Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối một sự việc, hiện tượng lớp 5 - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Tiếng Việt lớp 5 Viết: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối một sự việc, hiện tượng sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2.
Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối một sự việc, hiện tượng lớp 5 - Kết nối tri thức
Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:
Đề 1: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng vứt rác bừa bãi.
Đề 2: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng chen lấn khi xếp hàng.
Câu 1 trang 143 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Dựa vào các ý đã tìm trong hoạt động Viết ở Bài 28, viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài đã chọn.
Lưu ý:
– Sử dụng từ ngữ để tỏ rõ ý kiến phản đối (không đúng, khó chấp nhận, không đồng ý,…)
– Các lí do phản đối phải xác đáng, có dẫn chứng thuyết phục.
Trả lời:
* Đề 1: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng vứt rác bừa bãi.
Vứt rác bừa bãi đang là hiện tượng không khó bắt gặp hiện nay. Rác thải ở mọi nơi, từ lề đường đến các gốc cây, quán xá,… Việc vứt rác bừa bãi không phải do cố ý mà đã “quen tay”, nếu không dùng nữa thì vứt luôn xuống cạnh chân mình. Điều này thật sự đáng lên án và phản đối. Đầu tiên, rác thải bị vứt bừa bãi thường sẽ bị trôi dạt về ven sông, hay các kênh, rạch, ao hồ, từ đó gây hại rất lớn cho môi trường. Chẳng hạn như đất và nước bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến các sinh vật biển hay không thể canh tác cây cối, thậm chí có thể gây bệnh về đường ruột cho con người. Thứ hai, việc xả rác bừa bãi ở khu dân cư sẽ gây ra mùi hôi khiến cư dân cực kỳ khó chịu, kéo theo đó là sự sản sinh các loài vật như ruồi, muỗi, chuột, bọ,…có thể gây cho con người nhiều bệnh nguy hiểm. Chúng ta cần nâng cao nhận thức về việc vứt rác bừa bãi, cùng nhau lên tiếng phản đối thói quen không tốt đó. Điều đó giúp cộng đồng thay đổi được suy nghĩ và chấm dứt hành động này.
* Đề 2: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng chen lấn khi xếp hàng.
Hiện tượng chen lấn khi xếp hàng là một hiện tượng không tốt, nhưng đáng buồn là hiện tượng này lại đang vô cùng phổ biến hiện nay. Chúng ta cần phản đối cũng như tìm cách khắc phục hiện tượng chen hàng. Thứ nhất, việc chen lấn khi xếp hàng sẽ mang lại sự mất công bằng với người khác khi họ đang nghiêm túc chờ tới lượt của mình thì lại có người chen ngang, “ưu tiên” được phục vụ trước, gây ra sự khó chịu, không vui của tất cả mọi người. Thứ hai, nó cực kỳ ảnh hưởng tới hiệu quả công việc và thời gian chờ đợi của mọi người. Tưởng tượng mà xem, khi có một người chen ngang, tất cả những người phục vụ của gian hàng đó đều phải dừng lại để nhắc nhở, điều chỉnh thứ tự của tất cả mọi người, gây ra chậm trễ trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Thứ ba, những người chịu đựng việc chen ngang đó đã phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để chờ đợi tới lượt mình, ảnh hưởng tới thời gian làm những công việc khác của họ. Chen lấn khi xếp hàng là một hiện tượng, một tính cách xấu ở một số người nhưng cộng đồng cần chung tay để hành động này được chấm dứt.
Câu 2 trang 143 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc soát và chỉnh sửa.
a. Đọc lại đoạn văn của em để phát hiện lỗi.
b. Sửa lỗi trong đoạn văn (nếu có).
Trả lời:
Em đọc lại đoạn văn mà mình đã viết để phát hiện lỗi, sửa lại đoạn văn (nếu có lỗi)
* Vận dụng
Trả lời:
Em chia sẻ và trao đổi với người thân ý kiến phản đối của em về hiện tượng chen lấn khi xếp hàng.
Câu 2 trang 143 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm đọc văn bản thông tin về vấn đề xử lí rác thải
Trả lời:
Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.
Tại Hà Nội, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày. Hiện bãi rác Nam Sơn đã quá tải và Hà Nội đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu xử lý rác thải ở Sóc Sơn, Nam Sơn và một số nơi khác nhưng mới chỉ có một Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý (Trung Quốc) đã chạy thử giai đoạn 1. Sau hơn một năm nhà máy vẫn chưa được nghiệm thu và vận hành chính thức.
Tại Tp.Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Thành phố đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư xử lý rác thải hàng chục năm trước nhưng chủ yếu là dùng phương pháp chôn lấp. Hiện nay hầu hết các bãi rác này đã sắp quá tải và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như bãi rác Đa Phước hay khu xử lý Tây Bắc thuộc huyện Củ Chi.