X

Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức

Tiết 6, 7 lớp 5 - Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Tiếng Việt lớp 5 Tiết 6, 7 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2.

Tiết 6, 7 lớp 5 - Kết nối tri thức

A. ĐỌC

I. Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi.

            Mưa

Mưa như mẹ rây bột

Là cơn mưa mùa xuân

Hoa mai nở tần ngần

Hé bừng tia nắng mới.

 

Cơn mưa rào tháng Năm

Như bị thần sấm đuổi

Chị ra đồng hai buổi

Lúa chín vàng mênh mông.

 

Mưa dài như nhớ mẹ

Là cơn mưa tháng Mười

Bếp lửa bà hay cười

Giã ngô thơm mùi nắng.

Đây cơn mưa của con

Từ đôi bàn tay son

Từ búp sen thùng tưới

Mưa xoè đầy lá non.

 

Như mặt trời mới lên

Cành quýt treo quả đỏ

Con chim vườn lấp ló

Hót vang ngời tiếng mưa...

(Lê Thị Mây)

Tiết 6, 7 trang 83, 84, 85, 86 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu a trang 83 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Bài thơ nhắc đến những cơn mưa vào thời gian nào? Khi đó, mọi người làm gì?

Trả lời:

Bài thơ nhắc đến những cơn mưa vào thời gian và hoạt động tương ứng của con người:

+ Mưa vào mùa xuân: khi này, hoa mai nở hé đón nắng.

+ Mưa rào tháng Năm (mùa hạ): khi này, chị ra đồng hai buổi; lúa chín vàng.

+ Mưa tháng Mười (mùa đông): khi này, bà ngồi bên bếp lửa, giã ngô thơm mùi nắng.

Câu b trang 83 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Em hiểu “cơn mưa của con” trong bài thơ nói về điều gì?

Trả lời:

Em hiểu “cơn mưa của con” trong bài thơ nói về: hành động tưới cây của người con. Có thể vì mưa không đủ, không có mưa mà con tự tạo ra mưa từ việc tưới nước. “Cơn mưa của con” giúp cây cối phát triển, làm cho con hạnh phúc.

II. Đọc hiểu.

Mùa mật mới

Những đêm mùa mật, cuộc sống lặng yên quen thuộc ở làng Mật vụt đổi khác. Nhà nào cũng tấp nập, sáng sủa.

Bà lễ mễ bưng nồi, chõ, chiếc chậu sành và gùi lá mật đến bên bếp. Phựng và Nôốc Kham lấy mâm bột và bát vừng. Bà cháu ngồi xúm quanh gùi lá mật, lúi húi khều trứng ong và ong non rồi cùng nặn bánh. Khi đã hết ong non, bà bắc nồi cho lên bếp canh lá mật.

Trên miệng chõ, bà đặt cái chậu sành, bên trong góc chậu, bà gác những lá mật. Hơi nóng bốc nghi ngút, sáp bịt các lỗ mật chảy ra. Mật lẫn sáp rỏ đều đều xuống chậu.

Chậu mật trên bếp đầy dần. Mùi mật nóng hổi, thơm ngọt ngào bay ra ngoài. Bà bắc chậu xuống rồi đặt lên miệng chõ cái chậu khác. Khi mật nguội, bà gạt sáp và chắt mật vào vò. Bà nếm, loại mật nào ngăm ngăm đắng là có nhiều nhuỵ xoan thì cất riêng làm thuốc. Còn loại mật thường, vị ngọt đậm, bà giữ làm mặt ăn hằng ngày và đem đi đổi hàng.

– Chưa năm nào được mùa mật như năm nay. – Bà sung sướng bảo. – Các cháu muốn mua gì nào?

Phựng muốn mua cái dây lưng da, cây bút máy. Nôốc Kham muốn mua cái trâm cài tóc có bông hoa to kết bằng hạt cườm và một cái gương to.

– Thế bà định mua gì ạ?

– Bà mua bộ ấm tích, cái chảo và con dao to.

– Mua riêng cho bà cơ, những thứ bà nói là mua chung cho cả nhà mà.

– Bà chẳng cần gì. Bà đủ cả rồi.

– Bà hay kêu đau xương. Lần này cháu sẽ mua cao cho bà. – Phựng nói.

Bà cháu vui vẻ bàn chuyện bên chậu mật. Canh xong gùi lá mật, Phựng bưng những bình mật mới cất bớt vào buồng. Nôốc Kham bắc chảo mỡ lên bếp để rán bánh. Khi bánh đã vớt ra đầy mâm, bà ghé đầu ra cửa gọi gia đình bác thợ gỗ bên hàng xóm. Bà mời họ sang nếm mật mới và ăn bánh, mừng mùa mật.

(Theo Vũ Hùng)

Tiết 6, 7 trang 83, 84, 85, 86 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Để lấy mật, bà đã chuẩn bị những gì?

Trả lời:

Để lấy mật, bà đã chuẩn bị: nồi, chõ, chiếc chậu sành và gùi lá mật, mâm bột, bát vừng.

Câu 2 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Sắp xếp các hoạt động dưới đây theo trình tự của việc lấy mật.

a. Gác những lá mật trong góc chậu sành.

b. Đặt chậu sành lên miệng chõ.

c. Canh lá mật cho sáp bịt các lỗ mật chảy ra.

d. Bắc nồi chõ lên bếp.

e. Khều trứng ong và ong non ra khỏi lá mật.

g. Để mật nguội.

h. Gạt sáp ra và chắt mật vào vò.

Trả lời:

Em sắp xếp các hoạt động dưới đây theo trình tự của việc lấy mật là:

e. Khều trứng ong và ong non ra khỏi lá mật.

d. Bắc nồi chõ lên bếp.

b. Đặt chậu sành lên miệng chõ.

a. Gác những lá mật trong góc chậu sành.

c. Canh lá mật cho sáp bịt các lỗ mật chảy ra.

g. Để mật nguội.

h. Gạt sáp ra và chắt mật vào vò.

Câu 3 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Mật sau khi thu được có hương vị ra sao?

Trả lời:

Mật sau khi thu được có hai hương vị: một loại mật vị ngăm ngăm đắng là do có nhiều nhuỵ xoan, có thể làm thuốc; loại mật khác có vị ngọt đậm, là mật thường dùng để ăn và đổi hàng.

Câu 4 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Niềm vui “được mùa mật” của các nhân vật trong câu chuyện được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Niềm vui “được mùa mật” của các nhân vật trong câu chuyện được thể hiện qua những câu trò chuyện sôi nổi sẽ định mua đồ vật gì của Phựng, Nôốc Kham và bà.

Câu 5 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Theo em, những tình cảm nào được thể hiện trong câu chuyện? Những chi tiết nào cho em biết điều đó?

Trả lời:

Theo em, những tình cảm được thể hiện trong câu chuyện và chi tiết cho em biết điều đó là:

+ Tình cảm lo toan, biết dành dụm của bà (loại mật nào ngăm ngăm đắng là có nhiều nhuỵ xoan thì cất riêng làm thuốc).

+ Tình cảm của bà dành cho các cháu, muốn các cháu vui (bà hỏi các cháu muốn mua gì nào?)

+ Tình hiếu thảo của các cháu cho bà (những thứ bà muốn mua là mua chung cho cả nhà mà; cháu sẽ mua cao cho bà vì bà hay kêu đau xương).

+ Tình làng nghĩa xóm biết chia sẻ (mời gia đình bác thợ gỗ bên hàng xóm sang nếm mật mới và ăn bánh, mừng mùa mật).

Câu 6 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Viết 2 – 3 câu nêu cảm nghĩ của em về người bà trong câu chuyện trên

Trả lời:

Trong câu chuyện, người bà hết mực lo toan và giỏi giang. Bà biết rõ ràng từng công đoạn và vật dụng cần phải có để lấy mật, cách phân loại mật thu được. Không chỉ vậy, bà còn có một lòng “thoáng” với các cháu, với tình cảm hàng xóm láng giềng.

Câu 7 trang 86 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm câu đơn và câu ghép trong những câu dưới đây:

a. Trên miệng chõ, bà đặt cái chậu sành, bên trong góc chậu, bà gác những lá mật.

b. Mật lẫn sáp rỏ đều đều xuống chậu.

c. Hơi nóng bốc nghi ngút, sáp bịt các lỗ mặt chảy ra.

d. Chậu mật trên bếp đầy dần.

e. Mùi mặt nóng hổi, thơm ngọt ngào bay ra ngoài.

Trả lời:

Trong các câu dưới:

+ Các câu đơn là: b, d.

+ Các câu ghép là: a, c, e. 

Câu 8 trang 86 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Dùng kết từ (hoặc cặp kết từ) để nối các câu đơn dưới đây thành câu ghép.

Tiết 6, 7 trang 83, 84, 85, 86 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

– Dùng kết từ còn: Canh lá mật là cách lấy mật ngày xưa còn cách lấy mật phổ biến hiện nay là vắt tay hoặc quay lá mật.

– Dùng cặp kết từ vì…nên…: mật có thể đổi lấy đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày nên ba bà cháu rất vui khi được mùa mật.

Câu 9 trang 86 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Trong đoạn dưới đây, từ ngữ thay thế nào có tác dụng liên kết câu?

Khi bánh đã vớt ra đầy mâm, bà ghé đầu ra cửa gọi gia đình bác thợ gỗ bên hàng xóm. Bà mời họ sang nếm mật mới và ăn bánh, mừng mùa mật.

Trả lời:

Trong đoạn dưới đây, từ ngữ thay thế có tác dụng liên kết câu là: họ (thay cho từ ngữ: gia đình bác thợ gỗ bên hàng xóm)

Câu 10 trang 86 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Viết một đoạn văn dựa vào các ý dưới đây, trong đó có sử dụng các từ ngữ: đầu tiên, tiếp theo, sau đó, cuối cùng.

Tiết 6, 7 trang 83, 84, 85, 86 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Để lấy được mật theo cách làm ngày xưa, ta cần những thao tác rất cầu kì và công phu. Đầu tiên phải chuẩn bị đầy đủ các vật dụng: nồi, chõ, chậu sành, gùi lá. Tiếp theo, mật cần phải được khều hết trứng ong và ong non. Sau đó đun lá mật, canh cho lá mật rỏ đều mật lẫn sáp. Cuối cùng ta gạt sáp, chắt mật thu được vào vò để cất trữ.

Câu hỏi trang 86 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:

Đề 1 Viết bài văn tả một người lớn tuổi mà em yêu quý.

Đề 2 Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc khiến em xúc động.

Trả lời:

* Đề 1: Viết bài văn tả một người lớn tuổi mà em yêu quý.

          Cụ ngoại của em năm nay đã 87 tuổi tròn. Cụ là người lớn tuổi nhất trong gia đình, cũng là người mà em dành tình cảm, sự yêu mến thật nhiều trong gia đình.

          Cụ ngoại của em vì tuổi cao nên xương cũng đã yếu, cụ hay đi khom người, lưng còng và thấp rạp xuống mặt đường. Các bác phải mua cho cụ thêm một chiếc gậy chống để cụ đi lại dễ hơn. Cứ thấy bóng cụ ở đầu đường, em lại mừng rỡ reo lên: “A cụ! A cụ đây rồi!”. Nhà cụ cách nhà em khoảng 200 m, mỗi lần cụ sang chơi, em đều thích lắm! Da của cụ đã nhăn nheo đi nhiều. Trên da lấm tấm những nốt tràm, nốt mụn ruồi, sạm đi một màu nâu. Hàng ngày, nếu trời nóng cụ thường mặc một chiếc áo sơ mi, đan bên ngoài một chiếc ghi-lê hay áo phông. Trời mà trở lạnh thì cụ khoác thêm áo nhung, khăn quấn đầu mỏ quạ. Những trang phục cứ quen thuộc vậy mà em lại thấy đẹp làm sao! Cụ gìn giữ quần áo, phẳng phiu và sáng mới lắm.

          Cụ tuổi đã cao nhưng lại rất chăm hoạt động, đi lại. Ông bà em thường khuyên cụ ở trong nhà vì ra đường vấp phải chướng ngại dễ nguy hiểm. Vậy nhưng chắc không thể dễ mà ở yên một chỗ được! Phải vận động thì con người mới khoan khoái, dễ chịu. Cụ em cứ đến bữa lại chăm ra vườn lấy rau, nhặt rau; cụ đi thăm các hàng xóm ở xung quanh, kể chuyện rồi lại cùng râm ran bầu không khí. Cũng thật may khi quanh nhà em, hàng xóm có các cụ cao tuổi cũng nhiều, cụ không buồn, không cô đơn và sợ khó nói chuyện với người trạc tuổi. Có lẽ cả gia đình em đều học ở cụ tính lễ phép, ăn nói trước sau phải thưa gửi. Cụ chưa từng nói năng làm mất lòng ai bao giờ, nghe cụ nói chỉ có thêm yêu cụ thôi!

          Đặc biệt, em biết cụ têm trầu rất giỏi. Cụ dạy em bộ têm trầu phải có vôi, có lá trầu, có quả cau, dao, tăm. Cụ lấy con dao nhỏ bằng 2 ngón tay, bổ cau thành 3 nửa. Lấy vôi đơm vào lá trầu, cuộn lại rồi kẹp vào vỏ cau; xiên thêm chiếc tăm. Như vậy là đã hoàn thành miếng trầu được têm rồi.

          Được sum vầy bên cụ mỗi ngày, càng vui hơn những ngày lễ, ngày Tết, ngày giỗ chạp, mọi người như thấy tự hào, hạnh phúc vì gia đình thật nhiều thế hệ cùng họp mặt. Em mong sao cụ luôn mạnh khoẻ, luôn vui tươi yêu đời, cùng gia đình mình đón thêm những năm mới sang.

* Đề 2: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc khiến em xúc động.

          Em vẫn nhớ hè năm trước, em cùng gia đình xuống thăm cô chú ở Hà Nội, được đến thăm Lăng Bác một lần. Em đã biết về Lăng Bác từ lâu, nhưng chuyến thăm trực tiếp ấy thật sự để lại trong em nhiều dư âm, xúc động khó tả.

          Mùa hè năm ấy nóng bức lắm, trời Hà Nội cứ làm em muốn đổ mồ hôi mọi lúc. Thế nhưng vào tới Lăng Bác, không khí dễ chịu hơn nhiều vì máy điều hoà không khí. Lăng Bác bên trong rất rộng, khác hẳn với trí tưởng tượng của em sẽ nhỏ, chỉ là nơi đặt thi hài của Bác. Các căn phòng có trần cao, rộng và thoáng. Mỗi căn phòng đều chứa rất nhiều kỉ vật, nhiều bức tượng và kể về những câu chuyện. Có phòng thì đặt tượng Bác Hồ thật to trước cổng vào. Phòng thì trưng bày những bát, quần áo, tài liệu cổ từ thời chiến tranh có liên quan tới Bác. Chứng kiến những đồ vật ấy, em thấy quá khứ và chiến tranh thật ác liệt, ông cha ta đã phải chiến đấu vô cùng anh dũng mới có được ngày hôm nay.

          Đặc biệt nhất và cũng là lúc em mong chờ nhất, em được đến với căn phòng nơi Bác nằm. Một lồng kính bao quanh lấy Bác, bốn góc Bác nằm có bốn chú cảnh vệ đứng nghiêm canh gác. Bác ra đi mãi mãi nhưng những người đến thăm nào có nghĩ vậy, coi Bác vẫn sống, Bác chỉ nằm nghỉ, một giấc ngủ dài mà thôi. Trong bài học, em được học biết bao điều hay lẽ phải về Bác. Bác đã phải hi sinh cả cuộc đời để để lại cho con cháu nhiều bài học, nhiều điều phải suy ngẫm; để lại một giang sơn gấm vóc tự do hạnh phúc cho con cháu xây dựng và bảo vệ. Công lao trời biển của Bác thật sự không gì so sánh được.

          Qua Lăng Bác, em đến với nhà sàn, đến với ao cá Bác Hồ. Đây cũng là nơi để lại cho em nhiều ấn tượng. Nhà sàn của Bác nhỏ và đơn sơ. Chỉ có giường, bàn làm việc, trên bàn là chiếc mũ cối của Bác. Vị chủ tịch vĩ đại không ở nơi kín cổng cao tường, nơi sa hoa tráng lệ mà là nhà sàn gỗ, sống quanh cây cối thiên nhiên, thậm chí là “vào hang, ra núi”. Đàn cá của Bác nhiều vô kể, mỗi lần thấy khách tham quan cho ăn, chúng lại nổi lên như đợt sóng dữ, thi nhau đớp lấy mồi. Nơi đây quả thật yên bình, thanh tịnh và nhiều kỉ niệm đẹp – cơ hội cho chúng em được sống lại thời khắc xưa cũ hào hùng bên Bác.

          Được một lần về thăm Lăng Bác, quả thực để lại cho em nhiều cảm xúc và lòng yêu mến. Em sẽ cố gắng noi gương Bác, làm theo lời Bác dạy: phải học tập tốt, lao động tốt, biết khiêm tốn, có lòng dũng cảm; em sẽ trở thành một người tốt cho xã hội sau này.

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: