Soạn bài Viết bài luận về bản thân - Ngắn nhất Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Viết bài luận về bản thân Ngữ Văn 10 Chân trời sáng tạo ngắn gọn nhất nhưng đủ ý hy vọng rằng sẽ giúp các bạn nắm bắt được các ý chính từ đó dễ dàng và soạn bài môn Ngữ văn 10.
Soạn bài Viết bài luận về bản thân
Kiểu bài:
Bài luận về bản thân là kiểu bài người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để trình bày những đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của mình (tính cách, đam mê, quan điểm sống,...), nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về mình, đồng tình với hành động, giải pháp của mình.
Yêu cầu đối với kiểu bài:
• Người viết trình bày được đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân.
• Bài viết đưa ra được những bằng chứng để làm rõ cho những đặc điểm của bản thân.
• Các thông tin đưa ra trong bài viết cần xác thực, đáng tin cậy.
• Bài viết có thể triển khai theo bố cục:
Mở bài: giới thiệu đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân.
Thân bài: giới thiệu khái quát thông tin về bản thân; phân tích các đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân; đưa ra những bằng chứng để làm rõ cho những đặc điểm ấy. Các ý được sắp xếp theo trình tự hợp lí.
Kết bài: khẳng định lại các đặc điểm của bản thân; nêu một thông điệp có ý nghĩa.
* Đọc ngữ liệu tham khảo
Câu 1 (trang 106 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Chân trời sáng tạo):
Bố cục bài viết đã đáp ứng được yêu cầu đối với kiểu bài viết bài luận về bản thân hay chưa?
Trả lời:
- Bố cục bài viết đầy đủ bà đã đáp ứng được yêu cầu đối với kiểu bài viết bài luận về bản thân.
Câu 2 (trang 106 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Chân trời sáng tạo):
Các bằng chứng được nêu trong bài luận có đặc điểm gì?
Trả lời:
- Các bằng chứng được nêu trong bài luận có đặc điểm chung độ tin cậy cao, nhằm chứng minh cho lí lẽ, lập luận trước đó.
Câu 3 (trang 106 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Chân trời sáng tạo):
Người viết đã làm gì để bài luận xác thực, đáng tin cậy?
Trả lời:
- Để bài luận xác thực, đáng tin cậy, người viết đã dùng cách lập luận qua các luận điểm, lí lẽ và cung cấp bằng chứng thực tế, thuyết phục là một bờ-lóc mang tên "Ngày ngày đọc sách", các dự án mà người viết đã tham gia.
Câu 4 (trang 106 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Chân trời sáng tạo):
Bạn có nhận xét gì về giọng điệu, ngôn ngữ của bài luận?
Trả lời:
- Giọng điệu, ngôn ngữ của bài luận thể hiện sự chia sẻ về niềm đam mê văn học.
Câu 5 (trang 106 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Chân trời sáng tạo):
Ở kết bài, thông điệp mà người viết nêu lên là gì? Bạn có nhận xét gì về thông điệp ấy?
Trả lời:
- Ở kết bài, thông điệp mà người viết nêu lên là việc đọc sách sẽ là sự kết nối giữa các tâm hồn.
- Em nghĩ, thông điệp này chính xác vì khi đọc sách, người đọc sẽ được kết nối với tư tưởng của tác giả cuốn sách, cũng như có thể chia sẻ nội dung cuốn sách với những người xung quanh.
* Hướng dẫn quy trình viết
Đề bài: Các câu lạc bộ ở trường bạn đang tổ chức tuyển thành viên. Bạn hãy viết bài luận giới thiệu bản thân để ứng tuyển vào câu lạc bộ bạn yêu thích.
Bước 1: Chuẩn bị viết
Xác định đề tài
Đề tài của bài luận là những đặc điểm tiêu biểu, nổi bật về bản thân. Để lựa chọn được đề tài phù hợp, trước tiên bạn cần dành thời gian suy ngẫm về những đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân mình và liệt kê ra nháp.
Bạn cũng có thể hỏi ý kiến từ những người thân, bạn bè, thầy cô để có được cái nhìn khách quan về bản thân mình, thực hiện theo bảng sau (làm vào vở):
Những ý kiến được lặp lại trong bảng trên là những nhận xét đáng tin cậy về bản thân bạn.
Trên cơ sở các thông tin đã thu nhận được, bạn lựa chọn đặc điểm tiêu biểu, nổi bật để triển khai bài luận bằng cách trả lời một số câu hỏi:
• Đặc điểm nào sẽ giúp tôi hoà nhập với môi trường tôi muốn tham gia?
• Đặc điểm nào của tôi phù hợp với những yêu cầu, tiêu chí xét tuyển?
• Đặc điểm nào của tôi khiến tôi trở nên đặc biệt?
• Đặc điểm nào của tôi gắn với những câu chuyện, thông điệp giàu ý nghĩa?
Sau đây là một số đề tài gợi ý:
• Châm ngôn sống của tôi."
• Mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của tôi và kế hoạch thực hiện.
• Những trải nghiệm đã giúp tôi thay đổi cách nhìn về cuộc sống.
Xác định mục đích viết và người đọc
• Bạn viết bài này nhằm mục đích gì?
• Người đọc của bạn có thể là ai?
Thu thập tư liệu
Bạn thu thập và xem lại các tư liệu về bản thân như nhật kí, sơ yếu lí lịch, lời phê của thầy cô trong sổ liên lạc, trong học bạ,... Thông thường, bài luận giới thiệu bản thân sẽ hướng đến một đối tượng cụ thể, nhằm một mục đích nhất định như là ứng tuyển một vị trí, chức vụ, đăng kí xét học bổng, tham gia xét tuyển đại học,cao đẳng,... Do đó, bạn cần tìm hiểu thông tin về người đọc, môi trường, vị trí bạn muốn ứng tuyển, các tiêu chí, điều kiện xét tuyển bằng cách truy cập trang web, đọc kĩ các thông báo, áp phích, tờ rơi của đơn vị hoặc liên hệ trực tiếp để có thông tin cụ thể.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Tìm ý
Khi đã xác định được đặc điểm nổi bật của bản thân, bạn cần phân tích đặc điểm ấy bằng cách tìm ý và bằng chứng phù hợp, dựa vào sơ đồ sau:
|
Lập dàn ý
Bạn lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý tưởng tìm được theo một trình tự họp lí. Chẳng hạn, với bài luận tham khảo ở trên, dàn ý đã được triển khai là:
• Mở bài: giới thiệu niềm đam mê văn học và những mong muốn đưa văn học gần hơn với cuộc sống. 4.
• Thân bài: lần lượt phân tích niềm đam mê văn học của bản thân, gắn với các ý tưởng, hoạt động bản thân đã thực hiện để đưa văn học đến gần hơn với cuộc sống.
• Kết bài: khẳng định đam mê của bản thân, đưa ra thông điệp về hành trình chinh phục đam mê.
Bước 3: Viết bài
Từ dàn ý đã lập, bạn viết bài luận hoàn chỉnh dựa vào một số gợi ý sau:
• Bài luận nên có giọng điệu chân thành, ngôn ngữ chuẩn mực.
• Để đảm bảo tính xác thực, đáng tin cậy của bằng chứng, nên có các thông tin cụ thể về không gian, thời gian, nhân vật, sự kiện. Khi trình bày bằng chứng, cần xoáy vào những sự việc, chi tiết có ý nghĩa, góp phần làm nổi bật đặc điểm của bản thân.
• Gắn kết thông tin cá nhân với trải nghiệm, câu chuyện của bản thân.
• Sử dụng các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ hỗ trợ.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
Sau khi viết xong, hãy đọc lại và chỉnh sửa bài luận theo gợi ý sau:
Bài viết tham khảo
Xin chào các thành viên của câu lạc bộ Văn hóa dân gian - trường THPT A. Được biết câu lạc bộ đang có đợt tuyển thành viên, tôi xin được ứng tuyển vào câu lạc bộ với vị trí hỗ trợ truyền thông. Là một học sinh chuyên Văn, thích viết lách và cũng rất thích chụp ảnh, tôi hoàn toàn tin tưởng mình sẽ phù hợp với vị trí này.
Các bạn học sinh trong trường vẫn thường trêu đùa với nhau rằng học sinh chuyên Văn là những đứa... "đầu đội lá, chân đá ống bơ", là những con người "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", có vẻ rời xa hiện thực. Thực tế, đó là sự bay bổng, lãng mạn vốn có của một người học văn. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Câu chuyện viết lách là một câu chuyện của những người học văn. Viết không chỉ là để mơ mộng, viết còn là một cách truyền tải thông tin. Với một ý nghĩa như vậy thì những bạn học văn là những bạn có khả năng viết tốt, và đặc biệt là sẽ viết để hỗ trợ truyền thông tốt mà thôi. Trong các kì thi cũng như trao giải học sinh giỏi cấp tỉnh hay khu vực, mình đều là người đưa tin những sự kiện này. Bạn có thể tra cứu trên trang fanpage của trường. Những bài đưa tin đều là do mình viết và chụp ảnh.
Các bạn cũng có thể đặt câu hỏi là liệu một người đưa tin tốt các hoạt động của trường có đưa tin tốt các hoạt động của một câu lạc bộ mang tính chuyên môn? Thật may câu lạc bộ của chúng ta lại là câu lạc bộ Văn hóa dân gian. Đây là một lĩnh vực mà mình vô cùng yêu thích. Khi học chuyên Văn, mình được học những tác phẩm văn học dân gian, mình hiểu được lời ăn, tiếng nói, phong tục, tập quán của người Việt. Đồng thời, tôi cũng biết hát một số bài hát dân gian như quan họ, chèo.
Như vậy, các bạn có thể thấy mình là một người có thể viết lách, đưa tin, có thể chụp ảnh sự kiện và cũng rất yêu thích văn hóa dân gian. Chính vì vậy mà mình tin rằng mình phù hợp với vị trí hỗ trợ truyền thông của câu lạc bộ. Mình tin, với năng lực và sự yêu thích của bản thân, mình sẽ làm cho câu lạc bộ ngày càng vững mạnh bằng cách làm tốt vai trò của bản thân cũng như hỗ trợ các bộ phận khác. Lời cuối, mình cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian đọc bài giới thiệu này của mình. Chúc câu lạc bộ Văn hóa dân gian sẽ tạo được những dấu ấn và những điều có ý nghĩa đối với các bạn học sinh, đối với toàn trường và xã hội!