X

500 bài văn mẫu lớp 10

Phân tích bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng năm 2023


Phân tích bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng năm 2023

Bài văn Phân tích bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 10.

Phân tích bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng năm 2023 - Văn mẫu lớp 10

Bài văn mẫu

   Đoạn trích này nam ở hồi thứ 21 của Tam quốc diễn nghĩa. Nội dung kể về bữa rượu Tào Tháo đãi Lưu Bị trong thời gian ba anh em Lưu – Quan – Trương tạm thời nương náu trên đất Ngụy để chờ thời cơ ra đi mưu nghiệp lớn. Đề tài của hai người trong bữa rượu là bàn luận về anh hùng và mục đích của Tào Tháo là thăm dò và thử thách Lưu Bị. Hiểu rõ ý đồ đó nên Lưu Bị đã khôn khéo đánh lạc hướng, khiến Tào Tháo không còn nghi ngờ gì nữa. Qua đoạn trích, người đọc có thể hiểu phần nào quan niệm về người anh hùng của Tào Tháo và sự sáng suốt cùng tính cách khôn ngoan, thận trọng của Lưu Bị.

   La Quán Trung đã vẽ chân dung nhân vật bằng những lời lẽ, cử chí tiêu biểu nhất, chọn lọc nhất, ở đoạn trích này, ta thấy Tào Tháo và Lưu Bị hoàn toàn tương phản về mặt tính cách nhưng đặt cạnh nhau thì tính cách của mỗi nhân vật lại càng thêm nổi bật.

   Vị trí của đoạn trích này nằm sau đoạn kể về việc ba anh em Lưu – Quan – Trương phải tạm náu mình dưới trướng Tào Tháo. Lúc này, Tào Tháo đang ở thế rất mạnh, còn Lưu Bị, tuy cũng ấp ủ chí anh hùng tạo dựng sự nghiệp lớn lao nhưng thế lực còn quá yếu. Tình thế hiểm nghèo chẳng khác nào cá nằm trên thớt. Tào Tháo vốn đa nghi và gian hiểm. Nếu Lưu Bị sơ hở để lộ tung tích thì cầm chắc cái chết. Vì thế mà Lưu Bị hết sức cẩn thận: Huyền Đức bấy giờ sợ Tháo nghi mình có mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà, ngày ngày vun xới, tưới tắm để làm cho Tháo khỏi ngờ. Thế nhưng chuyện ấy Tào Tháo cũng biết.

   Việc Tào Tháo sai Hứa Chử và Trương Liêu là hai dũng tướng thân cận của hắn đến mời tạo ra một tình huống bất ngờ và bất lợi cho Lưu Bị. Trong lúc Quan Vũ và Trương Phi đi vắng, không biết Tào Tháo mời mình đến dinh Thừa tướng để làm gì? Lưu Bị đã giật mình hỏi: Việc gì khẩn cấp thế, hai ông? Từ chối không đi hoặc nấn ná trì hoãn đều bất ổn, Lưu Bị buộc phải theo Hứa Chử, Trương Liêu đến yết kiến Tào Tháo.

   Lưu Bị đến phủ Thừa tướng, Tào Tháo thay cho lời chào bằng câu: Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ! khiến cho Lưu Bị sợ tái mặt. Rồi Tào Tháo dắt Lưu Bị ra sau vườn, nói tiếp: Huyền Đức học làm vườn, chắc không phải là một việc dễ dàng? Lúc bấy giờ, Lưu Bị mới vững dạ đáp một cách tự nhiên rằng: Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.

   Tháo vui vẻ kể lại chuyện ngày trước dụ quân sĩ trên đường đi đánh Trương Tú bằng việc nói dối là có rừng mơ trước mặt để cho họ vượt qua cơn khát cháy họng. Rồi hắn bắt sang chuyện là hiện đang có mơ xanh trên cây, lại có nồi rượu vừa mới nấu nên mời Lưu Bị đến tiểu đình uống rượu. Hắn kể lể dông dài như vậy là để tạo cho cuộc gặp gỡ một cái cớ tự nhiên và hợp lí, hòng xua đi thắc mắc trong lòng Lưu Bị Tào Tháo và Lưu Bị vốn hiểu rất rõ về nhau. Tào Tháo để ba anh em Lưu Bị ở gần mình là vì muốn khống chế và thu phục để sử dụng về sau.

   Nguyên nhân dẫn đến chuyện luận anh hùng lại là cơn mưa to sắp kéo đến. Khi quân hầu bẩm là có vòi rồng lấy nước, Tào Tháo và Lưu Bị cùng ngắm xem. Nhân đà, Tào Tháo hỏi Lưu Bị về sự biến hóa của rồng. Đây không phải là chuyện vô cớ mà sâu xa là một điều ám chí, một sự thăm dò.

