Phân tích bài ca dao: Khăn thương nhớ ai ... một bề năm 2023
Phân tích bài ca dao: Khăn thương nhớ ai ... một bề năm 2023
Bài văn Phân tích bài ca dao: Khăn thương nhớ ai ... một bề gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 10.
Đề bài: Phân tích bài ca dao:
"Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ khóng yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề..."
Bài văn mẫu
Bài ca nằm trong hệ thống ca dao về đề tài thương nhớ, một cung bậc trong ca dao tình yêu của người bình dân Việt Nam. Bài ca diễn tả nỗi nhớ niềm thương của một cô gái. Nhớ thương da diết, nhớ đến thao thức, cồn cào gan ruột mà không dễ bộc lộ. Cô phải hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi cả mắt mình. Những câu hỏi không có câu trả lời càng nén chặt nỗi thương nhớ, để cuối cùng trào ra trong nỗi lo âu cho hanh phúc:
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề.
Cái khăn được hỏi đến đầu tiên và được hỏi nhiều nhất, đến 6 câu thơ:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Cái khăn (khăn đội đầu hoặc khăn tay) thường là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người yêu (Gửi khăn, gửi áo, gửi lời - Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa). Sáu câu thơ được cấu trúc theo lối vắt dòng, láy lại 6 lần từ "khăn" ở vị trí đầu các câu thơ và láy lại 3 lần câu "khăn thương nhớ ai" như một điệp khúc bất tận, thể hiện nỗi nhớ triền miên, da diết. Dường như mỗi lần hỏi là nỗi nhớ lại trào dâng thêm. Cái khăn, tự nó không biết "thương nhớ" không biết "rơi xuống", "vắt lên", "chùi nước tnắt", nhưng những hình ảnh vận động mang cảm xúc người đă làm hiện lên hình ảnh con người với tâm trạng ngổn ngang niềm thương nhớ cùng nỗi lo âu. Nhớ đến ngơ ngẩn, nỗi nhớ tỏa theo nhiều hướng của không gian "khăn rơi xuống đất" rồi lại "khăn vắt lên. Vai", cuôì cùng thu lại trong cảnh khóc thầm "khăn chùi nước mắt".
Nỗi nhớ trong 6 câu trên lan tỏa vào không gian, đến 4 câu tiếp lại xuyên suốt theo thời gian. Nỗi nhớ ban ngày kéo dài sang cả ban đêm:
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Vẫn là điệp khúc "thương nhớ cũ", nhưng nỗi nhớ đã chuyển từ "khăn" sang "đèn". Hình ảnh ngọn đèn gợi ra đêm khuya vò võ canh tàn, và cái đốm lửa đang cháy kia phải chăng là hình ảnh của nỗi nhớ cháy rực trong lòng cô gái? Ngọn đèn mãi không chịu tắt, nỗi nhớ cứ da diết khôn nguôi. Cũng như chiếc khăn, ngọn đèn đã giúp cô gái thổ lộ nỗi lòng.
Nhưng dù gợi cảm bao nhiêu, thì chiếc khăn và ngọn đèn cũng chỉ là cách nói gián tiếp theo lối biểu tượng, nhân hóa. Nỗi lòng của cô gái buộc phải bật ra trong cách nói trực tiếp:
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Thương nhớ đến không ngủ được, cứ trằn trọc thao thức là cách biểu lộ quen thuộc trong ca dao:
Đêm nằm lưng chẳng tới giường.
Trông cho mau sáng ra đường gặp anh.
Tuy nhiên, cũng là một tâm trạng ấy, nhưng trong bài ca này, hình ảnh đôi mắt có sức gợi cảm sâu xa hơn nhiều. "Mắt ngủ không yên" tạo nên một đối xứng rất đẹp với "đèn không tắt" ở trên, gợi lên một cảnh tượng rất thực: cô gái giữa đêm khuya một mình đốì diện với ngọn đèn mà nhớ người thương. Vì "mắt ngủ không yên" nên "đèn không tắt". Nói đèn cũng chỉ là để nói người thôi. Ngọn đèn soi chiếu vào đôi mắt, càng thấy nỗi nhớ thương vời vợi khôn nguôi.
Mười câu thơ là 5 câu hỏi không có lời đáp. Điệp khúc "thương nhớ ai" trở đi trở lại như xoáy vào một nỗi niềm khắc khoải, da diết. Năm lần từ "thương nhớ" và năm lần từ "ai" xuất hiện. Bản thân từ "ai" xuât hiện. Bản thán từ "ai" mang ý phiếm chỉ, gợi lên một nỗi nhớ thương sâu thẳm mênh mông, không giới hạn. Từ "ai" là phiếm chỉ, không xác định cá thể đối tượng, nhưng người nghe hoàn toàn hiểu được "ai" ấy là ai. Hỏi không có trả lời, nhưng thực ra cầu trả lời đã nằm trong giọng điệu khắc khoải, da diết kia. Không cần nói rõ, nhưng nỗi nhớ người yêu đã được bộc lộ một cách kín đáo mà gợi cảm, sâu sắc, mãnh liệt.
Cách gieo vần của bài ca cũng rất đặc sắc:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Vần chân và vần lưng xen kẽ nhau, vần bằng và vần trắc luân phiên nhau, tất cả tạo nên một âm điệu luyến láy liên hoàn khiến cho nỗi nhớ thương của cô gái vừa như nén lại, vừa như kéo dài ra đến mênh mông vô tận theo cả không gian và thời gian. Tưởng chừng nỗi nhớ ấy sẽ không có kết thúc... Nhưng bài ca phải có điểm dừng. Khi cô gái không hỏi nữa thì niềm thương nhớ trào ra thành nỗi lo phiền.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề...
Từ nhịp thơ 4 chữ dồn dập, liên tiếp, lời ca chuyển sang nhịp thơ lục bát, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng xao xuyến hơn, giãi bày niềm lo âu của cô gái trước hạnh phúc lứa đôi. Không phải ngẫu nhiên mà chữ "lo" được nhắc đến hai lần. Nhớ thương người yêu và lo lắng cho duyên phận của mình "không yên một bề", tâm trạng của cô gái mang ý nghĩa phổ biến cho người phụ nữ trong cuộc đời xưa: yêu tha thiết nhưug luôn lo sợ cho hạnh phúc bấp bênh.
Bài ca khá tiêu biểu cho nghệ thuật ca dao với sự lặp lại trong cách diễn tả tâm trạng, cách dùng những hình ảnh biểu tượng, lối nhân hóa để tăng thêm sức sống cho hình ảnh, cách gieo vần linh hoạt, cách cấu tạo truyền thống kết hợp những câu thơ bốn chữ với hai câu lục bát cuối cùng... Qua nỗi thương nhớ và niềm lo âu được diễn tả trong bài ca, ta nhận ra tiếng hát yêu thương và khao khát yêu thương của người bình dân xưa.