Nếu cậu muốn có một người bạn - tác giả, bố cục, tóm tắt, nội dung, dàn ý - Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức
Tác giả tác phẩm: Nếu cậu muốn có một người bạn - Ngữ văn lớp 6
Qua bài học về tác giả, tác phẩm Nếu cậu muốn có một người bạn Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức với cuộc sống gồm nội dung chính về tác giả, bố cục, tóm tắt tác phẩm, dàn ý chi tiết, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, phương thức biểu đạt sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm tác phẩm Nếu cậu muốn có một người bạn.
I. Tác giả
Ăng-toan đơ Xanh-tơ Ê-xu-pe-ri (1900 - 1944)
- Là nhà văn lớn người Pháp.
- Là phi công và từng tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
- Các đề tài của ông lấy đề tài, cảm hứng từ những chuyến bay và cuộc sống của người phi công.
- Ngòi bút đậm chất trữ tình, trong trẻo, giàu cảm hứng lãng mạn.
- Tác phẩm chính: Hoàng tử bé, Bay đêm, Cõi người ta, Phi công thời chiến,…
II. Tìm hiểu sơ lược về tác phẩm
1. Thể loại: Truyện đồng thoại.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Trích chương 21 của tác phẩm “Hoàng tử bé” - tác phẩm nổi tiếng nhất của Ê-xu-pe-ri.
3. Phương thức biểu đạt : Tự sự.
4. Người kể chuyện : Ngôi thứ nhất (là nhân vật “tôi” - viên phi công gặp nạn trên sa mạc) nhưng trong đoạn trích “Nếu cậu muốn có một người bạn” lại không xuất hiện khiến câu chuyện như được kể bằng ngôi thứ ba.
5. Tóm tắt:
Đoạn trích “Nếu cậu muốn có một người bạn…” kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa hoàng tử bé và một con cáo trên Trái Đất. Khi vừa xuống đến nơi, nhìn thấy vườn hoa hồng có cả trăm nghìn bông, cậu thất vọng, buồn bã vì cứ ngỡ bông hoa của mình là duy nhất. Đúng lúc đó cáo xuất hiện. Nó trò chuyện với hoàng tử bé về cuộc sống trên Trái Đất và thế nào là cảm hóa. Cáo mong muốn được hoàng tử bé cảm hóa. Rồi đến lúc phải chia tay cáo đã tặng cho hoàng tử bé một bí mật và giải thích cho cậu nghe đóa hoa của cậu là duy nhất và đặc biệt vì bông hoa đó đã cảm hóa được cậu.
6. Bố cục:
Gồm 3 phần:
+ Phần 1: Từ đầu đến “tiếng gió trên đồng lúa mì” : Hoàng tử bé gặp gỡ và làm quen với cáo.
+ Phần 2: Tiếp theo đến “bạn ấy trở thành duy nhất trên đời”: Hoàng tử bé và cáo kết bạn, cảm hóa nhau.
+ Phần 3: Đoạn còn lại: Hoàng tử bé và cáo chia tay nhau.
7. Giá trị nội dung:
+ Nếu cậu muốn có một người bạn là đoạn trích nói lên ý nghĩa và cách thức chân chính để nhìn nhận một tình bạn. Câu chuyện xoanh quanh hoàng tử bé và con cáo cùng định nghĩa về "cảm hóa". Từ đó nêu ra những bài học cuộc đời cho độc giả.
8. Giá trị nghệ thuật:
+ Tác giả đã nhân cách hóa thành công nhân vật con cáo phù hợp với thể loại truyện đồng thoại.
+ Sử dụng ngôi kể thứ nhất chân thực.
+ Nhiều ẩn dụ tinh tế.
+ Lối kể gần gũi, hấp dẫn.
III. Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm
1. Cuộc gặp gỡ của hoàng tử bé và con cáo.
a. Hoàng tử bé
- Xuất thân: Đến từ một hành tinh khác. Một hành tinh không có thợ săn, không có gà... → "Chẳng có gì là hoàn hảo".
- Mục đích xuất hiện tại Trái Đất: Đi tìm con người, tìm bạn bè. → Tìm những bản thể giống mình, tìm tình bạn đích thực.
- Tâm trạng hiện tại: Mình buồn quá. → Buồn vì bông hồng của hoàng tử không phải duy nhất.
- Tâm trạng sau khi "cảm hóa":
+ Nhận ra ý nghĩa của "bông hồng", của những vật đã được mình "cảm hóa" và những vật đã "cảm hóa" mình.
+ Tự căn dặn bản thân, lặp lại để cho nhớ những lời dặn dò của con cáo với hoàng tử bé.
b. Con cáo
- Xuất thân: Ở Trái Đất.
- Mục đích: Muốn được hoàng tử bé "cảm hóa".
- Tâm trạng hiện tại:
+ Suy nghĩ về con người: phiền toái (có súng và đi săn), việc được nhất là nuôi gà. → Con người vừa đem lại lợi ích vừa là mối đe dọa với cáo.
+ Thấy trên thế giới có đủ thứ chuyện.
+ Buồn, "thở dài" khi "chẳng có gì là hoàn hảo".
+ Chán nản vì cuộc sống đơn điệu: Cáo săn gà, người săn cáo. Mọi con gà giống nhau, mọi con người giống nhau, không ai "cảm hóa" cáo.
→ Mong cầu được "cảm hóa": "Bạn làm ơn... cảm hóa mình đi!".
- Sau khi đã được "cảm hóa":
+ Buồn bã, khóc khi phải rời xa một người bạn "Mình sẽ khóc mất", "Mình được chứ bởi vì còn có màu lúa mì.". → Từ một vật không có ý nghĩa gì nay lại có ý nghĩa.
+ Nhắc nhở hoàng tử bé phải chú trọng vào tình cảm để cảm nhận, phải có trách nhiệm.
➩ Con cáo được nhân cách hóa như một con người, người bạn.
➩ Hình ảnh con người đi kiếm tìm ý nghĩa tình bạn.
2. Những ý nghĩa gợi ra từ cuộc gặp gỡ
- "Trên Trái Đất người ta thấy đủ thứ chuyện.".
- "Chẳng có gì là hoàn hảo.".
- Mối quan hệ giữa "Cảm hóa" và tình bạn:
+ "Cảm hóa" xuất hiện 15 lần trong bài, lặp đi lặp lại. → Vấn đề chính mà tác giả muốn đề cập trong đoạn trích.
+ Đó là thứ đã "bị lãng quên lâu lắm rồi". → Xã hội ngày càng trở nên thiếu vắng những tình bạn đích thực.
+ "Cảm hóa" là "làm cho gần gũi hơn...".
→ Tình bạn được xây dựng trên "cảm hóa".
Cáo chưa chơi được với hoàng tử bé vì chưa được cảm hóa.
Nếu được cảm hóa thì sẽ đến với nhau. Hoàng tử bé đối với cáo sẽ là duy nhất trên đời và ngược lại.
- Cách thức cảm hóa: Cần phải kiên nhẫn, mỗi ngày lặng lẽ xích lại gần vì lời nói là nguồn gốc mọi sự hiểu lầm.
- Ý nghĩa của "cảm hóa":
Đối với cáo |
Đối với hoàng tử bé |
- Khi được cảm hóa thì cáo sẽ được "chiếu sáng", biết thêm một tiếng chân khác khiến cáo chui ra khỏi hang chứ không còn trốn vào lòng đất. - Sau khi được cảm hóa thì lúa mì vốn chẳng có ích gì cho cáo sẽ là thứ gợi đến hoàng tử bé mỗi khi thấy nó. - Mặc dù khi chia tay rất buồn nhưng vẫn có được nhiều thứ. |
- Bắt đầu nhận ra vấn đề: Một bông hồng đã cảm hóa mình. - Khi thăm lại vườn hồng, cảm thấy bông hoa của mình là duy nhất bởi vì "Chẳng ai cảm hóa các bạn và các bạn chẳng cảm hóa ai". - "Người ta chỉ thấy rõ với trái tim. Điều cốt lõi vô hình trong mắt trần.". → Đôi khi con người sẽ lạc lối, sa vào những gì đẹp đẽ mình nhìn thấy trước mắt. Tuy nhiên thứ cốt lõi phải được cảm nhận bằng trái tim chứ không phải đôi mắt. - Thời gian mà bạn bỏ ra cho một thứ sẽ khiến thứ đó trở nên quan trọng với bạn. - Phải có trách nhiệm mãi mãi với những gì đã cảm hóa (tức là có trách nhiệm với tình bạn). |
➩ Ý nghĩa của cuộc đời, tình bạn đích thực.
* Nghệ thuật:
+ Điệp từ, điệp ngữ.
+ Nhân hóa con cáo.
+ Ẩn dụ: hoa hồng.