   Sự biến hóa của rồng là sự biến hóa của Lưu Bị hay của Tào Tháo? Tào Tháo vốn là một thi sĩ rất giỏi thơ văn nên khi ông ta nói về sự biến hóa của rồng thật hay và nhiều ngụ ý: Rồng thì lúc to, lúc nhỏ, lúc bay, lúc nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu hình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hóa, cũng như người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời.

   Tào Tháo vốn đa mưu túc kế nên đã chủ động lái câu chuyện sang một hướng khác có vẻ tự nhiên nhưng thực ra là cố ý đưa Lưu Bị vào tình thế khó xử: Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe.

   Lời lẽ ấy, giọng điệu ấy là lời lẽ, giọng điệu của kẻ đang nắm quyền chủ động, đang đắc ý gặp thời nên không khỏi huênh hoang, dương dương tự đắc. Đối lại, Huyền Đức vẫn một mực khiêm nhường: Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng... Bị này được nhờ ơn Thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ thực không được biết.

   Tào Tháo vẫn gặng: Đã đành không biết mặt nhưng cũng có nghe tiếng chứ? Đên đây thì Lưu Bị không thể thoái thác, đành đưa ra một vài người như: Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lương nhiều, có thể cho là anh hùng được chăng ? Tháo gọi Viên Thuật một cách khinh bỉ là xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được. Lưu Bị nhắc đến Viên Thiệu (anh Viên Thuật) ở Hà Bắc, bốn đời làm tam công... hiện nay như con hổ dữ hùng cứ ở Kí Châu... có thể cho là anh hùng được chăng ? Tháo lại phủ nhận: Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì quên mình, không thể gọi là anh hùng được. Lưu Bị tiếp tục đưa ra Lưu Cảnh Thăng, nổi tiếng trong tám kẻ tuấn kiệt đương thời, uy danh khắp cả chín châu, Tào Tháo cũng nhận xét đây là kẻ có hư danh nhưng không có thực tài, không phải là anh hùng. Rồi Tôn Sách với sức khỏe đứng đầu xứ Giang Đông cũng bị Tào Tháo cho là nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng. Đến Lưu Chương, dòng họ nhà vua cũng bị Tào Tháo khinh bỉ gọi là con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được? Cuối cùng là đến nhóm Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại mà Tào Tháo đã từng đích thân dẫn quân đi đánh thì Tháo vỗ tay cười to: Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì còn nói làm gì nữa ?

   Qua cuộc đối thoại đó, ta thấy Lưu Bị rất khôn khéo vì ông chí nhắc đến cái sức mạnh trong quá khứ và hiện tại của mỗi nhân vật. Khi nói lên sự hiểu biết và quan niệm của mình về các anh hùng trong thiên hạ, Lưu Bị không hề nhắc đến Tào Tháo chắc vì nhiều lí do. Đó là sự khéo léo, khôn ngoan rất mực.

   Trái lại, thái độ Tào Tháo rất cao ngạo, khinh bạc, coi thường tất cả, gọi thẳng họ tên, dùng ẩn dụ để chỉ ra sự bại vong tất yếu hoặc sự tầm thường của từng người mà Lưu Bị đã nêu lên. Tào Tháo lúc thì nói, lúc thì cười nói, điệu bộ kẻ cả và sử dụng toàn câu phủ định.

   Tào Tháo uống rượu luận anh hùng trong khi các nhân vật mà Lưu Bị nêu ra đang có hàng vạn binh giỏi, ngựa tốt, có nhiều tướng lĩnh xuất sắc và đang hùng cứ một phương. Thế nhưng Tào Tháo đã chí ra cái yếu, cái tầm thường cùng sự bại vong của họ. Tầm nhìn của Tào Tháo là tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Khi cái thế chân vạc "Ngụy – Thục – Ngô" chưa hình thành mà Tào Tháo với mưu cao, chí lớn đã đưa ra những dự báo tài tình, điều đó cũng thể hiện cuộc đấu trí của Lưu Bị với Tào Tháo gay go đến nhường nào.

   Lưu bị lấy rất nhiều dẫn chứng cốt để Tào Tháo chừa mình ra và bớt nghi ngờ, nhưng Tào Tháo vốn sáng suốt và sắc sảo, hắn không dễ gì buông tha Lưu Bị. Lúc Lưu Bị vờ làm ra vẻ thật thà: Ngoài những người ấy ra, Bị thực không còn biết ai nữa; thì Tào Tháo đột ngột nói thẳng quan điểm của mình không hề che đậy: Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.

   Bốn tiêu chí mà Tào Tháo nêu ra phải chăng là tự nói về mình? Nếu coi "nhân, trí, dũng" là phẩm chất của người anh hùng thì quan niệm về người anh hùng của Tào Tháo chưa đầy đủ, nhưng sự thật là với thanh gươm yên ngựa giữa thời Tam quốc loạn lạc, con người này đã giành được chức Thừa tướng, dưới trướng có hàng trăm vạn hùng binh, hàng nghìn kiện tướng đang tung hoành bốn cõi thì đâu phải một người bình thường?!

   Quan điểm trên cho thấy suy nghĩ của Tào Tháo đôi với người anh hùng là quá lớn, quá cao. Có thể hiểu anh hùng của Tào Tháo chính là những người ôm mộng bá vương, là Thiên Tử ở dưới Trời một bậc. Như vậy là Tào Tháo đã hé lộ bản chất và tham vọng ghê gớm của minh trước Lưu Bị.

   Những tưởng Tào Tháo có ý ngầm khẳng định chỉ có một mình hắn xứng là anh hùng trong thiên hạ nên Lưu Bị đã bớt lo, chỉ hỏi thêm một câu đưa đẩy: Ai có thể xứng đáng được như thế ? Nào ngờ một tình huống đầy kịch tính bất ngờ xảy ra khi Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức, rồi lại trỏ vào mình nói rằng: Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chí có sứ quân và Tào Tháo mà thôi. Thật là bất ngờ cho Lưu Bị khi nghe Tào Tháo trả lời không hề úp mở. Câu nói của Tào Tháo còn ẩn chứa cả sự ngấm ngầm đe dọa của một kẻ có uy quyền và đầy tham vọng.

   Lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của Tào Tháo khiến cho Huyền Đức nghe nới giật nảy mình, bất giác thìa, đũa cầm ở tay rơi cả xuống đất. Song lòng yêu mến dành cho Huyền Đức đã khiến tác giả La Quán Trung sáng tạo ra một tiếng sấm rền vang đầy bất ngờ và đúng lúc để giúp Huyền Đức che giấu được cái giật mình nguy hiểm. Tháo nhìn thấy mỉa mai: Trượng phu mà cũng sợ sấm à ? Huyền Đức nhanh trí biện minh: Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, sao tôi tại không sợ! Bằng câu nói có vẻ tự nhiên, nửa đùa nửa thật ấy, Huyền Đức đã che giấu được nguyên nhân thật sự của việc đánh rơi thìa đũa là do sợ hãi khi nghe Tào Tháo gọi mình là anh hùng.

   Nét nổi bật nhất trong tính cách của Tào Tháo được thể hiện ở câu nói khẳng định mình và Lưu Bị là anh hùng. Đây cũng là thắt nút, là đỉnh điểm của mâu thuẫn và hành động che giấu cái giật mình một cách khéo léo của Huyền Đức là điểm mở nút. Tào Tháo đẩy mâu thuẫn lên cao trào với câu nói đầy khiêu khích; trái lại, Huyền Đức giải quyết mâu thuẫn bằng một hành động khiêm nhường của một người biết ẩn mình khi cần thiết.

   Trong cuộc luận anh hùng mà thực chất là cuộc đấu trí giữa Tào Tháo và Lưu Bị, La Quán Trung đã khép lại câu chuyện một cách nhanh gọn và hóm hỉnh như hạ màn một vở kịch đặc sắc:

   Huyền Đức đã che đậy được hết cả việc giật mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tào Tháo gọi mình là anh hùng.

   Tháo thấy thế không nghi ngờ gì Huyền Đức nữa.

   Lưu Bị vốn là một người bình tĩnh, khôn ngoan, song khi bị đặt vào tình huống quá hiểm nghèo và trước sức ép liên tục của Tào Tháo thì việc giữ được bình tĩnh hoàn toàn không dễ. Không phải ngẫu nhiên tác giả đã để cho Lưu Bị hai lần giật mình, hơn nữa còn giật mình mạnh đến nỗi bất giác thìa, đũa đương cầm ở tay rơi cả xuống đất. Tuy nhiên, trước sau Lưu Bị vẫn làm chủ được tình thế, từ việc làm một vườn rau ở sau nhà, ngày ngày vun xới tưới tắm, từ chỗ tái mặt đến trấn tĩnh, từ chỗ đánh rơi thìa, đũa đến ung dung cúi xuống nhặt đũa và thìa, đặc biệt là còn đủ tỉnh táo để dẫn một câu trong sách Luận ngữ của Khổng Tử để biện hộ cho việc đánh rơi thìa, đũa của mình.

   Một trong những bút pháp quen thuộc mà các nhà văn cổ điển Trung Quốc thường sử dụng để làm nổi bật tính cách nhân vật là lấy nhân vật này để đối sánh với nhân vật khác. Lưu Bị không chỉ giữ kín ý đồ với Tào Tháo mà với cả hai người anh em kết nghĩa. Khi Quan Công, Trương Phi thắc mắc anh không Lưu tâm đến thiên hạ, Lưu Bị chí đáp một cách nhẹ nhàng, ngắn gọn: Hai em biết đâu ý anh!

   Với Lưu Bị, bữa rượu bất ngờ ấy không phải là chỗ để tranh luận về quan niệm anh hùng vì trước mắt, Lưu Bị đang giấu mình thật kĩ để khỏi bị Tào Tháo tiêu diệt. Lưu Bị đã thực hiện thành công chủ trương ấy nên ông đã giành phần thắng. Đó là xét về phía Lưu Bị. Còn về phía Tào Tháo, vì sao ông ta lại thua trong cuộc đấu trí này?

   Được Tào Tháo mời đến uống rượu và bàn luận về anh hùng, có nghĩa là Lưu Bị đã bị đặt vào tầm ngắm, vào thế rất dễ để lộ mình. Chi tiết đánh dấu điểm mở nút là việc Huyền Đức đã khôn khéo che đậy được hết việc giật mình đánh rơi thìa, đũa khi nghe Tào Tháo gọi mình là anh hùng. Chi tiết ấy cũng giải thích được vì sao Lưu Bị vốn đã khiêm nhường, thận trọng, kín đáo, khôn ngoan thì ở tình thế này, những nét tính cách đó càng được thể hiện một cách nổi bật. Mặt khác, có thể thấy tình thế trên cũng làm cho Tào Tháo vốn đã kiêu ngạo nay lại nảy sinh chủ quan, mất cảnh giác, dẫu bình thường ông ta nổi tiếng là kẻ đa nghi, cẩn trọng. Đây là điều kiện khách quan tạo thuận lợi cho Lưu bị có thể giành phần thắng.

   Trong Tam quốc diễn nghĩa, tác giả miêu tả thiên nhiên không nhiều, song những chỗ miêu tả thiên nhiên đều rất xuất sắc, có tác dụng lớn trong việc khắc họa bối cảnh cũng như tính cách nhân vật. Giữa tiệc rượu, câu chuyện luận anh hùng đã đến một cách tình cờ nhờ sự xuất hiện của cơn mưa và hiện tượng vòi rồng. Nút đã được thắt rất hợp lí và rồi cũng được mở một cách tự nhiên nhờ tiếng sấm rền vang.

   Đoạn trích giống như một màn kịch ngắn có đủ các yếu tố như bối cảnh, nhân vật, lời thoại và kịch tích. Những chi tiết giàu kịch tính làm cho độc giả luôn rơi vào trạng thái bất ngờ và do đó luôn thấp thỏm, chờ đợi, hồi hộp xem kết cục ai thắng, ai bại: như việc Tào Tháo mời Lưu Bị đến ngay mà không nói rõ lí do, việc Tào Tháo nói Lưu Bị đang làm một việc lớn lao mà không nói rõ đó là việc gì, hiện tượng vòi rồng bỗng nhiên xuất hiện lúc hai người đang ăn uống vui vẻ, hiện tượng tiếng sấm rền vang đúng lúc Lưu Bị bị dồn vào tình thế nguy hiểm.

   Lời thoại của nhân vật nào bộc lộ rõ tính cách của nhân vật ấy: Tào Tháo sắc sảo, gian hùng, từng trải, nhưng bộc lộ hết ra ngoài. Còn Lưu Bị thì thông minh, sáng suốt, bình tĩnh và từng trải không kém. Ông che giấu khéo đến mức làm cho Tào Tháo không còn nghi ngờ gì nữa và sau đó ông vẫn tiếp tục âm thầm lo gây dựng sự nghiệp lớn lao. Lưu Bị chính là rồng đang ẩn trong mây vậy!

   Qua đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng, ta thấy nghệ thuật phân tích diễn biến tâm lí và xây dựng tính cách nhân vặt của tác giả La Quán Trung thật già dặn, điêu luyện, xứng đáng là bậc thầy trong văn xuôi Trung Quốc thời trung đại.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 10 chọn lọc, hay khác: