Bài 17: Cây đa quê hương - Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 17: Cây đa quê hương sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Bài 17.

Bài 17: Cây đa quê hương - Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Đọc: Cây đa quê hương trang 80, 81

Nội dung chính Cây đa quê hương:

Văn bản đề cập đến cây đa quê hương. Cây đa quê hương đã gắn bó với tuổi thơ của tác giả với rất nhiều kỉ niệm và được miêu tả rất thân thương, cổ kính. Đó chính là hình ảnh tác giả nhớ nhất khi nghĩ về quê hương.

* Khởi động

Câu hỏi trang 80 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nói 2 – 3 câu giới thiệu về quê hương em hoặc địa phương em. Cảnh vật nào ở đó khiến em nhớ nhất? Vì sao?

Trả lời:

Bài 1:

Mỗi dịp nghỉ hè, em thường về thăm quê. Nơi đây là một vùng quê xinh đẹp và yên bình. Những buổi sáng, ông mặt trời thức dậy từ sớm để đánh thức mọi vật. Ấn tượng nhất phải kể đến cánh đồng lúa rộng mênh mông phía xa. Những bông lúa chín nặng trĩu, vàng ươm. Nhấp nhô giữa đồng là các bác nông dân đang làm việc hăng say. Khung cảnh mới đẹp làm sao!

Bài 2:

Quê hương em không đẹp nên thơ nhưng em vẫn tự hào mà nói rằng được thả diều mỗi chiều trên đê quả là tuyệt. Những tia nắng cuối cùng trong ngày còn sót lại cũng là lúc lũ trẻ chúng em kéo nhau ra bãi cát chân đê chơi. Từng làn gió mát phả trong không khí đưa những chiếc diều bay xa và bay cao. Nó gửi gắm ước mơ về một tương lai tươi đẹp của bọn trẻ thôn quê. Chao ôi! Một ngày sôi động, ồn ã đã kết thúc để nhường chỗ cho một đêm yên ả.

* Đọc văn bản

Cây đa quê hương

Bài 17: Cây đa quê hương Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Nói đến làng quê, trong kí ức tôi, đậm nét nhất là hình ảnh cây đa trước xóm. Cây đa ấy không có tên chính thức, nó mang tên chung rất đỗi thân thuộc với mọi người: cây đa quê hương.

Cây đa nghìn năm đã gắn liền với thời thơ ấu của chúng tôi. Nói đúng hơn, đó là cả một toà cổ kính hơn là một thân cây. Chín, mười đứa bé chúng tôi bắt tay nhau ôm không xuể. Cành cây lớn hơn cột đình. Đỉnh chót vót giữa trời xanh, đến những con quạ đậu trên cao, nhìn cũng chẳng rõ. Rễ cây nổi lên mặt đất thành những ụ, những hình thù quái lạ như những con rắn hổ mang giận dữ. Trong vòm lá, gió chiều gảy lên những điệu nhạc li kì, có khi tưởng chừng như ai cười ai nói trong cành, trong lá.

Chiều chiều, chúng tôi ra ngồi gốc đa hóng mát. Lúa vàng gợn sóng. Đây đó, ễnh ương ộp oạp, và xa xa, giữa cánh đồng, đàn trâu bắt đầu ra về, lững thững từng bước nặng nề, nhịp nhàng. Bóng sừng trâu dưới ánh chiều kéo dài, lan giữa ruộng đồng yên lặng.

(Theo Nguyễn Khắc Viện)

Từ ngữ

- Cổ kính: cũ và có vẻ đẹp trang nghiêm.

- Chót vót: (cao) vượt lên hẳn những vật xung quanh.

- Lững thững: (đi) chậm, từng bước một.

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nghĩ về quê hương, tác giả nhớ nhất hình ảnh nào?

Trả lời:

Nghĩ về quê hương, tác giả nhớ nhất hình ảnh cây đa trước xóm.

Câu 2 trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Cây đa quê hương được tả như thế nào?

Bài 17: Cây đa quê hương Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Trả lời:

Cây đa được miêu tả:

- Rễ cây: Rễ cây nổi lên mặt đất thành những ụ, những hình thù quái lạ như những con rắn hổ mang giận dữ.

- Thân cây: Chín, mười đứa bé bắt tay nhau ôm không xuể.

- Cành cây: Cành cây lớn hơn cột đình.

- Vòm lá: Trong vòm lá, gió chiều gảy lên những điệu nhạc li kì, có khi tưởng chừng như ai cười ai nói trong cành, trong lá.

- Ngọn cây: Đỉnh chót vót giữa trời xanh, đến những con quạ đậu trên cao, nhìn cũng chẳng rõ.

Câu 3 trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Vì sao tác giả gọi cây đa quê mình là cây đa nghìn năm?

Trả lời:

Tác giả gọi cây đa quê mình là cây đa nghìn năm vì cây đa ấy đã có từ rất lâu đời, gắn liền với tuổi thơ của bao nhiêu người.

Câu 4 trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Cây đa quê hương đã gắn bó với tuổi thơ của tác giả như thế nào?

Trả lời:

Cây đa quê hương đã gắn bó với tuổi thơ của tác giả: Chiều chiều, tác giả và lũ bạn ra ngồi gốc đa hóng mát.

Câu 5 trang 81 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Những chi tiết, hình ảnh nào trong bài gây ấn tượng đối với em? Vì sao?

Trả lời:

Hình ảnh buổi chiều trong đoạn cuối gây ấn tượng với em vì nó thể hiện sự yên bình và êm ả của vùng quê Việt Nam.

Luyện từ và câu: Trạng ngữ chỉ phương tiện trang 82

Câu 1 trang 82 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Xếp các trạng ngữ của mỗi câu trong các đoạn văn vào nhóm thích hợp.

Bài 17: Cây đa quê hương Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

a. Ngày xưa, ở vùng sông nước miền Tây, những chiếc cầu tre trở thành hình ảnh thân thuộc, tô điểm thêm cho nét đẹp làng quê. Bằng vài cây tre già, người ta đã làm những cây cầu bắc qua kênh rạch nhỏ, đôi bờ không còn ngăn cách.

(Theo Lê Quang Huy)

b. Từ lâu, chiếc nón lá là hình ảnh thân thuộc với quê hương Việt Nam, gắn liền với hình ảnh những người mẹ, người chị tảo tần, đảm đang. Với chiếc nón lá, vẻ đẹp hồn hậu, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam càng được tôn lên.

(Theo Hạ Mi)

Trả lời:

Trạng ngữ chỉ thời gian

Trạng ngữ chỉ phương tiện

Trạng ngữ chỉ nơi chốn

Ngày xưa, Từ lâu

Bằng vài cây tre già, với chiếc nón lá

Ở vùng sông nước miền Tây,

 

Câu 2 trang 82 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đặt câu hỏi cho trạng ngữ chỉ phương tiện của mỗi câu dưới đây:

a. Bằng lá cọ non phơi khô, người thợ thủ công đã khâu thành những chiếc nón che nắng, che mưa.

b. Với những chiếc khăn piêu kết hợp độc đáo giữa màu sắc và hoa văn, các cô gái Thái đã chứng tỏ sự khéo, đảm đang của mình.

c. Bằng một số ống tre, nứa thô sơ, người dân Tây Nguyên đã làm ra cây đàn trưng có âm thanh thánh thót như tiếng chim hót, tiếng suối reo...

Trả lời:

a. Người thợ thủ công đã khâu thành những chiếc nón che nắng, che mưa bằng gì?

b. Các cô gái Thái đã chứng tỏ sự khéo, đảm đang của mình với cái gì?

c. Bằng cái gì người dân Tây Nguyên đã làm ra cây đàn trưng có âm thanh thánh thót như tiếng chim hót, tiếng suối reo...?

Câu 3 trang 82 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Theo em, trạng ngữ chỉ phương tiện bổ sung thông tin gì cho câu?

Trả lời:

Theo em, trạng ngữ chỉ phương tiện bổ sung phương tiện thực hiện hoạt động được nói đến trong câu; trả lời câu hỏi Bằng gì?, Bằng cái gì?, Với cái gì?.

Câu 4 trang 82 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm từ ngữ thích hợp để hoàn thành các câu có trạng ngữ chỉ phương tiện.

a. Bằng ?, chuồn chuồn bay lượn khắp đó đây.

b. Với ?, chim gõ kiến có thể đục thủng bất kì thân cây nào.

c. Bằng ?, voi có thể dễ dàng kéo lá cây, cành cây từ trên cao xuống.

Trả lời:

a. Bằng đôi cánh nhỏ, chuồn chuồn bay lượn khắp đó đây.

b. Với chiếc mỏ dài và nhọn, chim gõ kiến có thể đục thủng bất kì thân cây nào.

c. Bằng chiếc vòi cài, voi có thể dễ dàng kéo lá cây, cành cây từ trên cao xuống.

Viết: Tìm hiểu cách viết bài văn miêu tả cây cối trang 83, 84

Câu 1 trang 83 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc bài văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.

Cây sim

Cây sim chắc là có họ với cây mua, chúng đều mọc ở vùng trung du, trên những mảnh đất cằn cỗi.

Nếu hoa mua có màu tím hồng thì hoa sim tím nhạt, phơn phớt như má con gái. Tuy nó không thơm nhưng lại tươi non như một niềm vui cứ lan toả làm cho sườn đồi sỏi đá cũng thêm đáng yêu, đáng mến.

Quả sim giống hệt một con trâu mộng tí hon, béo tròn múp míp, còn nguyên cả lông tơ, chỉ thiếu chiếc khoáy. Cái sừng trâu là cái tai quả, nó chính là đài hoa đã già. Con trâu mộng ấy chỉ bằng đốt ngón tay, ngọt lịm và có dư vị một chút chan chát. Ăn sim xong, cả môi, cả lưỡi, cả răng ta đều tím. Chắc khi hoa sim tàn đi làm quả, màu tím đọng lại từng tí một, thành thứ mật ngọt tím thẫm ấy. Cả nắng gió trên đồi, cả mưa cũng không chịu tan đi, cứ tích luỹ lại, thành ra màu tím không giống bất cứ một thứ màu tím của quả vườn nào.

Đi chơi trên đồi, leo dốc này vượt dốc khác, tìm thấy bụi sim, hải quả chín mà ăn, đúng là bắt được thứ của trời cho, đầy ngon lành, hứng thú, về nhà vẫn còn nhớ mãi.

(Theo Băng Sơn)

Bài 17: Cây đa quê hương Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

a. Tìm phần mở bài, thân bài, kết bài của bài văn trên.

b. Mở bài giới thiệu những gì về cây sim?

c. Cây sim được miêu tả như thế nào ở phần thân bài?

Bài 17: Cây đa quê hương Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

d. Phần kết bài nói về điều gì? Tình cảm của người viết đối với cây sim được thể hiện qua chi tiết nào?

Trả lời:

a.

- Mở bài: Đoạn văn đầu

- Thân bài: Từ “Nếu hoa mua có màu tím hồng” đến... “màu tím của quả vườn nào.”

- Kết bài: Đoạn văn cuối

b. Phần mở bài giới thiệu về nguồn gốc và nơi chúng sinh trưởng và phát triển.

c. Cây sim được miêu tả bằng cách tả lần lượt từng bộ phận của cây: đặc điểm của hoa và quả sim.

d. Phần kết bài nói về kỉ niệm của tác giả về cây sim. Tình cảm của người viết đối với cây sim được thể hiện qua chi tiết: tìm thấy bụi sim, hái quả chín ăn đúng là bắt được thứ của trời cho, đầy ngon lành, hứng thú về nhà vẫn còn nhớ mãi.

Câu 2 trang 84 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Trao đổi về cách viết bài văn miêu tả cây cối.

Gợi ý:

- Bài văn có mấy phần? Nội dung chính của mỗi phần là gì?

- Có thể miêu tả cây cối theo trình tự nào ?

- Những từ ngữ nào có thể dùng để tả các bộ phận của cây?

Bài 17: Cây đa quê hương Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Trả lời:

- Bài văn miêu tả cây cối thường có 3 phần:

+ Mở bài: Giới thiệu bao quát về cây (tên cây, nơi cây mọc,...).

+ Thân bài: Tả lần lượt từng bộ phận của cây.

+ Kết bài: Nêu ấn tượng đặc biệt hoặc tình cảm của người tả với cây.

- Có thể miêu tả cây cối theo trình tự tả lần lượt từng bộ phận của cây.

- Những từ ngữ có thể dùng để tả các bộ phận của cây:

 

Thân cây

Hoa

Quả

Dừa

- To

- Bạc phếch

- Dài

- Xanh

- Nhỏ

- Trắng

- Xanh

- To

Xoài

- To

- Sần sùi

- Thon dài

- Xanh

- Nhỏ

- Vàng nhạt

- To

- Vàng ươm

Cà chua

- Nhỏ

- Mềm

- Nhỏ

- Xanh

- Vàng

- Nhỏ

- Mọng

- Đỏ

 * Vận dụng

Câu hỏi trang 84 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm đọc các bài văn miêu tả cây cối. Ghi lại những câu văn hay mà em muốn học tập.

Trả lời:

Tả cây hoa hồng.

Trên khuôn viên tầng thượng nhỏ nhà em, mẹ em trồng rất nhiều các loài hoa: hoa thiết mộc lan, hoa quỳnh, hoa đồng tiền, thược dược,… Nhưng em thích nhất là cây hoa hồng nhung mà em đã trồng cùng mẹ vào mùa xuân năm em học lớp 1.

Cây hoa hồng nhung được mẹ khéo léo trồng trong một chiếc chậu xinh xinh. Nhìn từ xa, cây như một cô công chúa đội vương miện đỏ kiêu sa. Cây cao khoảng 70 – 80 cm, thân cây to hơn chiếc đũa, được bao bọc bởi lớp áo màu xanh thẫm nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Cũng ở thân mọc ra những chiếc gai sắc nhọn như những chàng hiệp sĩ dũng cảm bảo vệ nàng công chúa kiêu sa. Cành lá cây hoa hồng mảnh mai, cũng có gai nhọn như thân hồng. Lá hoa hồng nhỏ nhắn, hình bầu dục, có răng cưa viền xung quanh. Gân lá hồng nổi lên trên nền lá màu xanh thẫm, giống như bộ xương cá.

Hoa hồng nở quanh năm nếu được chăm sóc tốt. Nhưng đặc biệt hơn là vào mùa xuân, cây hồng nhung nở rộ hoa. Hoa hồng nở ở đầu cành. Màu hoa đỏ thẫm, cánh mềm mịn như những tấm khăn nhung của các bà, các mẹ. Các cánh hoa chúm chím dần xòe ra xếp thành từng tầng bao quanh nhụy hoa. Nhụy hoa hồng rất nhỏ, có màu vàng nhạt. Mỗi sáng sớm khi thức dậy em bước ra vườn, những giọt sương như những hạt ngọc đọng trên những cánh hoa, lá. Mùi hương thơm nhè nhẹ, dễ chịu của nữ hoàng hoa hồng được chị gió mang tỏa khắp nơi, như mời gọi những nàng ong, chị bướm đến hút mật. Không hổ danh là “nữ hoàng của các loài hoa”! Hoa hồng thường được dùng để trang trí, làm đẹp, làm quà tặng và còn để điều chế nước hoa nữa.

Em rất yêu thích cây hoa hồng nhung nhà em! Mỗi khi rảnh, em đều cùng mẹ tưới nước, nhổ cỏ dại, cắt cành, tỉa lá, chăm sóc cây hồng nhung cho cây luôn tươi tốt và nở thật nhiều hoa. Mỗi dịp lễ, mẹ em thường cắt mấy bông hồng xuống để thắp hương trên ban thờ.

Những điều em muốn học tập:

- Bố cục 3 phần rõ ràng.

- Thân bài: Tả lần lượt từng bộ phận của cây.

- Các câu văn hay, ấn tượng: “Cũng ở thân mọc ra những chiếc gai sắc nhọn như những chàng hiệp sĩ dũng cảm bảo vệ nàng công chúa kiêu sa.”, “Mùi hương thơm nhè nhẹ, dễ chịu của nữ hoàng hoa hồng được chị gió mang tỏa khắp nơi, như mời gọi những nàng ong, chị bướm đến hút mật.”

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: