X

Soạn văn 12 Kết nối tri thức

10+ Viết bài văn nghị luận bàn về một vấn đề liên quan đến con đường phía trước của tuổi trẻ


Viết bài văn nghị luận bàn về một vấn đề liên quan đến con đường phía trước của tuổi trẻ, từ những gợi ý của các văn bản đọc trong sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập hai hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

10+ Viết bài văn nghị luận bàn về một vấn đề liên quan đến con đường phía trước của tuổi trẻ

Viết bài văn nghị luận bàn về một vấn đề liên quan đến con đường phía trước của tuổi trẻ - mẫu 1

Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu bố mẹ có thực sự hiểu mình? Hay là mình đã thông cảm cho bố mẹ hay chưa? Từ quan điểm sống, thái độ cho tới cách nhìn nhận vấn đề của họ đôi khi làm bạn suy nghĩ: “Tại sao bố mẹ lại có những quan điểm kì lạ và có phần khó để mình chấp nhận đến thế?” phải chăng đã đến lúc chúng ta nên có một cái nhìn đa chiều hơn về một khái niệm gọi là “khoảng cách thế hệ”!

Hiểu một cách đơn giản, “khoảng cách thế hệ” là sự khác biệt về quan điểm sống, khoảng cách nhận thức giữa thế hệ này và thế hệ khác của các thành viên trong gia đình về hệ giá trị hoặc niềm tin.

Trong thời đại công nghệ phát triển chóng mặt như hiện nay, người trẻ càng có nhiều cơ hội tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ, văn minh, điều này vô tình trở thành chất xúc tác làm cho khoảng cách thế hệ giữa các thành viên trong gia đình đã xa lại càng thêm xa!

Ông bà, bố mẹ hay xin được gọi là những người thuộc thế hệ đi trước, những người thuộc thế hệ cũ, họ được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh mà sự sinh tồn được đặt lên hàng đầu. Ở thế hệ của họ, nỗi ám ảnh về cuộc sống nghèo đói, sự lo lắng về cơm áo gạo tiền chưa bao giờ là nguôi ngoai. Họ luôn làm việc cật lực, không ngừng nghỉ với mong muốn chúng ta, những người con người cháu của họ luôn được ăn no mặc ấm. Tuy nhiên điều gì tồn tại trên đời cũng đều có hai mặt của nó, đôi khi chính những sự bao bọc, bảo vệ và chở che thái quá của các bậc sinh thành lại chính là những bức tường ngăn cản sự tự do phát triển, trải nghiệm và cảm xúc của con cái họ. Hãy thử nghĩ sẽ thế nào nếu vật chất được đảm bảo nhưng sức khỏe tinh thần của con lại không được coi trọng ?

Trong tư duy của các bậc sinh thành, con cái của họ luôn là những đứa trẻ to xác nhưng không bao giờ trưởng thành cả. Mặc cho con muốn thử nhiều điều mới, bố mẹ vì một nỗi bất an vô hình nào đấy mà luôn bao bọc, bắt ép con phải thực hiện những điều họ nghĩ là đúng, đôi khi làm cho con cái của họ cảm thấy khó thở ngay trong chính căn nhà của mình.

Cũng chính vì những “cơm áo gạo tiền” mà ở nhiều gia đình, bố mẹ và con cái bây giờ không có nhiều thời gian dành cho nhau để lắng nghe và trò chuyện cùng nhau. Người lớn bận rộn với công việc, con cái của họ thì ngày một lớn lên, tâm sinh lý bất ổn. Bị lơ là về mặt cảm xúc đã làm cho con trẻ tập cách giữ bí mật, ít chia sẻ cùng bố mẹ hơn…

Chẳng vì thế mà trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng đã từng ít nhất một lần nghe qua những câu nói về “con nhà người ta” như: “Con nhà người ta thì điểm cao còn mày thì…”, “con nhà người ta vừa ngoan vừa giỏi bao nhiêu, còn con nhà mình thì…”. Chính những lời lẽ so sánh đầy gai nhọn ấy dần dần đã xâm chiếm vào tâm trí và giết chết cảm xúc của con trẻ một cách từ từ.

Vô tình hoặc cố ý, bố mẹ thường có xu hướng áp đặt con cái phải làm, phải học những điều mà họ nghĩ là tốt cho tương lai của con, nhưng họ lại quên mất rằng.. đó là điều họ thích, chứ không phải là điều mà con mình mong muốn.

Lắng nghe con cháu mình là một việc không hề đơn giản với ông bà, bố mẹ. Có thể nói họ đã “quá lớn” để thay đổi về miền nhận thức. Phải chăng tư duy lối mòn đã làm họ trở nên thiếu linh hoạt trong việc chấp nhận những suy nghĩ hiện đại của thế hệ trẻ.

Câu hỏi là: liệu rằng có cách nào rút ngắn khoảng cách thế hệ này hay không ? Câu trả lời là “CÓ”:

Hãy để con trẻ làm điều mình muốn! Chẳng ai có thể đạt hiệu quả cao nhất khi không được làm những điều mình thích. Mỗi người sẽ có một sở trường riêng, một thế mạnh riêng. Bóp chặt tư duy chỉ làm cho con trẻ trở nên thụ động và thiếu tự tin. Vì vậy người lớn hãy luôn dõi theo và ủng hộ sự lựa chọn của con trẻ mình để chúng có thể tự do phát triển, sáng tạo và thoải mái trải nghiệm.

Thất bại là mẹ thành công – Hãy cho phép con được sai. Người lớn thường có xu hướng trách mắng khi con làm sai điều gì đó. Nếu vậy, con cháu họ chỉ học được một điều rằng: “Sai trái là một việc không được chấp nhận”, và chúng sẽ chẳng rút ra được bất cứ một kinh nghiệm hay bài học nào. Thay vì quát tháo, ông bà, bố mẹ nên bình tĩnh chỉ ra những chỗ sai sót để con có thể hiểu và rút kinh nghiệm cho lần sau.

Bạo lực về thể chất và tinh thần là một điều vô nghĩa! Với rất nhiều người lớn hiện nay, đòn roi hay trách mắng và buông những lời lẽ khó nghe được xem như là các biện pháp răn đe để khiến con cái nghe theo lời mình. Hãy hiểu rằng, bạo lực chỉ làm cho tình hình thêm tồi tệ, con cháu của họ sẽ trở nên càng cứng đầu, bất trị. Chưa kể đến, những hành động ấy sẽ được con trẻ bắt chước làm theo khi lớn lên – đặc biệt là những đứa con đang trong quá trình hoàn thiện về nhân cách.

Bố mẹ nên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con nhiều hơn. Yêu thương là lắng nghe, thấu hiểu, không áp đặt ! Thay vì dạy con phải làm gì, bố mẹ nên đặt mình ở vị trí như là một người bạn, để cùng tâm sự, cùng chia sẻ giúp xóa dần khoảng cách giữa bố mẹ với con cái cũng như khoảng cách giữa các thế hệ với nhau.

Con trẻ nên mở lòng, chia sẻ nhiều hơn với các bậc sinh thành. Dẫu biết rằng đang ở độ tuổi phát triển, tuổi trẻ ai cũng mong muốn tìm hiểu nhiều điều mới, nhiều trải nghiệm mới và tâm sinh lý còn chưa ổn định… tuy nhiên các bạn trẻ hãy thử mở lòng mình để chia sẻ nhiều hơn với các bậc sinh thành và thông cảm cho nỗi lòng của họ vì như ông cha ta đã từng nói: “Bố mẹ nào mà chẳng thương con”.

Gửi gắm tới những bậc phụ huynh đang cảm thấy mất kết nối với con của mình: đồng ý là sức khỏe thể chất rất quan trọng, nhưng sức khỏe tinh thần chính là yếu tố giúp con trẻ cảm nhận được giá trị của bản thân. Hãy làm con cảm thấy may mắn và tự hào khi được sinh ra trên đời và được tự do làm điều mình thích!

Xem thêm các bài Soạn văn 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác: