Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia năm 2023
Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia năm 2023
Bài văn Phân tích tư tưởng trọng người hiền tài trong bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 10.
Bài văn mẫu
Thân Nhân Trung là người học rộng tài cao, có tầm nhìn xa trông rộng. Trong văn bản Hiền tài là nguyên khí của quốc gia ông đã thể hiện rất rõ tầm nhìn của mình thông qua việc thể hiện tư tưởng coi trọng người hiền tài đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia được trích từ bài văn bia Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Bảo Đại thứ ba. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước phồn thịnh, xã hội ổn định, văn hóa giáo dục đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Để có được những thành tựu như vậy sự đóng góp của người hiền tài là vô cùng lớn.
Ngay từ đầu văn bản Thân Nhân Trung đã nêu cao tư tưởng trọng dụng người hiền tài với câu văn khẳng định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Hiền tài ở đây được hiểu là những người học rộng, tài cao, có đạo đức và sống có lí tưởng. Nguyên khí là khí chất ban đầu làm nên sự sống của mỗi sự vật. Và sự vật ở đây chính là quốc gia, vận mệnh đất nước. Như vậy, người hiền tài chính là nhân tố quyết định đến sự sống còn, tồn vong của đất nước.
Sau câu văn mở đầu khẳng định tầm quan trọng của người hiền tài đối với đất nước, Thân Nhân Trung đã đưa ra hàng loạt các lí lẽ để chứng minh cho nhận định ấy. Nếu nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Với quan điểm đó đã có thấy tư tưởng đề cao, trân trọng đối với những người hiền tài vì tác giả cho rằng người hiền tài có ảnh hưởng tới quốc gia dân tộc, quyết định sự sống còn của đất nước ấy. Người hiền tài quả chẳng khác gì báu vật của mỗi đất nước.
Tiếp đó, ông ghi lại thái độ của các đấng minh quân đối với những người hiền tài. Với những con người tài giỏi những vị vua anh minh luôn có thái độ trọng đãi, bồi dưỡng và vun trồng làm việc trước tiên, tức là đặt việc bồi dưỡng họ lên hàng đầu. Có được người hiền tài, nhà vua lại lấy việc quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Các vị vua đều có những hành động cụ thể để thể hiện lòng yêu quý và đề cao đối với những người hiền tài như xướng danh lớn sau khi họ thi đỗ, cho làm quan cao trong triều, tên tuổi được khắc ghi và được hưởng những bữa tiệc linh đình, trang trọng. Thái độ trọng đãi với người tài được Thân Nhân Trung đánh giá: Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất.
Nhưng như vậy có lẽ vẫn là chưa đủ bởi vậy ở cuối phần một, tác giả đã nêu lên lí do vì sao lại cho khắc lên bia đá tên của những người hiền tài: dựng đá đề danh ở cửa Hiền Quang để tiếng thơm lưu vẻ sáng lâu dài cho và cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết. Như vậy việc khắc tên của người hiền tài lên bia đá là hết sức cần thiết nó không chỉ làm cho tiếng thơm của những người tài được lưu với núi sông muôn đời mà còn có tác dụng khích lệ tinh thần học tập, noi gương ở những người khác.
Thân Nhân Trung đã có cách nhìn, cách đánh giá đúng đắn về vai trò của những người hiền tài đối với vận mệnh của đất nước. Tư tưởng trọng người hiền tài được ông thể hiện trong văn bản cũng chính là tư tưởng của vị minh quân Lê Thánh Tông, bởi vậy, trong đoạn văn này ông luôn gọi nhà vua là thánh minh, thánh đế minh vương. Đoạn văn đã thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa vua sáng và tôi hiền.
Đoạn trích có giá trị lớn về phương diện nghệ thuật, với ý văn táo bại, cứng cỏi, lập luận sắc bén, dẫn chứng thuyết phục đã thể hiện quan điểm đúng đắng đối với người hiền tài. Bài văn là lời khuyến khích động viên người hiền tài ra giúp đời, giúp nước. Dù sáng tác cách đây đã hàng thế kỉ nhưng cho đến ngày này văn bản vẫn giữ nguyên giá trị của nó.