SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 7 trang 7 - Kết nối tri thức


Đọc lại truyện (SGK, tr. 35 – 38) và trả lời các câu hỏi:

Giải SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 7 trang 7 - Kết nối tri thức

Bài tập 7 trang 7 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đọc lại truyện Ngọc nữ về tay chân chủ (SGK, tr. 35 – 38) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Em hình dung như thế nào về không gian và thời gian xảy ra sự kiện được thuật lại trong truyện?

Trả lời:

- Không gian trong truyện là “nhà trời” (thiên đình). Ở“nhà trời” có cung khuyết – nơi Ngọc Hoàng ở, có sân rồng, có lầu đãi phượng – nơi tiếp khách đến ứng tuyển để được lấy Ngọc Tỷ, làm rể Ngọc Hoàng. Để đến được nơi đó, sơn thần phải “cưỡi xe hươu trắng” mà đi, thuỷ thần phải “cưỡi ngựa vẫy vùng, rẽ nước bay lên”. Trong truyện, chỉ có các sự việc xảy ra kế tiếp nhau, không có ý niệm về thời gian. Điều này cho thấy, theo quan niệm của tác giả, ở chốn thiên đình, mọi sự vật đều tồn tại vĩnh cửu, không đo bằng các đơn vị thời gian như ở trần thế.

Câu 2 trang 8 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Ngọc Hoàng có phản ứng như thế nào khi chứng kiến khả năng phi thường của sơn thần và thuỷ thần? Ngọc Hoàng gặp khó khăn gì trong việc quyết định chọn chồng cho Ngọc Tỷ?

Trả lời:

- Phản ứng của Ngọc Hoàng khi chứng kiến khả năng phi thường của sơn thần và thủy thần: Ngọc Hoàng gật đầu khen: “Tài giỏi!”

- Ngọc Hoàng gặp khó khăn gì trong việc quyết định chọn chồng cho Ngọc Tỷ là: Việc không thể phần tài năng cao thấp của hai thần khiến Ngọc Hoàng khó quyết định ai là người xứng đáng làm chồng của Ngọc Tỷ.

Câu 3 trang 8 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: So với sơn thần và thuỷ thần, nhân vật đến sau có những điểm khác biệt nào? Theo em, trong lời tâu với Ngọc Hoàng, người đó muốn nhấn mạnh điều gì khi đánh giá khả năng của sơn thần và thuỷ thần?

Trả lời:

- Nhân vật đến sau chỉ là con người, không phải thần thánh, nhưng tướng mạo thì thật đặc biệt: “dáng rồng bước hổ, mắt Thuấn mày Nghiêu, có vẻ tĩnh trọng như núi, có lượng bao hàm như biển, và đứng sừng sững ở trước sân”.

- Tuy không hề có phép thuật gì, nhưng lời nói của người đó lại có sức mạnh chinh phục. Trong lời tâu với Ngọc Hoàng, đánh giá khả năng của sơn thần và thuỷ thần, người đến sau muốn nhấn mạnh: thần núi và thần nước chỉ là “một vật” mà thôi, phép thuật cũng chỉ là “một gáo nước đã khoe nhiều, một nắm đá đã khoe lớn”, không đáng đếm xỉa. Những thứ đó càng không thể sánh với cái cao rộng của khí thiêng sông núi, với “Thiên tử trị bên ngoài, hoàng hậu trị bên trong”, “biết tỏ lòng trung với trời”. Đó là sự khác nhau giữa giá trị thực với cái hư ảo.

Câu 4 trang 8 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Qua truyện Ngọc nữ về tay chân chủ, em nhận biết được những đặc điểm gì của thể loại truyện truyền kì?

Trả lời:

Những đặc điểm của thể loại truyện truyền kì thể hiện qua truyện Ngọc nữ về tay chân chủ:

- Không gian và thời gian mang tính chất kì ảo.

- Có nhân vật là thần thánh, có nhân vật là người với khả năng đặc biệt.

- Có yếu tố kì ảo (phép thuật đầy biến hoá của sơn thần và thuỷ thần).

- Ngôn ngữ truyện dùng nhiều điển tích, điển cố.

Câu 5 trang 8 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Trong câu “Khách quý giường đông, phi người ấy thì còn ai?”, cụm từ “khách quý giường đông” đã được chú thích như thế nào? So sánh cách chú thích cụm từ này với cách chú thích từ “nghệ thuật” (SGK, tr. 37), từ đó rút ra nhận xét.

Trả lời:

- “khách quý giường đông”: thời Tống (TQ), Hy Giản có con gái, muốn kén rể, cho người xem các con cháu của Vương Đạo, thấy người nào cũng giữ lễ, duy có Vương Hy Chi cứ ngồi phệ bụng ở giường bên đông, coi như không biết chuyện gì, Hy Giản liền gả con gái cho Hy Chi; do đó, người ta thường dùng “giường đông” để chỉ con rể.

- “nghệ thuật”: ý nói phép thuật.

= > Ta thấy khi chú thích một từ ngữ thông thường, chỉ cần nói rõ nghĩa của nó; ngược lại, chú thích một điển tích, điển cố, phải tóm lược câu chuyện hoặc nói rõ xuất xứ của từ ngữ, lời thơ, kinh sách,.. được dẫn trong văn bản.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 1: Thế giới kì ảo hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: