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Chỉ ra những nét tương đồng giữa hình ảnh người cháu trong bài thơ Tiếng gà trưa và hình ảnh người con trong bài thơ Gặp lá cơm nếp.

Trả lời:

Những nét tương đồng giữa hình ảnh người cháu trong bài thơ Tiếng gà trưa và hình ảnh người con trong bài thơ Gặp lá cơm nếp:

- Đều là những người lính xa nhà đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước.

- Tình cảm với gia đình, người thân rất sâu sắc. Một tiếng gà trưa bên xóm nhỏ, một mùi hương lá cây cơm nếp trên rừng Trường Sơn cũng gợi cho những người lính nhớ về bà, về mẹ, về những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm bên bà, bên mẹ, được yêu thương, chăm sóc, che chở.

- Tình cảm yêu kính bà, yêu kính mẹ gắn liền với tình yêu làng xóm, yêu quê hương, đất nước. Chính vì vậy, những người lính đã lên đường chiến đấu để mang lại cuộc sống bình yên cho người thân, cho nhân dân.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: