X

Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 5 Tập 2 - Chân trời sáng tạo


Haylamdo soạn bài Tri thức ngữ văn trang 5 Tập 2 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 5 Tập 2 - Chân trời sáng tạo

1. Ý tưởng, thông điệp của văn bản

- Ý tưởng là những suy nghĩ, dự định, mục tiêu của người viết. Ý tưởng thường nảy sinh qua quá trình người viết trải nghiệm, quan sát, khám phá, trăn trở trước cuộc sống, từ đó thôi thúc ý định viết. Thông điệp là những ý tưởng quan trọng (bài học, tư tưởng, cách ứng xử,...) Được gửi gắm trong văn bản.

- Thông thường, từ ý tưởng ban đầu, người viết sẽ phát triển thành thông điệp, qua đó tác động đến suy nghĩ, hành động của người đọc. Ví dụ: Trong văn bản Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Ngữ văn 8, tập một, bộ sách Chân tròi sáng tạo), từ những ý tưởng ban đầu về mối quan hệ giữa người da đỏ với thiên nhiên, Xi-át-tô đã gửi thông điệp về thái độ tôn trọng và cách sống hài hòa với tự nhiên. Hiểu thông điệp ấy, người đọc sẽ nâng cao nhận thức và có hành động phù hợp khi ứng xử với tự nhiên.

2. Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội trong việc đọc hiểu văn bản

- Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội là hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, văn hóá, xã hội tại thời điểm văn bản ra đời giúp cho việc đọc hiểu văn bản được sâu sắc hơn; là bối cảnh tại thời điểm người đọc đọc văn bản, tác động đến cách hiểu, cách suy nghĩ, cảm xúc của người đọc.

- Khi đọc văn bản, việc liên hệ với bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội giúp người đọc hiểu thêm về mục đích viết và nội dung (bao gồm ý tưởng và thông điệp) của văn bản. Ví dụ: Khi đọc Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, hiểu được bối cảnh văn hóa, xã hội (truyền thống sống hòa hợp với tự nhiên của người da đỏ), người đọc sẽ hiểu được quan điểm bảo vệ thiên nhiên và tình cảm yêu quý, gắn bó máu thịt với thiên nhiên của tác giả. Liên hệ với bối cảnh hiện nay, khi môi trường bị tàn phá, người đọc càng hiểu rõ hơn sự cấp bách của việc bảo vệ môi trường và sống hài hòa với thiên nhiên.

3. Lựa chọn câu đơn - câu ghép, các kiểu câu ghép và các phương tiện nối các vế câu ghép

 Trong thực tế giao tiếp, tuỳ vào mục đích khác nhau, người nói/ người viết có thể lựa chọn sử dụng câu đơn hay câu ghép, lựa chọn kiểu câu ghép và các phương tiện nối các vế câu ghép.

• Lựa chọn câu đơn - câu ghép

Chúng ta thường chọn câu đơn (câu có một cụm chủ ngữ - vị ngữ nòng cốt) để biểu thị một phán đoán đơn và lựa chọn câu ghép (câu có hai cụm chủ ngữ - vị ngữ nòng cốt trở lên) để biểu thị một phán đoán phức hợp, thể hiện một quá trình tư duy và thông báo có tính chất phức hợp.

Ví dụ:

(1) Nam/ học tập chăm chỉ. Bạn ấy/ đạt kết quả cao trong kì thi học kì. (2 câu đơn)

       CN            VN                 CN                      VN

(2) Nam /học tập chăm chỉ nên bạn ấy / đạt được kết quả cao trong kì thi học kì.

         CN1             VN1                     CN2                                 VN2

 (1 câu ghép)

• Lựa chọn các kiểu câu ghép và các phương tiện nối các vế câu ghép

Có nhiều cách phân loại câu ghép. Dưới đây là hai cách phân loại thường gặp:

1. Dựa vào quan hệ giữa các vế, có thể chia câu ghép thành hai loại: câu ghép đẳng lập (các vế có quan hệ đẳng lập, không phụ thuộc nhau) và câu ghép chính phụ (các vế có quan hệ phụ thuộc nhau).

- Câu ghép đẳng lập

Giữa các vế của câu ghép đẳng lập thường có quan hệ ý nghĩa: (1) liệt kê

(Cô giáo giảng bài và học sinh chăm chú lắng nghe.); (2) lựa chọn (Bạn làm hoặc mình làm.); (3) tiếp nối (Trời tắt nắng rồi mây đen kéo đến.); (4) đối chiếu (Phòng khách thì rộng còn phòng ngủ thì chật.).

- Câu ghép chính phụ

Giữa các vế của câu ghép chính phụ thường có quan hệ ý nghĩa: (1) nguyên nhân - kết quả (Vì trời mưa to nên đường bị ngập.); (2) điều kiện/ giả thiết - kết quả

(Nếu ngày mai thời tiết đẹp thì chúng tôi sẽ đi du lịch.); (3) nhượng bộ - tương phản

(Tuy trời mưa to nhưng nó vẫn đi học.); (4) mục đích - sự kiện (Để trường lớp luôn sạch đẹp, chúng ta cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.):

2. Dựa vào phương tiện nối các vế, có thể chia câu ghép thành hai loại: câu ghép có từ ngữ liên kết và câu ghép không có từ ngữ liên kết (chỉ dùng dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;), dấu hai chấm (:) để ngăn cách các vế).

- Câu ghép có từ ngữ liên kết

Ví dụ: Vì trời mưa to nên đường bị ngập. (Biểu thị quan hệ nguyên nhân - kết quả)

Lưu ý: Ngoài các kết từ (và, rồi, hay, còn,...), các cặp kết từ (vì ... nên, nếu ... thì, tuy ... nhưng,...), từ ngữ liên kết còn có thể là các cặp từ ngữ hô ứng như càng ... càng, vừa ... vừa, mới ... đã, bao nhiêu ... bấy nhiêu, nào ... ấy,...

- Câu ghép không có từ ngữ liên kết

Ví dụ: Cô giáo giảng bài, học sinh chăm chú lắng nghe. (Biểu thị quan hệ liệt kê). Khi cần sử dụng câu ghép, tuỳ vào quan hệ giữa các vế (đẳng lập/ chính phụ), tuỳ vào mối liên hệ ý nghĩa giữa các vế (liệt kê, lựa chọn, nguyên nhân - kết quả, mục đích - sự kiện,...) Mà chúng ta lựa chọn kiểu câu ghép nào, từ đó, lựa chọn phương tiện nối các vế câu cho phù hợp.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác: