Tiếng cười không muốn nghe - tác giả, bố cục, tóm tắt, nội dung, dàn ý - Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức
Tác giả tác phẩm: Tiếng cười không muốn nghe - Ngữ văn lớp 6
Qua bài học về tác giả, tác phẩm Tiếng cười không muốn nghe Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức với cuộc sống gồm nội dung chính về tác giả, bố cục, tóm tắt tác phẩm, dàn ý chi tiết, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, phương thức biểu đạt sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm tác phẩm Tiếng cười không muốn nghe.
I. Tác giả
Tác giả: Minh Đăng
II. Tìm hiểu sơ lược về tác phẩm
1. Thể loại: Văn bản nghị luận
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
Tạp chí Hồng Lĩnh, số 170/2020.
3. Phương thức biểu đạt: Nghị luận
4. Tóm tắt:
Văn bản đặt ra vấn đề về những tiếng cười khiến người khác phải phiền lòng và khó chịu. Lí do để cười rất nhiều nhưng có người lại cười vì người khác không giống mình. Và cái cười ấy chỉ thỏa mãn ý thích không mấy tốt đẹp. Phản ứng lại tiếng cười đó không ít người hoảng hốt, lo âu, tưởng khiếm khuyết đó rất nghiêm trọng khiến họ bế tắc. Thái độ đúng đắn cần hành xử là góp ý chân thật giúp họ nhận ra điều đó. Bởi đó mới là sự yêu thương, đồng cảm, chia sẻ đối với người khác.
5. Bố cục:
Gồm 3 phần:
- Phần 1 (Từ đầu đến ...hôm sau người cười): Giới thiệu vấn đề
- Phần 2 (Tiếp theo đến …thái độ thán phục): Chứng minh vấn đề
- Phần 3 (Còn lại): Khẳng định vấn đề
6. Giá trị nội dung:
Tiếng cười không muốn nghe là bài văn nghị luận phê phán những nụ cười nhạo báng, mỉa mai, chê bai người khác. Đồng thời nhấn mạnh thái độ đúng đắn trước những khiếm khuyết của người khác và coi lòng nhân ái là "phương thuốc" trị "căn bệnh" chê bai người khác.
7. Giá trị nghệ thuật:
Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực.
III. Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm
1. Mở bài
- Giới thiệu nhiều âm sắc, hàm ý của tiếng cười.
- Nhắc đến câu tục ngữ "Cười người chớ vội cười lâu/ Cười người hôm trước hôm sau người cười" để nhắc đến kiểu cười khiến phiền lòng, khó chịu.
2. Thân bài
- Phân tích tục ngữ:
+ Nêu ra bài học: Không nên mải cười cợt người khác, bởi biết đâu bản thân mình rồi cũng có lúc lộ ra những nét đáng chê cười.
+ Ý nghĩa điệu cười mà câu tục ngữ nhắc đến: mỉa mai, dè bỉu, chê bai.
- Lí lẽ:
+ Lí do để cười: muôn hình vạn trạng.
+ Khẳng định ý kiến: Mọi người đều không hoàn hảo, quan trọng là nhận ra và khắc phục. Cười cợt về điểm yếu của người khác để hả hê, tự đề cao mình là không hay. Có thể sẽ bị rơi vào tình huống tương tự.
+ Giá trị của khác biệt: Tạo ra sự đa dạng, phong phú cho cộng đồng. Cái khác, cái riêng là bản chất chứ không phải nhược điểm. Hơn thế, nó còn là yếu tố quyết định giá trị mỗi con người.
+ Phản ứng của mỗi người khi bị cười cợt: Khác nhau (Có người mặc kệ, có người lặng lẽ sửa nhưng cũng có người hành vi tiêu cực).
+ Thái độ đúng đắn trước sai lầm, khuyết điểm của người khác: Nói rõ sự thật, góp ý chân thành.
- Dẫn chứng: Chú Nam. Bị cười cợt nhưng không từ bỏ, sau này đã thành công. Mọi người từ cười cợt đã biến thành thán phục.
3. Kết bài
- Đối thoại người đọc: Bạn đã bao giờ cười chê một người khiếm khuyết chưa?
- Chê bai người khác là một nhược điểm trong tính cách con người nhưng có thể "chữa trị" được.
- Cách "chữa trị": Lòng nhân ái.